Diễn đàn với chủ đề “Cùng uống chung dòng nước, cùng xây dựng hạnh phúc” sẽ tổ chức các hoạt động nhằm mục tiêu giao lưu, tìm hiểu thông tin, nắm bắt cơ hội, thúc đẩy kết nối giao thông, hợp tác kinh tế - thương mại, thúc đẩy hợp tác hữu nghị giữa vùng Tứ Xuyên - Trùng Khánh và địa phương các quốc gia vùng sông Mê Kông không ngừng mở rộng, đi vào chiều sâu.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh khẳng đinh: Các quốc gia vùng sông Mê Kông có quan hệ láng giềng lâu đời, gắn kết bởi cùng uống chung một dòng nước sông Mê Kông. Hiện nay, các quốc gia đang bước vào giai đoạn then chốt trong sự phát triển của mỗi nước và của cả tiểu vùng. Sự phát triển sôi động của các liên kết kinh tế đa tầng nấc trong khu vực đang tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Diễn đàn lần này có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ hội cho nhà lãnh đạo các nước vùng sông Mê Kông cùng trao đổi về tầm nhìn và định hướng hợp tác vì sự phát triển bền vững của tiểu vùng Mê Kông. Qua đó, thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác kinh tế, thương mại địa phương của các quốc gia Lan Thương - Mê Kông.
Đồng thời đề xuất, để thúc đẩy kết nối từ Trung Quốc - Cao Bằng (Việt Nam) - các nước ASEAN, tỉnh tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống đường giao thông, đặc biệt hoàn thành thủ tục ban đầu, khởi động xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) thúc đẩy kết nối giao thông tuyến vận tải đường bộ quốc tế từ các tỉnh Tây Nam (Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Quý Châu) qua Bách Sắc (Trung Quốc) - Cao Bằng nối với các tỉnh: Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng (Việt Nam).
Tỉnh Cao Bằng có 110.663 ha đất sản xuất nông nghiệp, 512.383 ha đất lâm nghiệp, điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Do vậy, tỉnh mong muốn có cơ hội hợp tác tiếp nhận chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ thông minh, công nghệ cao trong việc trồng giống cây ăn quả, chế biến, bảo quản, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp và xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác về xuất khẩu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tỉnh có đường biên giới dài với nhiều cửa khẩu, lối mở, cặp chợ biên giới thông thương sang Trung Quốc, là điều kiện thuận lợi để hàng hóa từ Việt Nam, ASEAN và quốc tế đi vào thị trường Trung Quốc rộng lớn. Mong muốn các quốc gia Lan Thương - Mê Kông phối hợp đầu tư phát triển hạ tầng thương mại ở khu vực cửa khẩu biên giới, tạo thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ và thu hút đầu tư.
Lãnh đạo các địa phương vùng Mê Kông - Lan Thương công bố “Sáng kiến hợp tác vành đai kinh tế và thương mại địa phương của các nước sông Mê Kông” với các đề xuất: Ủng hộ các nỗ lực mở rộng quy mô thương mại và cải thiện cơ cấu thương mại; hỗ trợ thương mại điện tử để phát triển nhanh hơn và khuyến khích các công ty từ khu vực Tứ Xuyên - Trùng Khánh để thành lập kho hàng chung ở nước ngoài tại các nước khu vực sông Mê Kông; tất cả các bên liên quan sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh ưu việt và điều kiện thuận tiện hơn cho các công ty tìm hiểu thị trường; khuyến khích các thương hiệu và công ty nổi tiếng từ các nước khu vực sông Mê Kông đầu tư lẫn nhau, mang những sản phẩm đặc trưng đến với người tiêu dùng địa phương; khuyến khích các công ty tham gia các triển lãm, hội nghị toàn diện và nổi tiếng dành riêng cho ngành được tổ chức tại các quốc gia khu vực sông Mê Kông.
Nguồn tin: baocaobang.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn