Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902, trong một gia đình nông dân tại làng Đông Thôn, tổng Thông Lạng, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí còn mang nhiều tên gọi và bí danh khác, như: Vương Nhật Dân, Hải An, Lítvinốp, Trí Bình… Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị nô lệ, cuộc sống người dân vô cùng cực khổ bởi ách thống trị, áp bức, bóc lột của chế độ phong kiến, thực dân. Chứng kiến những cuộc khởi nghĩa và phong trào đấu tranh yêu nước của đồng bào ta bị kẻ thù đàn áp đẫm máu, Lê Hồng Phong sớm nuôi trong mình tư tưởng yêu nước và ý chí làm cách mạng cứu nước.
Từ năm 1923, Lê Hồng Phong và Phạm Hồng Thái bí mật sang Xiêm (Thái Lan), rồi sang Quảng Châu (Trung Quốc) tìm con đường làm cách mạng. Tháng 4/1924, tại Quảng Châu, Lê Hồng Phong và Phạm Hồng Thái gia nhập Tâm Tâm Xã - một tổ chức cách mạng do Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn thành lập và hăng hái tham gia hoạt động, phát triển Tâm Tâm Xã thành một tổ chức hạt nhân cách mạng. Cuối năm 1924, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu, trên cơ sở tổ chức Tâm Tâm Xã, Người đã thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, mở lớp huấn luyện cán bộ cách mạng. Từ lớp huấn luyện chính trị này, Lê Hồng Phong trở thành một trong những cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam được trang bị lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Sau đó, đồng chí học tại Trường sĩ quan quân sự Hoàng Phố, Trường hàng không Quảng Châu, Trường lý luận quân sự không quân ở Lêningrát, Trường đào tạo phi công quân sự ở Bô rítxgơlépxcơ, Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô).
Những năm đầu thập kỷ 30 của thế kỷ XX, cách mạng Việt Nam ở vào một thời điểm hết sức khó khăn. Sau cao trào cách mạng 1930 - 1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh, phong trào cách mạng trong nước bị thực dân Pháp và bè lũ tay sai đàn áp dã man, nhiều tổ chức Đảng bị vỡ, nhiều đảng viên bị bắt bớ, tù đày. Trước những tổn thất và khó khăn của cách mạng Đông Dương, tháng 11/1931, Quốc tế Cộng sản quyết định cử đồng chí Lê Hồng Phong, trên cương vị là cán bộ của Ban Chấp ủy Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, về nước chỉ đạo khôi phục lại hệ thống tổ chức Đảng, phong trào cách mạng Việt Nam và Đông Dương.
Thực hiện quyết định của Quốc tế Cộng sản, đầu năm 1932, đồng chí Lê Hồng Phong từ Liên Xô đến Trung Quốc theo đường dây bí mật, tìm cách bắt liên lạc về nước nắm tình hình, củng cố các cơ sở đảng trong nước. Khi đến thành phố Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc), đồng chí Lê Hồng Phong đã chắp nối liên lạc với các đồng chí lãnh đạo, đảng viên trung kiên của đảng, cùng nhau xây dựng Chương trình hành động của Đảng. Chương trình hành động của Đảng như nguồn sức mạnh mới tiếp sức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng giữ được niềm tin vững chắc vào tiền đồ cách mạng, đẩy lùi tư tưởng cầu an, hoang mang dao động, tạo điều kiện cho việc khôi phục nhanh chóng hệ thống tổ chức của Đảng và phong trào cách mạng của quần chúng.
Hòa nhịp cùng với phong trào yêu nước của cả nước, ngay từ những năm 1925 - 1926, ở Cao Bằng đã xuất hiện các tổ chức yêu nước (Hội đánh Tây, Hội Thanh niên phản đế) thu hút nhiều thanh niên yêu nước, tiến bộ thuộc các dân tộc trong tỉnh, trong số đó nổi bật lên và có ảnh hưởng to lớn là Hoàng Đình Giong - thanh niên dân tộc Tày, có lòng yêu nước nồng nàn và sớm giác ngộ cách mạng. Nhờ hoạt động tích cực và có kết quả dưới sự chỉ đạo trực tiếp của bộ phận ở nước ngoài của Đông Dương Cộng sản Đảng, tháng 12/1929, các đồng chí: Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn được kết nạp vào Đảng và tuyên bố thành lập Chi bộ Hải ngoại Long Châu (Trung Quốc). Đồng chí Hoàng Đình Giong được bầu làm Bí thư Chi bộ. Chi bộ Hải ngoại Long Châu có nhiệm vụ “gây dựng và phát triển phong trào quần chúng cách mạng ở vùng biên giới Cao Bằng - Lạng Sơn, hướng dẫn thanh niên yêu nước ra dự những lớp huấn luyện cách mạng ở nước ngoài, đưa đón cán bộ đi hoạt động giữa hai vùng biên giới”. Sau Hội nghị thành lập Đảng (tháng 02/1930), Chi bộ Hải ngoại Long Châu do đồng chí Hoàng Đình Giong làm Bí thư, chính thức trở thành Chi bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Chỉ hai tháng sau, ngày 01/4/1930, Chi bộ Nặm Lìn, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng được thành lập. Ngay từ khi mới ra đời, chi bộ Nặm Lìn đã thực hiện chức năng của Tỉnh ủy lâm thời, lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng trong toàn tỉnh với hai nhiệm vụ trọng tâm: Tích cực phát triển Đảng, đặc biệt là khu mỏ Tĩnh Túc và thị xã Cao Bằng; đẩy mạnh phong trào chống thuế, chống phụ thu lạm bổ, chống bắt phu vào ngày mùa, đi phu phải được cấp tiền, gạo. Sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Cao Bằng là một bước ngoặt quan trọng, thúc đẩy phong trào cách mạng Cao Bằng tiến thêm một bước mới cả về lượng và chất. Đến năm 1933, các cơ sở đảng đã lan rộng ra gần khắp các châu trong tỉnh tạo điều kiện và nền móng vững chắc cho sự phát triển thành Đảng bộ Cao Bằng.
Cũng tại Nam Ninh, đồng chí Lê Hồng Phong đã liên lạc được với chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương (Chi bộ Hải ngoại Long Châu) do đồng chí Hoàng Đình Giong làm Bí thư đang hoạt động ở biên giới Việt – Trung. Từ đây, Lê Hồng Phong thiết lập đường dây liên lạc với tổ chức Đảng gần biên giới, liên hệ với cơ sở cách mạng tại Xiêm, triệu tập một số đồng chí ở Long Châu đến Nam Ninh họp bàn; tranh thủ huấn luyện cho một số thanh niên yêu nước đang làm việc và học tập tại Nam Ninh; về nước bắt liên lạc với cơ sở Đảng qua đường Cao Bằng.
Có thể nói, trong những năm tháng đầu của công cuộc vận động cách mạng, gây dựng các tổ chức Đảng, đi đến giành độc lập dân tộc, thời gian đồng chí Lê Hồng Phong trực tiếp hoạt động ở địa bàn tỉnh Cao Bằng không nhiều. Song, vai trò, ảnh hưởng của đồng chí Lê Hồng Phong với phong trào cách mạng Cao Bằng thời kỳ này là rõ nét và sâu sắc.
Thứ nhất, đồng chí Lê Hồng Phong mở các lớp huấn luyện cho cán bộ từ trong nước sang học tập tại Long Châu, trong đó có đội ngũ cán bộ Cao Bằng.
Thực hiện quyết định của Quốc tế Cộng sản, đầu năm 1932, đồng chí Lê Hồng Phong từ Liên Xô đến Trung Quốc. Khi đến thành phố Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc), đồng chí Lê Hồng Phong đã chắp nối liên lạc với các đồng chí lãnh đạo, đảng viên trung kiên của Đảng, cùng nhau xây dựng Chương trình hành động của Đảng.
Cũng tại Nam Ninh, đồng chí Lê Hồng Phong đã liên lạc được với chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở ngoài nước (Chi bộ Hải ngoại Long Châu) do đồng chí Hoàng Đình Giong làm Bí thư đang hoạt động ở biên giới Việt – Trung. Từ đây, Lê Hồng Phong thiết lập đường dây liên lạc với tổ chức Đảng gần biên giới, liên hệ với cơ sở cách mạng tại Xiêm, triệu tập một số đồng chí ở Long Châu đến Nam Ninh họp bàn; tranh thủ huấn luyện cho một số thanh niên yêu nước đang làm việc và học tập tại Nam Ninh; bắt liên lạc với các cơ sở Đảng trong nước qua đường Cao Bằng.
Để giải quyết vấn đề thiếu cán bộ, đồng chí Lê Hồng Phong liên tục mở các lớp huấn luyện cho cán bộ từ trong nước sang học tập tại Long Châu. Các lớp huấn luyện đã cung cấp cho học viên những kiến thức cơ bản về tình hình thế giới, tình hình Đông Dương, đường lối chung của Đảng, nguyên tắc tổ chức Đảng, cách thức tiến hành công tác vận động, tổ chức quần chúng. Trong số những cán bộ được Lê Hồng Phong đào tạo, có các đồng chí sau đó đã trở thành lãnh đạo chủ chốt của Đảng như: Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn, Lương Văn Tri… Sau khi đào tạo, bồi dưỡng lý luận cách mạng và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, số cán bộ cốt cán này nhanh chóng được đưa về nước hoạt động gây dựng phong trào. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, các tổ chức Đảng trong nước đã được khôi phục, nhất là các tổ chức đảng của các tỉnh như Cao Bằng, Lạng Sơn và các đảng bộ của các thành phố lớn như Hải Phòng, Hà Nội,…
Thứ hai, đồng chí Lê Hồng Phong trực tiếp về Cao Bằng chỉ đạo hoạt động cách mạng (tháng 7/1933).
Tại Long Châu, sau khi được gặp đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Hoàng Đình Giong nhận kế hoạch về nước với nhiệm vụ từ Cao Bằng bắt liên lạc về xuôi. Tháng 7/1933, đồng chí Lê Hồng Phong và đồng chí Hoàng Đình Giong về Cao Bằng theo con đường Bó Cục (Trung Quốc) qua làng Phạc Sliến (xã Vân Trình, châu Thạch An). Tại Phạc Sliến, các đồng chí đã mở lớp huấn luyện chính trị, đào tạo bổ sung cho địa phương một số cán bộ. Tại Ngườm Slưa (xã Hoàng Tung, châu Hòa An) các đồng chí làm việc với Ban Tỉnh uỷ Cao Bằng với hai mục đích: Một là, tìm hiểu việc thực hiện chủ trương, đường lối và phương pháp vận động, tổ chức các dân tộc thiểu số ở Cao Bằng tham gia đấu tranh cách mạng để làm cơ sở thực tiễn cho bản tham luận của đoàn đại biểu Đảng ta về công tác vận động các dân tộc thiểu số ở Đông Dương tham gia cách mạng, trình bày tại Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản vào tháng 7 và tháng 8/1935 tại Mátxcơva; Hai là, truyền đạt quyết định của Ban lãnh đạo ở ngoài nước của Đảng Cộng sản Đông Dương về việc xây dựng Cao Bằng thành một trong những cơ sở vững chắc, để chắp nối liên lạc với các cơ sở đảng trong phạm vi toàn quốc, sau thời kỳ bị khủng bố trắng những năm 1931-1932.
Thay mặt Ban lãnh đạo ở ngoài nước của Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí Lê Hồng Phong đã công nhận Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng do đồng chí Hoàng Văn Nọn (tức Hoàng Như) làm Bí thư. Các đồng chí còn đóng góp cho Ban Tỉnh uỷ Cao Bằng nhiều ý kiến quý báu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng và nhấn mạnh cần xuất bản báo Cờ đỏ đều kỳ, liên tục để tuyên truyền giác ngộ quần chúng, giúp các cơ sở Đảng nắm sát tình hình và các chủ trương, đường lối của Đảng phục vụ công tác chỉ đạo phong trào cách mạng.
Sự kiện hai đồng chí Lê Hồng Phong và Hoàng Đình Giong về Cao Bằng đóng góp cho Tỉnh uỷ trong công tác như tiếp thêm sức mạnh cho phong trào cách mạng của tỉnh. Phong trào cách mạng ở Cao Bằng tiếp tục phát triển mạnh mẽ và sâu rộng, đóng góp tích cực vào phong trào cách mạng của khu vực và cả nước. Đảng bộ tỉnh đã xây dựng Cao Bằng trở thành cầu nối giữa Ban lãnh đạo của Trung ương Đảng ở nước ngoài (sau này là Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng) với Ban lãnh đạo của Trung ương Đảng ở trong nước, từ đó chỉ đạo phong trào cách mạng toàn quốc.
Thứ ba, mối quan hệ mật thiết của đồng chí Lê Hồng Phong với các đồng chí cán bộ người Cao Bằng.
Bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng cho nhiều đồng chí cán bộ, cách mạng, trong đó có các đồng chí người Cao Bằng, đồng chí Lê Hồng Phong còn có mối quan hệ mật thiết đồng chí, đồng nghiệp với nhiều đồng chí như Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Nọn...
Đồng chí Lê Hồng Phong được Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương cử dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng ta tham dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản (tháng 7/1935) tại Mátxcơva (Liên Xô) cùng với các đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Nọn (tức Hoàng Như) - Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng.
Tại Đại hội, Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương đã đọc 3 tham luận: Đồng chí Lê Hồng Phong đọc tham luận về phong trào cách mạng Đông Dương do Đảng lãnh đạo từ năm 1930 - 1935; đồng chí Minh Khai tham luận về vai trò của phụ nữ trong cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc; đồng chí Hoàng Văn Nọn tham luận về "Các dân tộc thiểu số Đông Dương tham gia cách mạng và thành lập Mặt trận đoàn kết các dân tộc". Đại hội đã bầu đồng chí Lê Hồng Phong làm Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản và công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là phân bộ chính thức của Quốc tế Cộng sản.
Sau Đại hội, với cương vị Uỷ viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong trở lại Thượng Hải (Trung Quốc) tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng nước ta.
Lúc này, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ I (tháng 3/1935) đã thành công, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu (vắng mặt) vào Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Đảng và là Tổng Thư ký (Tổng Bí thư) Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Cũng tại Đại hội này, Đồng chí Hoàng Đình Giong được bầu là Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, phụ trách Xứ uỷ Bắc Kỳ; đồng chí Bùi Bảo Vân được bầu là Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng.
Sau Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản, hai đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và Hoàng Văn Nọn tiếp tục ở lại học lý luận Mác-Lê-nin tại Trường Đại học Phương Đông ở Mat-xcơ-va. Cuối năm 1936, đầu năm 1937, hai đồng chí về nước. Khi đến Thượng Hải (Trung Quốc), hai đồng chí đã truyền đạt tới đồng chí Lê Hồng Phong ba ý kiến mà Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc căn dặn
Trên cơ sở đó, tháng 7/1936, đồng chí Lê Hồng Phong cùng với Trung ương Đảng đã triệu tập và chủ trì Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Thượng Hải quyết định chuyển hướng mục tiêu và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng; thành lập Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương, đặt tiền đề cơ sở cho cao trào đấu tranh dân chủ diễn ra trong cả nước thời gian sau đó. Tháng 11/1937, đồng chí Lê Hồng Phong về nước, trực tiếp cùng Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng cho đến khi bị thực dân Pháp bắt và đày ra Côn Đảo cuối năm 1940. Trước những trận đòn tàn ác, dã man của kẻ địch đồng chí đã mãi mãi ra đi vào trưa ngày 06/9/1942.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Hồng Phong mãi mãi là tấm gương sáng về lòng trung thành vô hạn với Ðảng, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; luôn đặt lợi ích của Ðảng, của nhân dân, của dân tộc lên trên hết. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí đã có đóng góp to lớn đối với phong trào cách mạng Cao Bằng, vừa trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng, vừa quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cốt cán cho Cao Bằng. Những hoạt động của đồng chí đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng, bảo vệ căn cứ địa cách mạng Cao Bằng; vào việc tuyên truyền, vận động quần chúng, huấn luyện, đào tạo cán bộ Việt Minh cho tỉnh Cao Bằng cũng như cho các tỉnh: Bắc Kạn, Lạng Sơn và các tỉnh miền xuôi... Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng luôn khắc ghi công lao, những đóng góp to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong đối với phong trào cách mạng giải phóng dân tộc và sự phát triển của Đảng bộ và phong trào cách mạng tỉnh Cao Bằng.
Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong vào dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang tích cực triển khai thực hiện công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị theo tinh thần Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Tưởng nhớ đồng chí Lê Hồng Phong, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng nguyện học tập ý chí kiên cường, bất khuất, hy sinh phấn đấu trọn đời vì lý tưởng của Đảng và hạnh phúc của nhân dân; học tập nhân cách đạo đức sáng ngời của một người cộng sản mẫu mực, kiên cường; quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng Cao Bằng sớm trở thành tỉnh năng động và phát triển. Thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Nguồn tin: baocaobang.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn