Kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện một số chỉ thị, nghị quyết về lĩnh vực khoa học, công nghệ tại Sở Khoa học và Công nghệ

Thứ bảy - 31/08/2024 06:10
Chiều ngày 28/8/2024, Đoàn kiểm tra của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ do đồng chí Lục Thị Nga, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ làm Trưởng đoàn tiến hành kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện một số chỉ thị, nghị quyết về Khoa giáo thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ tại Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Cao Bằng. Tham dự buổi làm việc với Đoàn kiểm tra có đồng chí Bế Đăng Khoa, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở KH&CN; lãnh đạo sở và lãnh đạo các phòng chuyên môn Sở KH&CN.
 
Đồng chí Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phát biểu chỉ đạo
cuộc kiểm tra tại Sở KH&CN

Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết số 20-NQ/TW); Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW. Sở KH&CN đã tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh các văn bản chỉ đạo, xây dựng cơ chế chính sách về hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tham mưu cho Ban cán sự đảng UBND tỉnh trình Tỉnh uỷ ban hành Chương trình hành động số 34-CTr/TU ngày 06/3/2013 thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW; Chỉ thị số 47-CT/TU ngày 11/7/2013 về tăng cường công tác ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất và đời sống trên địa bàn tỉnh Cao Bằng (Chỉ thị số 47-CT/TU); Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 03/11/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh khoá XIX về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 06-NQ/TU)...

Trong quá trình tham mưu triển khai thực hiện Sở KH&CN luôn bám sát các nội dung Chương trình, chỉ thị, nghị quyết, các mục tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về phát triển Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) trong cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; mở trang thông tin điện tử khcncaobang, tích cực viết tin, bài để tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KH&CN. Thông qua việc triển khai tổ chức thực hiện một số chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về Khoa giáo thuộc lĩnh vực KHCN. Sở đã cụ thể hóa để tham mưu cho Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 93/2021/NQ-HĐND, ngày 10/12/2021 về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động KHCN&ĐMST trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021 - 2030; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 11/2015/CT-UBND, ngày 04/9/2015 về tăng cường và nâng cao hiệu quả áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Quyết định số 43/2020/QĐ-UBND, ngày 22/12/2015 quy định một số định mức xây dựng dự toán kinh phí đối với các nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Quyết định số 08/2016/QĐ-UBND, ngày 28/4/2016 quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Cao Bằng; mức lập dự toán kinh phí nghân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh...

Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã phê duyệt thực hiện các dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển cho KH&CN với tổng số vốn đầu tư là 73.088 triệu đồng. Từ nguồn vốn, tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN nhằm: Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống, giúp nâng cao năng suất, chất lượng cho các sản phẩm nông lâm nghiệp; tăng cường tiềm lực về đo lường, phân tích, thử nghiệm, giám định chất lượng, phục vụ hoạt động KHCN&ĐMST ở địa phương và thực hiện mục tiêu lưu trữ bảo tồn, phục tráng các nguồn gen, giống quý hiếm đặc sản, đặc hữu địa phương… Trong đó, đã triển khai dự án: “Xây dựng khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Đề án Nông nghiệp thông minh tỉnh Cao Bằng”; “Đầu tư nâng cao năng lực đo lường thử nghiệm và ứng dụng tiến bộ KH&CN cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Cao Bằng”… Hằng năm đội ngũ cán bộ phụ trách hoạt động KH&CN từ tỉnh đến cơ sở được sắp xếp, kiện toàn theo đúng quy định. Việc huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động KH&CN được đa dạng hóa nguồn vốn để đầu tư; đã huy động được nguồn lực từ Trung ương hỗ trợ 98 tỷ đồng; nguồn đối ứng từ các doanh nghiệp, hợp tác xã trên 199 tỷ đồng. Tính đến năm 2023, Sở KH&CN đã hỗ trợ kinh phí trực tiếp đối với 25 lượt tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã với tổng kinh phí hỗ trợ trên 627 tỷ đồng.

Thông qua việc triển khai các chính sách, đã thực hiện trên 40 nhiệm vụ trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nhằm nghiên cứu, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội của địa phương, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương. Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật đã nghiên cứu các công nghệ, quy trình kỹ thuật tiên tiến, đồng thời hỗ trợ các dự án sản xuất thử nghiệm để đầu tư, đổi mới công nghệ theo hướng ưu tiên cho công nghệ bảo quản, chế biến nông sản để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; giải quyết vấn đề về nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Lĩnh vực nông nghiệp, tập trung nghiên cứu phát triển các loại cây trồng có thế mạnh của địa phương để từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp đặc sản có giá trị kinh tế cao. Nghiên cứu bảo tồn và phục tráng giống lúa Nếp Hương Bảo Lạc, Pì Pất, nếp ong, nếp cẩm Cao Bằng, tạo ra sản phẩm giống lúa nguyên chủng năng suất bình quân đạt 46 tạ/ha, tăng 15-20%; quy mô sản xuất tăng, sản xuất nếp hương từ 50ha/vụ lên 100ha/vụ, diện tích nếp ong từ 200 ha lên 245 ha; tạo được sản phẩm hàng hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường. Lĩnh vực y - dược, đã góp phần nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh trong tỉnh, như: Ứng dụng kỹ thuật gương trị liệu kết hợp tập vận động trong phục hồi chức năng bệnh nhân liệt nửa người do tai biến mạch máu não tại Bệnh viện Y học cổ truyền - phục hồi chức năng tỉnh Cao Bằng, kết quả đã rút ngắn thời gian điều trị, làm giảm chi phí do viện phí và sinh hoạt... Việc triển khai liên kết “4 nhà” các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất sản phẩm hàng hóa, năng suất chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường, nhiều dự án KH&CN trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đã được triển khai và phát huy hiệu quả, chuyển dần từ hướng đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, sang hướng đi vào chiều sâu, giúp khai thác và phát triển, phát huy giá trị tài sản trí tuệ. Đến nay, toàn tỉnh có 137 văn bằng được bảo hộ sở hữu công nghiệp đã được cấp; 10 dự án về phát triển tài sản trí tuệ.
Đồng chí Giám đốc Sở KH&CN báo cáo kết quả thực hiện
hoạt động KHCN tại buổi kiểm tra

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh uỷ; nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội về phát triển KHCN&ĐMST đã chuyển biến mạnh mẽ; các cơ chế chính sách đã dần được quan tâm bổ sung hoàn thiện, qua đó đã kịp thời khuyến khích và thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển KHCN&ĐMST, bước đầu đã góp phần quan trọng phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh theo hướng ổn định và bền vững. Giai đoạn 2022 - 2023, đã có 17 sở, ngành, UBND huyện, thành phố đã thành lập được Hội đồng KH&CN và ban hành quy chế hoạt động. Năm 2022, 2023 có trên 60 đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN của các sở, ngành, UBND huyện, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh đề nghị xem xét triển khai. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 51 sản phẩm của địa phương đề xuất tham gia OCOP; có 04 hàng hóa, dịch vụ đã được Giấy chứng nhận nhãn hiệu; 100% cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tham mưu đối với triển khai các nghị quyết, chỉ thị đôi lúc chưa được thường xuyên, chưa kịp thời; hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh trong các ngành, lĩnh vực còn nhiều hạn chế; hoạt động khởi nghiệp ĐMST, ươm tạo công nghệ chưa có kết quả, chưa có mô hình khởi nghiệp thành công hoặc ý tưởng, dự án nhận được sự hỗ trợ, đầu tư về tài chính. Việc tuyên truyền phổ biến và xây dựng cơ chế, chính sách để nhân rộng và phát huy kết quả nghiên cứu KH&CN sau khi được nghiệm thu theo mục tiêu của Nghị quyết còn hạn chế. Hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất cho các đơn vị còn gặp khó khăn. Trình độ dân trí và khả năng tiếp nhận, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật của người dân không đồng đều; phương thức, tập quán sản xuất chậm được thay đổi và ngại thay đổi, nhất là người dân ở những khu vực có điều kiện KT-XH khó khăn… ảnh hưởng đến quá trình phát triển sâu, rộng các hoạt động KHCN&ĐMST.

Kết luận buổi kiểm tra, đồng chí Lục Thị Nga, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện một số chỉ thị, nghị quyết về lĩnh vực KHCN của Sở KH&CN. Đồng thời, đề nghị Sở tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chị thị, nghị quyết, kết luận,... của Trung ương, của tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp về vai trò của KHCN&ĐMST trong phát triển KT-XH. Chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; khắc phục những hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trên lĩnh vực KH&CN. Hằng năm xây dựng các nhiệm vụ KHCN&ĐMST có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh, của địa phương... Tập trung nghiên cứu, chuyển giao các loại giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh. Tham mưu xây dựng Kế hoạch thực hiện Kết luận số 69-KL/TW ngày 11/01/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân quan tâm, chủ động, tích cực chăm sóc các mô hình dự án; tuyên truyền các mô hình, cách làm hay trong việc ứng dụng KHCN vào đời sống, thu hút các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia vào hoạt động KH&CN; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn cho các địa phương, cán bộ công chức, viên chức của đơn vị bồi dưỡng nâng cao năng lực thúc đẩy hoạt động KHCN; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các địa phương trong thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng về lĩnh vực KH&CN, phấn đấu thực hiện hoàn thành mục tiêu của nghị quyết, chỉ thị, kết luận đã đề ra.

Tác giả: Chu Thị Hương, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Video hoạt động



Bazon SACH1
duluanxahoi
tracuu 1
bhxh2 yukp

dcs





nonnuoccb
12121hq1
Liên kết Website

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm18
  • Hôm nay7,171
  • Tháng hiện tại40,751
  • Tổng lượt truy cập3,673,488
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TUYÊN GIÁO CAO BẰNG
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Tỉnh ủy,  Km5, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3855 011  -  Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Bế Thanh Tịnh, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Ghi rõ nguồn https://tuyengiaocaobang.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.

  Chung nhan Tin Nhiem Mang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây