Từ khi tìm ra con đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn luôn đặt lên hàng đầu việc đào tạo một đội ngũ chiến sĩ cách mạng kiểu mới, có đủ phẩm chất và năng lực lãnh đạo quần chúng làm cách mạng. Vì vậy, cùng với nhiều hoạt động tích cực, phong phú như chuẩn bị cho sự ra đời chính Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam, Người đã dành nhiều thời gian, trí tuệ, công sức cho việc huấn luyện, đào tạo, nâng cao kiến thức văn hóa cho cán bộ cách mạng để rồi từ đó tiếp tục giáo dục, nâng cao dân trí cho nhân dân. Theo Người, cán bộ ta còn nghèo, chưa thể có tiền của giúp đỡ nhân dân, nhưng nhân dân có những yêu cầu và nguyện vọng mà cán bộ ta có thể giúp được. Đó là việc nâng cao dân trí, từ những việc tưởng chừng nhỏ bé nhưng vô cùng quan trọng, như: dạy học chữ, dạy họ hiểu con đường cách mạng phải đi như thế nào; phát triển phong trào đến đâu cần tổ chức lớp học ngay đến đó; càng cố gắng đào tạo được nhiều cán bộ là người dân tộc bao nhiêu càng có lợi cho cách mạng bấy nhiêu, vì các đồng chí đó am hiểu địa phương.
Cuối năm 1940, khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang chuẩn bị mọi điều kiện để về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, được biết có 40 cán bộ, đảng viên người Cao Bằng đang hoạt động ở Tĩnh Tây (Trung Quốc), Người đã cử các đồng chí Trịnh Đông Hải (tức Vũ Anh), Dương Hoài Nam (tức Võ Nguyên Giáp), Cao Hồng Lĩnh nắm tình hình và bắt liên lạc với số cán bộ người Cao Bằng. Người nhận thấy đây là những “hạt giống tốt” cho phong trào cách mạng và quyết định mở lớp bồi dưỡng rồi đưa toàn bộ số cán bộ này về nước hoạt động. Người nói: Chúng ta sẽ tổ chức một lớp huấn luyện cho các anh em, sau đó đưa anh em về nước, mở rộng phong trào ở Cao Bằng và tổ chức đường dây liên lạc về nước. Thực hiện chủ trương đó, trước khi về nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã dừng chân tại hai làng Nặm Quang và Ngàm Tảy (Tĩnh Tây, Trung Quốc) mở lớp huấn luyện, đào tạo cấp tốc cho 40 thanh niên Cao Bằng, bồi dưỡng để họ nắm được tình hình nhiệm vụ cách mạng, phương pháp hoạt động, cách thức xây dựng phong trào trong giai đoạn mới. Tài liệu của lớp huấn luyện này do Người biên soạn, sau này được in thành sách Con đường giải phóng. Nội dung học tập của lớp gồm có đường lối, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, phương thức hoạt động, phương pháp công tác của cán bộ Mặt trận Việt Minh, Chương trình, Điều lệ Việt Minh, cách thức tổ chức các Hội cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh… Đây là lớp huấn luyện cán bộ đầu tiên cho phong trào cách mạng ở Cao Bằng và cũng là lớp cán bộ đầu tiên được Người trực tiếp chỉ đạo, bồi dưỡng.
Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Thế An, Đặng Văn Cáp và Hoàng Văn Lộc vượt qua mốc 108 biên giới Việt - Trung về đến Pác Bó (xã Trường Hà, châu Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Đồng bào Pác Bó vinh dự và tự hào thay mặt nhân dân cả nước đón Người trở về trong lòng đất nước sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Từ đây, Pác Bó - Hà Quảng - Cao Bằng trở thành đại bản doanh của căn cứ địa Việt Bắc, trở thành chiếc nôi của cách mạng nước ta. Những tư tưởng chỉ đạo cách mạng của Người được đưa vào thực tế một cách nhanh chóng và linh hoạt, từng bước đưa cách mạng cả nước tới thành công.
Hòa nhập với phong trào quần chúng, sống với nhân dân, cùng “cháo bẹ, rau măng”, chia sẻ với người dân mọi khó khăn, gian khổ, vui buồn, chính ở mảnh đất Cao Bằng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã từng day dứt một câu hỏi “Nhân dân khổ cực biết hay chăng?”. Phải vận động, tổ chức quần chúng đứng lên đấu tranh tự giải phóng, thoát khỏi cảnh đời nô lệ và khổ cực. Trong thời gian đầu ở Pác Bó, Người đã liên tiếp mở nhiều lớp huấn luyện cho cán bộ cách mạng tại đây nhằm thực hiện thí điểm phong trào Việt Minh. Người trực tiếp làm giảng viên huấn luyện về cách thức tổ chức các Hội cứu quốc, giảng giải về chủ trương, mục đích, điều lệ của Mặt trận Việt Minh. Các lớp học chỉ kéo dài từ 7 - 8 ngày, thường mở vào ban đêm, không sách vở; giảng viên và học viên ngồi quây quần bên bếp lửa, với phương pháp truyền thụ vừa cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ, vừa toàn diện, đầy đủ, sâu sắc. Các cán bộ Cao Bằng đã nhập tâm nhanh chóng những bài giảng rồi trở lại cơ sở, lăn lộn với phong trào. Số lượng cán bộ tham gia lớp huấn luyện ngày càng đông đã góp phần quan trọng cung cấp kịp thời cán bộ cho phong trào Việt Minh.
Với thành công lớn của việc thí điểm Việt Minh, từ ngày 10/5 - 19/5/1941, Hội nghị lần thứ tám Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương được triệu tập tại Pác Bó (xã Trường Hà, châu Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh), đổi tên các tổ chức quần chúng yêu nước chống đế quốc trước đây thành các hội cứu quốc cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ cứu nước mới. Việt Minh đã công bố Chương trình và Điều lệ Việt Minh. Chương trình Việt Minh đề ra các chủ trương, nhiệm vụ về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, ngoại giao… Hội nghị đã chỉ ra: “Việc đào tạo cán bộ nay đã thành công tác gấp rút, không thể bỏ qua một giờ phút. Tất cả các bộ chỉ huy của Đảng phải đặc biệt chú ý công tác này. Những cấp bộ ấy phải mau mau tìm ra những đảng viên trung thành… có năng lực sáng tạo lập ra các lớp huấn luyện. Sự huấn luyện bằng miệng cũng chưa đủ, phải dìu dắt các đồng chí ấy trong công tác hằng ngày giữa quảng đại quần chúng… phải làm cho các đồng chí ấy tiến cả về mặt lý thuyết lẫn thực hành công tác… dù phải đình đốn rất nhiều ngành khác, việc đào tạo cán bộ cũng không thể sao lãng được… Làm sao cho đủ năng lực lãnh đạo cuộc cách mạng Đông Dương đi đến toàn thắng”.
Để tiếp tục nâng cao trình độ cán bộ, đáp ứng yêu cầu mới của phong trào cách mạng đang phát triển, trong tháng 5 và tháng 6/1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã mở hai lớp huấn luyện cho Tỉnh ủy Cao Bằng và các cán bộ chủ chốt các châu tại hang Bó Tháy (xã Hồng Việt, châu Hòa An) và hang Kéo Quảng (xã Minh Tâm, châu Nguyên Bình). Thời gian mỗi lớp khoảng 1 tuần với nội dung huấn luyện về Điều lệ Đảng, Nghị quyết Trung ương 8 và Lịch sử Đảng Cộng sản (b) Liên Xô... Sau mỗi bài giảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thường giải đáp những thắc mắc do học viên nêu ra, đồng thời hướng dẫn cán bộ cách phòng bệnh, ăn ở vệ sinh sạch sẽ… Vào những buổi tối, Người tiếp tục hướng dẫn cho các đồng chí có điều kiện ở gần Người học tập Lịch sử Đảng Cộng sản (b) Liên Xô. Chủ trương tích cực huấn luyện, đào tạo cán bộ của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại căn cứ địa cách mạng Cao Bằng vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa chuẩn bị cho lâu dài, cả cán bộ chính trị và cán bộ quân sự. Các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Cao Hồng Lĩnh… đã tham gia tích cực vào công tác đào tạo cán bộ. Dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, với sự giúp đỡ của cán bộ Trung ương, sự hoạt động tích cực của Đảng bộ Cao Bằng, công tác huấn luyện cán bộ đạt nhiều kết quả. Chỉ tính từ tháng 6/1941 đến tháng 4/1942, ở Cao Bằng đã có hơn 300 cán bộ được bồi dưỡng, huấn luyện. Từ những hạt giống này, các cơ sở cách mạng, các tổ chức cứu quốc nhanh chóng phát triển khắp mọi địa phương trong tỉnh.
Ngày 22/11/1942, thực hiện sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Tỉnh ủy Cao Bằng triệu tập Đại hội đại biểu Việt Minh toàn tỉnh lần thứ nhất tại thành nhà Mạc, thuộc Lũng Hoàng (Lam Sơn, xã Hồng Việt, châu Hòa An). Thực hiện Nghị quyết Đại hội Việt Minh toàn tỉnh, các châu Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình đã liên tiếp mở các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ Việt Minh cho các cơ sở vùng thấp cũng như vùng cao, dân tộc ít người. Tham dự các lớp huấn luyện còn có các cán bộ ở các châu Trấn Biên, Thạch An, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Phục Hòa. Nhờ đó, đến cuối năm 1942 đầu năm 1943, phong trào Việt Minh đã lan ra cả hầu khắp toàn tỉnh Cao Bằng và lan sang cả các châu Ngân Sơn, Chợ Rã (tỉnh Bắc Kạn)…
Chính sách ngu dân của thực dân Pháp đã làm cho hơn 90% dân số Cao Bằng mù chữ. Với quan điểm, cách mạng là sự nghiệp của quảng đại quần chúng và làm cách mạng thì phải làm đến thành công, sau đó còn phải bắt tay vào xây dựng đất nước. Nhưng muốn nhân dân luôn là sức mạnh vô địch thì phải tuyên truyền, vận động, giác ngộ, giáo dục nâng cao dân trí cho họ. Muốn tuyên truyền có hiệu quả thì người dân phải biết đọc, biết viết, không thể mù chữ. Do đó, vấn đề quan trọng đặt ra trong các thời kỳ huấn luyện là phải dạy văn hóa cho người học và thông qua dạy văn hóa mà tuyên truyền đường lối cách mạng. Vì vậy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rất quan tâm tới việc học văn hóa, xoá nạn mù chữ của cán bộ cách mạng. Người chỉ thị cho cán bộ, đảng viên hoạt động ở Cao Bằng đặc biệt quan tâm đến việc dạy học văn hóa theo phương thức: phong trào Việt Minh tới đâu tổ chức học văn hoá tới đó; người biết dạy người chưa biết, người biết nhiều dạy người biết ít. Ngay tháng đầu tiên về Pác Bó, các đồng chí Cao Hồng Lĩnh, Lê Quảng Ba, Bảo An… được Người chỉ định làm “thầy giáo” và được tổ chức thành một đội “giáo viên xung phong”. Người đã giao cho đồng chí Cao Hồng Lĩnh soạn bộ vần dạy chữ theo lối mới gồm hơn 30 bài. Không chỉ đề ra chủ trương, phương châm thực hiện, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn trực tiếp dạy chữ, dạy toán, dạy chính tả… cho các đồng chí có điều kiện ở gần Người. Nhiều đồng chí được hoạt động cùng với Người ở Cao Bằng hồi đó kể lại rằng: Chúng tôi thực hiện chủ trương của Bác bắt đầu từ cơ quan. Trong cơ quan, đồng chí Thế An gặp khó khăn hơn, vì đồng chí học đâu quên đấy. Trước khó khăn đó, Bác nhận trách nhiệm dạy chữ cho đồng chí Thế An. Bác dạy theo cách của Bác. Chỉ trong một thời gian ngắn, đồng chí Thế An đã biết đọc, biết viết. Được sự dạy bảo ân cần của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, các đồng chí cán bộ đã tích cực học tập và nhanh chóng biết đọc, biết viết, nhận thức về cách thức làm cách mạng được nâng lên từng bước, có điều kiện cống hiến cho cách mạng được nhiều hơn.
Đối với việc mở lớp cho các cháu thiếu nhi, Người hướng dẫn cụ thể qua việc yêu cầu cán bộ phải trả lời hàng loạt câu hỏi: Có bao nhiêu trẻ em trong bản? Các cháu sống thế nào? Bác đề nghị nhất thiết phải mở ngay các lớp này. Người nói đại ý: Mục đích của việc học là để hiểu biết, nhưng phải làm cho mọi người cùng hiểu biết. Trẻ em là tương lai của nước nhà. Đạo làm cha mẹ ai cũng muốn cho con em được ăn học có nơi có chốn, nên họ sẽ yêu quý thầy giáo. Lớp học không cần tổ chức quy mô. Một cháu đi chăn trâu cũng có thể đi làm thành một lớp học riêng được, miễn là trò ham học, thầy nhiệt tình.
Chủ trương dạy chữ quốc ngữ, học văn hóa của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rất đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh dân tộc Việt Nam gần thế kỷ sống dưới chính sách văn hóa ngu dân của thực dân Pháp, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân các dân tộc Cao Bằng, nơi chịu nhiều cơ cực, đắng cay dưới chế độ thực dân phong kiến. Mặc dù trong hoàn cảnh rất khó khăn, nhiệm vụ cách mạng cấp bách, trình độ học vấn, khả năng tiếp thu của đồng bào các dân tộc thấp, song do sự nỗ lực hoạt động của các đồng chí cán bộ, đảng viên cả Trung ương và địa phương, phong trào học tập văn hóa ở Cao Bằng từ năm 1941 đến năm 1943 diễn ra sôi nổi, mạnh nhất là các vùng Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình. Ở các xã “Việt Minh hoàn toàn” như: Trường Hà, Nà Sác, Đào Ngạn (châu Hà Quảng) đã mở các lớp học công khai trong rừng, có lớp có tới hơn 100 học viên tham gia học tập, chia thành nhiều nhóm, dạy và học theo nhiều buổi, chủ yếu vào buổi trưa và tối. Nội dung học tập không chỉ là học chữ, học toán… mà còn học thơ ca, đạo đức cách mạng, chủ trương, đường lối của Đảng và Chương trình, Điều lệ, chính sách của Mặt trận Việt Minh. Tại Pác Bó, trong năm 1941, đã mở 6 lớp huấn luyện với trên 120 học viên; trong năm 1943, mở được 11 lớp đào tạo được hơn 200 học viên. Ngày 1/1/1943, tại Bản Hoong (xã Trường Hà, châu Hà Quảng) đã tổ chức Đại hội học sinh, thu hút hơn 1.000 học viên từ các nơi trong tỉnh đến dự. Đại hội đã tổ chức thi văn hóa, chính trị, quân sự, thể thao; nhiều phần thưởng được trao cho các thí sinh đạt thành tích cao trong các môn thi. Cơ quan báo Việt Nam độc lập đã gửi tặng Đại hội một lá cờ đỏ thêu 4 chữ vàng “Gieo mầm văn hóa”. Đại hội học sinh là một biểu hiện cụ thể cho sự phát triển của phong trào học tập văn hóa của căn cứ địa Cao Bằng, đồng thời là một biểu hiện sinh động cho tinh thần, khí thế cách mạng đang dâng cao của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Nhằm tăng cường đoàn kết dân tộc, đẩy mạnh đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số, giai đoạn 1941 - 1945, Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã cử các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và nhiều cán bộ có tinh thần trách nhiệm, năng lực giúp Đảng bộ Cao Bằng thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức đồng bào Mông, Dao… vào các Hội cứu quốc, thành lập các Ban Việt Minh. Theo đó, nhiều lớp huấn luyện để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người Mông, Dao đã được tổ chức tại Lũng Lừa, Khuổi Mản (châu Nguyên Bình). Tài liệu dùng cho các lớp huấn luyện gồm: Chương trình, Điều lệ Việt Minh, tôn chỉ, mục đích của các Hội cứu quốc; thơ ca cách mạng; những bài nói về tình hình thời sự thế giới và trong nước. Một số tài liệu được dịch ra tiếng Mông, Dao… để giúp đồng bào học tập được dễ dàng. Chỉ trong một thời gian ngắn, các cơ sở Việt Minh ở vùng cao đã phát triển ra suốt một dải từ Thông Nông, Bảo Lạc, Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) đến Ngân Sơn, Na Rì, Bạch Thông, Chợ Rã, Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn), Na Hang (tỉnh Tuyên Quang). Từ sau những lớp huấn luyện, học văn hóa, các cán bộ của Đảng càng bám sát quần chúng, “tuyên truyền cho từng người”, “giác ngộ phát động lòng yêu nước, căm thù giặc, xây dựng tổ chức Việt Minh cho thật vững”, bởi hoạt động cách mạng phải biết quý trọng dân, lấy dân làm gốc, dựa vào dân như cá dựa vào nước, “làm cho dân tin, dân yêu, dân phục”; luôn luôn kính già yêu trẻ, đoàn kết với mọi người, đứng đắn với phụ nữ, phải xông vào chỗ nguy nan để giải quyết những khó khăn cho quần chúng…
Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục và tổ chức phong trào cách mạng trong các tầng lớp nhân dân, ngày 1/8/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập tờ báo Việt Nam độc lập làm cơ quan tuyên truyền của Việt Minh tỉnh Cao Bằng, trong đó Người trực tiếp phụ trách và viết bài, biên tập, vẽ tranh minh họa cho hơn 30 số đầu của báo. Tôn chỉ mục đích của báo được nói rõ trong số đầu: “Cốt làm cho nhân dân ta hết ngu hèn, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật, làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng, tự do”. Báo chú trọng tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho quần chúng, tố cáo tội ác của kẻ thù xâm lược, vạch trần mọi âm mưu tàn bạo của chúng, khơi sâu lòng căm thù giặc của nhân dân, nêu những tấm gương, bài học về tình đoàn kết, đồng lòng, đồng sức làm việc lớn. Báo còn hướng dẫn cách thức tổ chức, phương hướng hoạt động của các đoàn thể trong Mặt trận Việt Minh, theo mục đích đường lối mà Đảng đã đề ra. Báo Việt Nam độc lập là tờ báo có tuổi thọ cao nhất của báo chí cách mạng Việt Nam xuất bản trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tờ báo đã làm tốt vai trò, chức năng tuyên truyền “kháng chiến kiến quốc”, nâng cao dân trí cho nhân dân ta trong suốt những năm tháng gian khó của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
Cùng với việc xuất bản báo Việt Nam độc lập, trong quá trình tuyên truyền vận động cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, sáng tạo, phù hợp với nhiều đối tượng tuyên truyền. Để giáo dục tinh thần yêu nước và động viên nhân dân ta hăng hái tham gia Mặt trận Việt Minh, khoảng nửa sau năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết tác phẩm Lịch sử nước ta - bài diễn ca lịch sử gồm 236 câu lục bát, trình bày lịch sử nước ta từ thời vua Hùng dựng nước đến năm 1945 (Người dự đoán về năm 1945), tập trung chủ yếu vào lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân ta, nêu bật truyền thống yêu nước, bất khuất và đoàn kết của dân tộc. Cùng thời gian này, Người viết nhiều thơ ca tuyên truyền, vận động quần chúng nhưng không ký tên và đều được in trên báo Việt Nam độc lập dưới chuyên mục Vườn văn như các bài thơ: Hòn đá to, hòn đá nặng; Khuyên bạn thanh niên; Dân cày; Tặng cho đội tự vệ phụ nữ; Con cáo và tổ ong; Ca Việt Minh; Ca tự vệ đội; Ca người lính; Ca du kích; Ca phụ nữ; Ca sợi chỉ,…
Những bài viết, bài diễn ca, bài thơ cổ động ngắn gọn, súc tích, sinh động, dễ nhớ, dễ thuộc, sát hợp với mọi đối tượng của Người đã đánh thức trái tim yêu nước của quần chúng, góp phần nâng cao dân trí cho nhân dân, kêu gọi mọi người hăng hái tham gia Mặt trận Việt Minh. Cùng với đó, các cấp bộ Đảng, cán bộ và đảng viên không những được nâng cao năng lực lãnh đạo và tăng thêm lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương, vào tiền đồ cách mạng, mà còn nhận thức sâu sắc hơn bao giờ hết vai trò của mình trong việc nâng cao dân trí cho nhân dân, từ đó phát triển phong trào cách mạng địa phương, góp phần đưa phong trào cách mạng cả nước phát triển mạnh mẽ để đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết được qua quá trình hoạt động cách mạng của Người ở Cao Bằng từ trong quá khứ, ở hiện tại và tương lai, tỉnh Cao Bằng đang tiếp tục nỗ lực, phấn đấu quyết liệt hơn trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập với 5 mô hình học tập (Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập, Đơn vị học tập và Công dân học tập) theo Quyết định số 387/QĐ-TTg, ngày 25/3/2022 và Quyết định số 677/QĐ-TTg, ngày 3/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó mô hình “Công dân học tập” được xác định là nội dung cốt lõi theo tinh thần “Người người học tập, nhà nhà học tập” theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhằm không ngừng nâng cao dân trí cho nhân dân. Đồng thời coi đó là một nhiệm vụ chiến lược, là “chìa khóa” để tỉnh cùng với cả nước tiến bước vững chắc vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây là một nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi sự chung tay góp sức của toàn hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Cao Bằng, nhằm hiện thực hóa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một đất nước “ai cũng được học hành”; góp phần xây dựng Cao Bằng trở thành một tỉnh “gương mẫu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội” như Bác Hồ kính yêu căn dặn, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nguồn tin: baocaobang.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn