Giữ gìn, phát huy truyền thống đoàn kết của Đảng trong tác phẩm Di chúc với công cuộc đổi mới hiện nay

Chủ nhật - 25/08/2024 21:14
(TG) - Tiếp tục thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điều kiện mới, với cơ hội và thách thức mới, lại càng đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là Đảng duy nhất cầm quyền không ngừng nâng cao nhận thức, không ngừng tự củng cố và phát huy cao hơn nữa sức mạnh của sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng để đảm đương sứ mệnh cao cả của mình, để thật sự là “đạo đức, văn minh”, là người lãnh đạo xứng đáng và người phụng sự trung thành của Tổ quốc, của nhân dân.
Nhân dân bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng vui mừng chào đón Bác Hồ về thăm, ngày 20/2/1961. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Nhân dân bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng vui mừng chào đón Bác Hồ về thăm, ngày 20/2/1961. Ảnh: Tư liệu TTXVN

NHỮNG LUẬN ĐIỂM CƠ BẢN VỀ GIỮ GÌN, PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG ĐOÀN KẾT CỦA ĐẢNG TRONG TÁC PHẨM DI CHÚC

Đoàn kết trong Đảng là vấn đề cần quan tâm hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng

Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Truyền thống đoàn kết trong Đảng bắt nguồn từ truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, được Đảng kế thừa và phát huy trong điều kiện lịch sử mới và được nâng tầm dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Truyền thống đó được xây dựng, bồi đắp qua quá trình hình thành và phát triển của Đảng, được thử thách qua các thời kỳ đấu tranh đầy gian khổ, trở thành sức mạnh nội sinh to lớn, thành giá trị văn hóa của Đảng.

Trong rất nhiều nội dung của công tác xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng khối đoàn kết trong Đảng. Không phải ngẫu nhiên mà trong “Di chúc” - văn kiện kết tinh những tâm huyết trọn đời của cuộc đời Hồ Chí Minh - chỉ trong một đoạn văn ngắn viết về Đảng, Người đã 5 lần nhắc đến chữ “đoàn kết” và nhấn mạnh “đoàn kết chặt chẽ”, “đoàn kết nhất trí”, “đoàn kết và thống nhất”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã nông nghiệp Tân Lập, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (8-7-1958)_Nguồn: hochiminh.vn
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã nông nghiệp Tân Lập, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (8-7-1958)_Nguồn: hochiminh.vn

Là người sáng lập và rèn luyện, lãnh đạo Đảng qua những chặng đường cách mạng đầy cam go, gian khổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ tầm quan trọng của việc thực hiện đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo cách mạng, bởi vậy, có đoàn kết trong Đảng mới là hạt nhân đoàn kết được toàn dân tộc, đoàn kết với cách mạng thế giới để tạo nên sức mạnh tổng hợp. Trong cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Thiếu một đảng cách mạng thống nhất lãnh đạo phong trào công nhân, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta sẽ như con tàu không có người cầm lái. Sau khi Đảng Cộng sản ra đời, Hồ Chí Minh luôn chăm lo giữ gìn sự đoàn kết thống nhất, kiên quyết đấu tranh chống lại mọi hiện tượng bè phái, chia rẽ trong Đảng. Người khẳng định “Sở dĩ Đảng ta có thể lãnh đạo giai cấp công nhân và toàn dân tiến lên chủ nghĩa xã hội, là vì Đảng ta có chính sách đúng đắn và lãnh đạo thống nhất. Mà lãnh đạo thống nhất là vì toàn thể đảng viên tư tưởng nhất trí và hành động nhất trí”(1). Người yêu cầu nghiêm khắc đối với mỗi cán bộ đảng viên: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(2). Với Đảng, sự đoàn kết chính là nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng nhất, đảm bảo vững chắc nhất cho sự tồn tại và phát triển của Đảng, của cách mạng. Đoàn kết trong Đảng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là vấn đề có tính nguyên tắc, phải được quán triệt trong lý luận và thực tiễn xây dựng Đảng, phải được thực hiện một cách nhất quán, xuyên suốt qua các chặng đường của cách mạng Việt Nam.

Trong Di chúc, Hồ Chí Minh đưa ra một nhận định mang tính tổng kết về quy luật phát triển Đảng, đó là: Toàn bộ sức mạnh của Đảng, uy tín của Đảng, thành công của Đảng có được là ở truyền thống đoàn kết chặt chẽ trong Đảng và sự trung thành, hết lòng hết sức phục vụ giai cấp, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người viết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”(3). Đặt hai yếu tố “đoàn kết chặt chẽ” và “một lòng, một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc” trong một mệnh đề, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ, sự tác động hai chiều giữa đoàn kết và việc kiên định lý tưởng, mục tiêu của Đảng. Đảng có đoàn kết chặt chẽ mới thực hiện mục tiêu, lý tưởng phụng sự giai cấp, nhân dân và Tổ quốc. Ngược lại, mục tiêu, lý tưởng phụng sự giai cấp, nhân dân và Tổ quốc là nền tảng để xây dựng và củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Nếu xa rời mục tiêu, lý tưởng ấy, sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng sẽ trở nên hình thức, không có cơ sở tồn tại. Sự kết hợp của hai yếu tố đó là nguyên nhân thắng lợi của Đảng, của cách mạng Việt Nam.

Phương thức xây dựng, giữ gìn và phát huy khối đại đoàn kết trong Đảng

Để xây dựng và phát huy khối đoàn kết trong Đảng, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung vào ba nội dung chủ yếu là: 1) Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên; 2) Nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; 3) Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau(4). Chiều sâu của tư tưởng Hồ Chí Minh trong những vấn đề trên đây là ở chỗ: Người đã chọn ra những vấn đề cốt lõi nhất trong hàng loạt vấn đề cần phải thực hành và chỉ ra phương pháp giải quyết tối ưu để đưa tới sự chuyển biến có tính cách mạng của Đảng trước hiện thực khách quan luôn vận động, biến đổi không ngừng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra nguyên lý của đoàn kết trong Đảng: Không thực hiện dân chủ thì không đoàn kết được, chỉ có thực hành dân chủ rộng rãi và thường xuyên mới đi tới sự thống nhất về tư tưởng và sự thống nhất tư tưởng trên cơ sở thực hành dân chủ thực sự là cơ sở vững chắc cho sự thống nhất trong tổ chức và hành động của toàn Đảng. Dân chủ trong nội bộ Đảng được thể hiện thông qua cách làm việc, cách lãnh đạo, cách thức tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên. Người chỉ rõ, mục đích của phê và tự phê để soi vào mình và người khác, giúp thấy rõ hơn nhằm phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm; để tư tưởng và hành động đúng hơn, tốt hơn, tiến bộ hơn. Trong tác phẩm cuối cùng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc thực hành dân chủ, phê và tự phê chính là giải pháp tối ưu nhất, “cách tốt nhất” để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Bên cạnh đó, Người cũng hết sức lưu ý thực hành dân chủ, phê và tự phê phải được tiến hành “rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh”. Đây là lời căn dặn sâu sắc, là sự đúc kết cô đọng nhất những nguyên tắc tổ chức hoạt động, quy luật phát triển của Đảng.

Khi nói về phê bình và tự phê bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Trong suốt quá trình lãnh đạo Đảng, lãnh đạo cách mạng, vấn đề đoàn kết luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh giải quyết một cách bao dung, xử lý dựa trên nguyên tắc, Điều lệ của Đảng nhưng vẫn thấm đẫm tình người. Người khẳng định “Muốn đi tới mục đích, không phải chỉ tổ chức là đủ, phải chân thành trong tư tưởng nữa”(5). Bởi không có tình đồng chí, tình nghĩa yêu thương lẫn nhau trong Đảng thì đoàn kết chỉ là hình thức, không bền vững, dễ dẫn đến bè phái, cơ hội, cục bộ, địa phương chủ nghĩa... Không xuất phát từ tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, mọi cuộc phê bình và tự phê bình sẽ không đem lại kết quả tốt. “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” là lời căn dặn thật chí tình, chí nghĩa thể hiện tình cảm bao dung, chủ nghĩa nhân văn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp mặt thân mật người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới trong Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ nhất, do Tạp chí Cộng sản, Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp tổ chức tại Hà Nội, ngày 21/12/2018. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp mặt thân mật người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số
khu vực biên giới trong Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ nhất, do Tạp chí Cộng sản, Ủy ban Dân tộc
và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp tổ chức tại Hà Nội, ngày 21/12/2018. Ảnh: TTXVN

 

GIỮ GÌN, PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG ĐOÀN KẾT CỦA ĐẢNG TRONG CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI HIỆN NAY

Có thể nói việc giữ gìn, củng cố khối đoàn kết trong Đảng đang là đòi hỏi cấp thiết hiện nay. Bởi bên cạnh thành tựu đạt được, trong công tác xây dựng Đảng đang còn tồn tại không ít hạn chế đã kéo dài và ngày càng trở nên nghiêm trọng như tình trạng vi phạm kỷ luật Đảng, mất dân chủ, mất đoàn kết ở nhiều nơi, nhiều tổ chức Đảng; sự yếu kém về năng lực và tha hóa về đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cao cấp. Tình trạng mất ổn định ở một số địa phương, sự gia tăng của các tổ chức phản động trong và ngoài nước… chính là hệ quả tất yếu từ những yếu kém của Đảng và đang là nguy cơ trực tiếp đối với việc duy trì, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Bên cạnh đó, công cuộc đổi mới toàn diện có thể nói cũng chính là “cuộc chiến đấu khổng lồ” đang đặt ra yêu cầu mới với Đảng với tư cách là đảng cầm quyền. Mặt khác, tình hình quốc tế và khu vực hiện nay đang diễn biến rất phức tạp, khó lường ẩn chứa thách thức đối với công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước một cách vững bền. Trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, chống phá nhiều mặt của các thế lực thù địch, phản động, một trong những âm mưu hết sức nguy hiểm là phá hoại Đảng từ bên trong, do đó vấn đề tăng cường củng cố, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Tại Đại hội XIII, Đảng đã xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển tổng quát của đất nước, đó là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, Đảng chỉ rõ mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao(6).

Để thực hiện mục tiêu chiến lược đó đòi hỏi Đảng không ngừng tự chỉnh đốn, tự nâng cao về mọi mặt: bản lĩnh, tầm nhìn, trí tuệ, sức chiến đấu, năng lực phụng sự và lãnh đạo. Muốn vậy, trước hết Đảng phải đoàn kết, bởi lẽ có thật sự đoàn kết, Đảng mới có thể huy động tâm huyết, trí tuệ, sự đóng góp ở mức cao nhất của mỗi cá nhân đảng viên, của tổ chức đảng, của cả dân tộc, hoàn thành sứ mệnh trọng đại, cao cả của một đảng cầm quyền đối với nhân dân, với đất nước. Từ những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết trong Đảng, chúng ta có những chỉ dẫn quý giá cho cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong công cuộc đổi mới hiện nay.

 

Một là, cần đề ra đường lối cách mạng đúng đắn làm cơ sở cho sự đoàn kết trong Đảng. Đường lối ấy phải xây dựng dựa trên nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; vận dụng sáng tạo tình hình cụ thể của đất nước. Đường lối đó phản ánh mục tiêu cách mạng, phương pháp hành động, chủ trương thực hiện và những bước đi quan trọng của từng giai đoạn. Chỉ trên cơ sở đường lối chiến lược đúng đắn, khoa học, Đảng mới có thể tập hợp, đoàn kết các thế hệ đảng viên, các tầng lớp nhân dân; mới tạo sự thống nhất trọn vẹn tư tưởng, ý chí, hành động trong toàn Đảng, toàn dân kiên định đi theo con đường Đảng đã chọn. Sự trung thành với lý tưởng, con đường cách mạng, với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là cơ sở và nội dung cho sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng.

Hai là, củng cố kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Thực hành dân chủ chính là “chìa khóa vạn năng” để giải quyết được mọi khó khăn, thử thách trong các nhiệm vụ của Đảng; nhưng dân chủ phải gắn với tập trung, kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Đây là nguyên tắc cơ bản sống còn của một đảng cách mạng, chân chính và giúp Đảng không ngừng lớn mạnh. Trong sinh hoạt và hành động, Đảng phải lấy tự phê bình và phê bình là phương pháp căn bản của Đảng để giải quyết mâu thuẫn, khắc phục nhược điểm, tạo nên sự thống nhất cao trong Đảng. Đoàn kết trong Đảng không phải là sự đoàn kết xuôi chiều, trái lại là đoàn kết được xây dựng trên cơ sở đấu tranh để đi đến thống nhất về tư tưởng, hành động. Mất dân chủ, dân chủ hình thức hoặc thiếu tự do tư tưởng trong sinh hoạt Đảng thì không thể có bất cứ sự sáng tạo, sự phát triển nào. Bởi vậy, cần mở rộng dân chủ, xây dựng một bầu không khí cởi mở, tin cậy với tinh thần thật sự cầu thị, từ đó, khơi dậy mọi tiềm năng sáng tạo, kể cả với những người ngoài Đảng để cùng nhau góp sức xây dựng Đảng, xây dựng đất nước.

Ba là, tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức, tư cách người cán bộ, đảng viên gắn với đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định, đạo đức chính là sức mạnh tinh thần vô địch để chống lại mọi thói hư tật xấu, mọi ham muốn tầm thường, làm cho mỗi con người hoàn thiện hơn, làm cho Đảng mạnh và ngày càng mạnh hơn. Do đó, phải coi trọng xây dựng Đảng từ mỗi đảng viên; phải chọn lọc đảng viên, chăm lo giáo dục đảng viên, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên cộng sản. Trong đó, chú trọng việc tăng cường trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Thông qua việc nêu gương, nhân rộng các tấm gương điển hình của tập thể và cá nhân để “giáo dục lẫn nhau”, giữ gìn và củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, xây dựng sự đồng thuận, tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thi hành nghiêm minh kỷ luật và kiên quyết giải quyết dứt điểm hiện tượng gây mất đoàn kết trong nội bộ Đảng. Kiểm tra, giám sát trong Đảng, một mặt phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp, đề cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng, tích cực đổi mới phương pháp, cách thức tiến hành; mặt khác, cần có cơ chế, quy chế, quy định cụ thể để bảo vệ và phát huy vai trò giám sát của quần chúng Nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Để bảo đảm cho công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ theo quy định, cấp ủy, chi bộ cần xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế làm việc, quy chế lãnh đạo phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của mỗi tổ chức đảng; gắn kiểm tra thường xuyên với kiểm tra đột xuất; kiểm tra kết quả lãnh đạo của chi bộ, đảng bộ với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên. Đồng thời, biểu dương kịp thời và có biện pháp cụ thể, thiết thực giúp cho các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên chấp hành nghiêm kỷ luật của Đảng theo quy định của Điều lệ Đảng. Bên cạnh đó, cần thi hành kỷ luật nghiêm minh, tập trung xử lý dứt điểm tình trạng mất đoàn kết nội bộ, những việc lợi dụng bất đồng ý kiến, mâu thuẫn trong nội bộ dẫn đến nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” làm tan rã khối đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Qua hơn 90 năm hoạt động và trưởng thành, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng trở thành một quy luật xây dựng và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam; là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử của Đảng; là nhân tố quan trọng tạo nên bản lĩnh, sức mạnh chiến đấu của Đảng.

 

TS. Trần Thị Huyền
TS. Lê Thị Hằng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

---------------

(1) (2) (3) (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, t. 11, tr. 606, 611, 611, 611.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 185.

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr. 112.

 

Nguồn tin: tuyengiao.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Video hoạt động
Screenshot 2


z5938366578357 0660a04694014cba01f06354ec63e29c


z5938342173393 e3ad0887d201d3d74066f1305a005930
Bazon SACH1
duluanxahoi
tracuu 1
bhxh2 yukp

dcs





nonnuoccb
12121hq1
Liên kết Website

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập57
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm56
  • Hôm nay2,131
  • Tháng hiện tại311,110
  • Tổng lượt truy cập4,117,300
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TUYÊN GIÁO CAO BẰNG
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Tỉnh ủy,  Km5, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3855 011  -  Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Bế Thanh Tịnh, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Ghi rõ nguồn https://tuyengiaocaobang.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.

  Chung nhan Tin Nhiem Mang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây