Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống ngành góp phần tổng kết thực tiễn qua các thời kỳ lịch sử dưới sự lãnh đạo của Đảng, giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy niềm tự hào về Đảng, về đất nước quê hương trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân và đông đảo các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Trong nhiều năm gần đây, các cấp uỷ Đảng, các ngành từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các công trình lịch sử và đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Đặc biệt, sau khi Đề án số 02-ĐA/TU ban hành, đã được cấp uỷ, chính quyền các cấp triển khai quyết liệt, đồng bộ trong toàn Đảng bộ; tổ chức các Hội nghị quán triệt, triển khai, ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện. Sau 02 năm triển khai thực hiện, toàn tỉnh đã nghiên cứu, biên soạn và xuất bản được 37 cuốn sách, trong đó 02 cuốn cấp tỉnh, 02 cuốn lịch sử đảng bộ ngành, 32 cuốn lịch sử đảng bộ cấp xã, như các cuốn sách: Đại tướng Võ Nguyên Giáp với quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng; Địa lý - Lịch sử tỉnh Cao Bằng (tài liệu dùng cho các trường phổ thông tỉnh Cao Bằng); Lịch sử Đảng bộ Quân sự tỉnh Cao Bằng (1947 - 2020); Lịch sử Đảng bộ Công an tỉnh Cao Bằng (1945 - 2020); Lịch sử Đồn Biên phòng Cô Ba 64 năm bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia (1959 - 2023) và Lịch sử Đảng bộ các xã: Thành Công, Vũ Minh (Nguyên Bình); Nam Tuấn, Đức Long (Hòa An); Phong Nặm, Ngọc Khê (Trùng Khánh); Cốc Pàng, Huy Giáp (Bảo Lạc); Mông Ân, Thái Học (Bảo Lâm); Minh Khai, Đức Xuân (Thạch An); Vĩnh Quang (Thành Phố); Lý Quốc, An Lạc (Hạ Lang)…
Toàn tỉnh đang triển khai nghiên cứu, biên soạn 121 cuốn với các mức độ: Thông qua Hội đồng thẩm định các bản thảo lịch sử cấp huyện, đang chỉnh sửa, hoàn thiện và làm các thủ tục in ấn, xuất bản 11 cuốn; thông qua hội thảo (lần 2) 13 cuốn; thông qua hội thảo (lần 1) 16 cuốn; tổ chức nghiên cứu, biên soạn, chuẩn bị tổ chức hội thảo (lần 1) 36 cuốn; triển khai sưu tầm, khai thác tư liệu và nghiên cứu, biên soạn, chưa hoàn thành bản thảo (dự kiến triển khai biên soạn và hoàn thành trong năm 2024 - 2025) 55 cuốn. Trong đó, nổi bật là huyện Hạ Lang dự kiến sẽ hoàn thành việc xuất bản 100% cuốn lịch sử đảng bộ cấp xã trong tháng 7/2023. Các địa phương đạt tỷ lệ hoàn thành các công trình được xuất bản cao so với mục tiêu đề án như: Bảo Lâm đạt 300%, Trùng Khánh đạt 160%, Nguyên Bình, Bảo Lạc và Thành phố đạt 100%. Các huyện: Trùng Khánh, Hòa An, Nguyên Bình ngoài số lượng sách cần thực hiện theo Đề án số 02-ĐA/TU, Ban Chỉ đạo cấp huyện chỉ đạo các xã còn lại tiến hành nghiên cứu, biên soạn bổ sung.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Đề án 02-ĐA/TU còn có những khó khăn, hạn chế: Nhận thức về sự cần thiết, vai trò quan trọng, trách nhiệm thực hiện Đề án tại một số đơn vị chưa cao, chưa đầy đủ, chưa sâu sắc. Nhiều đơn vị còn lúng túng trong cách làm; tiến độ nghiên cứu, biên soạn và xuất bản các công trình lịch sử chưa bảo đảm so với kế hoạch đề ra. Trong năm 2022, không có công trình nào được xuất bản theo thế hoạch, chất lượng một số công trình chưa cao. Công tác xã hội hóa thu hút nguồn lực để tạo nguồn kinh phí cho việc nghiên cứu, biên soạn các cuốn lịch sử đảng bộ xã chưa được nhiều.
Trong những năm tiếp theo, trước mắt là 6 tháng cuối năm 2023, các cơ quan, đơn vị, địa phương quyết tâm thực hiện hiệu quả các nội dung Đề án số 02-ĐA/TU đảm bảo theo kế hoạch năm 2023 và các năm tiếp theo. Tiếp tục nghiên cứu, cập nhật kiến thức mới, ban hành các văn bản hướng dẫn, phục vụ công tác nghiên cứu và biên soạn cuốn lịch sử trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện các quy trình thành lập Hội Khoa học lịch sử tỉnh; thực hiện việc thanh, quyết toán kinh phí theo phân cấp quản lý của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản quy định hiện hành…
Tại Hội nghị các đại biểu đã được nghe nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi của các địa phương, đơn vị về những thuận lợi, khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, các đại biểu chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo, trong thực tiễn triển khai thực hiện việc sưu tầm, khai thác tư liệu, nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử; đề xuất các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới để triển khai Đề án đạt hiệu quả cao hơn.
Ngoài các nội dung chính, tại Hội nghị các đại biểu còn được tham quan, triển lãm một số ấn phẩm lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống ngành đã xuất bản trước và sau khi Đề án ban hành; ảnh về các hoạt động nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống tại địa phương, đơn vị là những minh chứng sinh động cho kết quả đạt được sau 02 năm thực hiện Đề án.
Các đại biểu tham quan gian trưng bày sách lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống ngành.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống trong những năm tiếp theo, phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND, đề nghị các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu cấp uỷ các cơ quan, đơn vị căn cứ vào điều kiện thực tiễn tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quyết tâm, quyết liệt đồng bộ các mục tiêu của Đề án 02-ĐA/TU trong thời gian tới; quyết tâm toàn tỉnh hoàn thành mục tiêu Đề án đề ra, góp phần thực hiện thành công nghị quyết Đại hội XIX đảng bộ tỉnh.