Dự hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng có đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đại tá Vũ Hồng Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Qua một năm triển khai thực hiện Đề án 06 đã đạt được các mục tiêu cơ bản có tính chất nền tảng (năm 2022, hoàn thành 11/22 mục tiêu, đang tập trung triển khai 13/22 mục tiêu; đối với 89 nhiệm vụ cụ thể của Đề án, đến nay hoàn thành 47 nhiệm vụ, đang thực hiện 34 nhiệm vụ).
Năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương tùy theo chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện đồng loạt và hiệu quả. Thực hiện các dịch vụ công, đến ngày 21/12/2022 cả nước có 154.840.409 hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia (tăng 56.679.044 hồ sơ so với tháng 1/2022), trong đó có 6.519.773 hồ sơ trực tuyến (tăng 3.707.816 hồ sơ so với thời điểm chưa triển khai Đề án 06).
Đặc biệt, đối với 25 dịch vụ công thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử, một số dịch vụ trực tuyến đạt cao: xác nhận chứng minh nhân dân đạt 100%, thông báo lưu trú đạt 98,3%... Tích hợp VNEID trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân đăng nhập, khắc phục tình trạng không có số điện thoại chính chủ. Tiết kiệm cho Nhà nước 2.047 tỷ đồng nhờ tiết kiệm chi phí sao in hồ sơ, giải quyết hạn chế tình trạng kiểm tra, xác minh mà sử dụng dữ liệu của các bộ, ngành để xác thực. Cắt giảm dần cán bộ tiếp dân, giảm tình trạng gặp gỡ trực tiếp, loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt”…
Với những kết quả đạt được, hội nghị tập trung đánh giá những thành tựu, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới và rút ra 6 bài học kinh nghiệm. Trong đó, bài học kinh nghiệm về quyết tâm chính trị, nhận thức và xác định tầm quan trọng, tính cấp bách của Đề án 06, đó là có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ phận chuyên môn trực thuộc Chính phủ.
Hội nghị thống nhất đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2023; ngoài những công việc theo lộ trình, Đề án 06 cần tập trung khắc phục những “điểm nghẽn” của năm 2022.
Đối với Cao Bằng, thực hiện các nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022, UBND tỉnh ban hành kế hoạch và thành lập Tổ công tác do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, tỉnh ban hành 38 văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các sở, ban, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 06, trong đó, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, địa phương theo đúng quan điểm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn công dân tải và sử dụng ứng dụng VneID để xác thực tài khoản định danh điện tử và thực hiện các thủ tục dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh. Triển khai đồng bộ các giải pháp, hoàn thành 100% chỉ tiêu làm sạch dữ liệu dân cư theo yêu cầu của Bộ Công an, đảm bảo nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống”.
Chỉ đạo quyết liệt thực hiện Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu giao. Đến nay, toàn tỉnh thu thập, cập nhật và đồng bộ vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư 579.482 phiếu dân cư 01, đạt 99,9%; bổ sung, chỉnh sửa thông tin dân cư đối với 358.633 phiếu dân cư 02. Công an toàn tỉnh thu nhận 446.942 hồ sơ cấp căn cước công dân, trong đó, cấp mới 416.332/433.713 (đạt 96,83%) so với tổng số nhân khẩu đăng ký thường trú đủ điều kiện cấp căn cước công dân; thu nhận 97.860 tài khoản định danh điện tử.
Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh kết nối chính thức và khai thác dữ liệu hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sau khi sử dụng tài khoản kết nối chính thức với các dịch vụ của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an bàn giao. Đến nay gửi yêu cầu xác thực thông tin 9.060 lượt. UBND tỉnh ban hành kế hoạch và chỉ đạo triển khai thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi số, hiện toàn tỉnh đã thành lập 1.462 Tổ công nghệ số cộng đồng với 6.435 thành viên.
Chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện, xã và các đơn vị liên quan phối hợp với lực lượng Công an triển khai thực hiện làm sạch dữ liệu tiêm chủng và xác thực hộ chiếu vắc xin đảm bảo tiến độ. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 181/181 cơ sở khám, chữa bệnh có người dân đến khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip với 65.916 lượt tra cứu, trong đó có 28.257 lượt tra cứu thành công thông tin thẻ bảo hiểm ý tế bằng căn cước công dân gắn chíp để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Người đứng đầu các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án 06 với quyết tâm chính trị cao, xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở. Người đứng đầu các địa phương vào cuộc tích cực hơn nữa, ban hành các chỉ thị, nghị quyết để triển khai thực hiện; có cơ chế kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, giải đáp vướng mắc cho cấp cơ sở; các cấp, ngành, địa phương cần nâng cao trách nhiệm chỉ đạo triển khai các nội dung của đề án, đẩy mạnh lộ trình thực hiện Đề án 06 năm 2023 và các năm tiếp theo.
Các bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố, thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Tổ công tác Đề án 06 của tỉnh, thành phố tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh. Các bộ, ngành, địa phương phối hợp thực hiện các nhiệm vụ đối với các nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhóm tiện ích phát triển kinh tế - xã hội.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh tặng Bằng khen cho 5 tập thể, 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” tỉnh Cao Bằng (năm 2022).
Nguồn tin: Báo Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn