80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển

Thứ ba - 28/02/2023 21:09
(TG) - “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” là chủ đề Hội thảo Khoa học cấp quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức sáng 27/2 tại Hà Nội.
Các đồng chí chủ trì Hội thảo
Các đồng chí chủ trì Hội thảo

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với gần 300 đại biểu tham dự tại Hà Nội và gần 3.200 đại biểu tham dự trực truyến từ 63 đầu cầu trên cả nước.

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Dự Hội thảo còn có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các cơ quan nghiên cứu, học viện, trường đại học, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp…

Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023), với mục đích khẳng định và phát huy những giá trị cốt lõi của một văn kiện có ý nghĩa lịch sử - Đề cương về văn hóa Việt Nam; nghiên cứu quá trình vận dụng đường lối văn hóa của Đảng vào thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước; tổng kết những thành tựu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Trên cơ sở nghiên cứu làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn vận dụng các quan điểm, đường lối của Đề cương về văn hóa Việt Nam qua các thời kỳ, các tác giả tham luận có đề xuất, kiến nghị một số cơ chế, chính sách về phát triển văn hóa hiện nay. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

Phiên chuyên đề của Hội thảo tập trung vào 2 nội dung chính: 1) Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam; 2) Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Bên cạnh Đề dẫn Hội thảo, Báo cáo Trung tâm và phiên Thảo luận bàn tròn, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 173 tham luận của các cơ quan, tổ chức, các cá nhân nhà quản lý, nhà khoa học và những người trực tiếp làm công tác văn hóa nghệ thuật trong cả nước.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc và Đề dẫn Hội thảo.

KHƠI THÔNG NHỮNG MẠCH NGUỒN CỦA VĂN HÓA DÂN TỘC

Phát biểu khai mạc và Đề dẫn Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943, do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng ta về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Cùng với lập trường, lý luận khoa học mác-xít mới mẻ về văn hóa, bản Đề cương còn là sự kế thừa và bổ sung hết sức quan trọng tư tưởng Hồ Chí Minh, Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, những chủ trương, đường lối và sự tổng kết thực tiễn lãnh đạo trong lĩnh vực văn hóa của Đảng ta qua các cao trào đấu tranh cách mạng kể từ sau khi thành lập.

Mang sứ mệnh khơi thông những mạch nguồn của văn hóa dân tộc trong bối cảnh đẩy mạnh cao trào phản đế, phản phong, tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, bản Đề cương đã tạo ra sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng văn hóa cho nhân dân, nhất là tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ có tâm huyết, cổ vũ lòng tự hào dân tộc, khích lệ tinh thần dấn thân cho cách mạng, thật sự trở thành ngọn đuốc soi đường cho sự phát triển nền văn hóa mới.

Đề cương về văn hóa đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam, với nhận thức đúng đắn rằng: sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa vừa là một tất yếu chính trị, vừa là một tất yếu khách quan. Cách mạng muốn xây dựng thành công nền văn hóa mới dứt khoát phải do Đảng tiền phong lãnh đạo. Mặt khác, có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới lan tỏa được tư tưởng cách mạng, tạo nên ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội. Việc xây dựng nền văn hóa mới phải gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Công cuộc cải tạo xã hội, loại bỏ những gì cũ kỹ lạc hậu, hướng tới xây dựng một chế độ xã hội mới ưu việt hơn chỉ hoàn thành khi hình thành được nền văn hóa mới: nền văn hóa xã hội chủ nghĩa.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, nhìn lại chặng đường 80 năm qua, được thấm nhuần, kết tinh trong những chủ trương, đường lối của Đảng, được kiểm chứng bằng những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã tỏa sáng những giá trị cốt lõi của một văn kiện mang tầm Cương lĩnh. Càng nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng, tính chất đúng đắn của những luận điểm, nguyên tắc, đường lối của bản Đề cương, ngày nay, chúng ta càng thấy được sự cần thiết phải kế thừa và phát huy những giá trị tích cực, tốt đẹp của nền văn hóa dân tộc, vừa đẩy mạnh giao lưu, tiếp biến, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, khẳng định bản sắc và bản lĩnh của dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế.

Với sự khởi nguồn từ bản Đề cương về văn hóa Việt Nam về xây dựng một nền văn hóa mới và khát vọng chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị Hội thảo tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn các vấn đề trọng tậm: 1) Khẳng định ý nghĩa khoa học, tầm vóc lịch sử và những giá trị trường tồn của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; 2) Tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa đối với phát triển; 3) Hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hóa và huy động nguồn lực cho phát triển văn hoá, con người; 4) Chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hóa có phẩm chất, năng lực chuyên môn xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới; 5) Thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa phát triển.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Báo cáo Trung tâm tại Hội thảo.

NỀN TẢNG LÝ LUẬN VÀ ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, XÂY DỤNG CON NGƯỜI VIỆT NAM

Báo cáo Trung tâm tại Hội thảo của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng có chủ đề “Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 - Nền tảng lý luận và động lực phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam” đã khẳng định: Ngoài mối quan hệ khăng khít, hữu cơ với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, “nền văn hóa mới” mà Đề cương xác lập còn thể hiện giá trị lý luận cấp tiến khi đặt con người ở vị trí trung tâm. Vị thế của con người nằm ở vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa, văn nghệ; và quan trọng là quần chúng nhân dân chính là chủ thể của văn hóa, là lực lượng sáng tạo, trao truyền, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa.

Với những tư tưởng, quan điểm ngắn gọn, súc tích, Đề cương về văn hóa Việt Nam là một văn kiện đặt nền móng, mở đường cho việc xây dựng lý luận văn hóa cách mạng Việt Nam. Bên cạnh những giá trị quý báu về nền tảng lý luận, nguyên tắc cốt lõi, những nội dung của Đề cương về văn hóa Việt Nam còn có giá trị thực tiễn lớn lao trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong suốt tám thập niên qua. Cụ thể:

Một là, hệ thống văn bản do Đảng, Nhà nước ban hành đã từng bước tạo ra cơ sở chính trị, pháp lý nhất quán, hình thành môi trường thể chế có khả năng điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể văn hóa theo hướng hài hòa, lành mạnh giúp phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và chủ thể sáng tạo của nhân dân.

Hai là, ngay từ khi Đề cương ra đời, với việc đặt con người ở vị trí trung tâm, là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng của phát triển văn hóa đã cho thấy phát triển con người và phát triển văn hóa là hai mục tiêu gắn kết, không tách rời nhau

Ba là, vận dụng các nguyên tắc của Đề cương về Văn hóa Việt Nam, trong suốt những thập niên qua, việc kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Cơ chế xử lý hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế đã từng bước được xác lập và vận hành trên thực tế góp phần gia tăng sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.

Bốn là, việc gắn kết văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội có chuyển dịch tích cực về nhận thức và hành động.

Đại biểu tham dự Hội thảo.

Đồng chí Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thảo và Du lịch nhấn mạnh, trong thời gian tới, chúng ta cần phải nỗ lực vận dụng các nguyên tắc của Đề cương nhằm khơi thông, tối ưu hóa các nguồn lực cho phát triển văn hóa, xây dựng toàn diện con người Việt Nam thông qua hệ thống các giải pháp cải thiện khung khổ thể chế, hoàn thiện chính sách hiện hành; có chính sách phù hợp tại Luật quản lý, sử dụng tài sản công, nhằm phát huy, sử dụng có hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa, tài sản đặc thù của văn hóa; tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa nhằm chấn hưng văn hóa; hoàn thiện hệ thống chính sách, điều chỉnh xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong đó đặt trọng tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của thị trường văn hóa; xây dựng Bộ chỉ số quốc gia về phát triển văn hóa; hoàn thiện các chính sách văn hóa đối ngoại có khả năng phát huy tính chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa nhằm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ của giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Đồng thời phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ, chú trọng phát triển công cụ đo lường, giám sát việc hoạch định, triển khai chính sách và hiệu quả đầu tư; tiếp tục phát triển hệ thống thông tin, dữ liệu văn hóa và tăng cường chia sẻ thông tin phối hợp liên ngành, liên khu vực, liên chủ thể...

“PHẢI HOÀN THÀNH CÁCH MẠNG VĂN HÓA MỚI HOÀN THÀNH ĐƯỢC CÔNG CUỘC CẢI TẠO XÃ HỘI”

Phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu đều đồng tình cho rằng, điều khẳng định trong Đề cương cách đây 80 năm “phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được công cuộc cải tạo xã hội” chính là việc phát hiện một trong những quy luật sâu sắc trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng ta.

Các phát biểu tham luận tại Hội thảo của GS. TS. Đinh Xuân Dũng, Nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương; PGS. TS. Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định Lê Quốc Chinh; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; PGS. TS. Lê Thị Bích Hồng, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội... cùng với tiếp tục nhấn mạnh và khẳng định những giá trị trường tồn của bản Đề cương, đã nêu lên một số vấn đề đáng quan tâm trong bối cảnh hiện nay:

Thứ nhất, về mặt chính trị và kinh tế, chúng ta đã giành được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, song trên thực tiễn, đến nay, còn rất nhiều vấn đề lớn lao và hệ trọng trong bản thân sự phát triển của đất nước đang đặt ra gay gắt, trong đó, vấn đề văn hóa với ý nghĩa là toàn bộ đời sống tinh thần của xã hội, là sự xây đắp và nuôi dưỡng nhân cách con người, là cuộc đấu tranh bền bỉ chống cái xấu, cái ác, cái thấp hèn, sự tha hóa,... đã và đang nổi lên như một thách thức dai dẳng nhất, và phía trước, chưa có lời giải đáp thỏa đáng, có sức thuyết phục đối với những thách thức đó.

Thứ hai, cần phát huy tốt hơn nữa giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ hiện nay. Bởi, Đề cương không chỉ mang ý nghĩa kiến tạo xây dựng nền văn hóa cách mạng, mà còn hiện thân cho tinh thần đấu tranh chống lại chính sách văn hóa thực dân, phát-xít, chống lại các tư tưởng phản động hoặc những luận thuyết, trào lưu văn nghệ không có lợi cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Đại biểu tham dự Hội thảo.

Thứ ba, cùng với định hướng lâu dài cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam, cần vận dụng có hiệu quả tư tưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam nhằm tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; hành động theo hướng cân bằng và kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển bền vững để góp phần bảo vệ và lan tỏa, phát huy các giá trị di sản văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội...

Thứ tư, văn hóa muốn phát triển thì cần một ngành công nghiệp, thị trường văn hóa đủ mạnh. Công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ phát triển hơn khi có càng nhiều người tham gia sáng tạo văn hoá; xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế, xã hội và không gian số sẽ giúp văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ năm, tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về văn hóa: nâng cao hiệu quả xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa; phát triển văn hóa gắn với hoàn thiện thị trường văn hóa; hội nhập quốc tế và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại...

Các đại biểu tham gia Thảo luận bàn tròn.

Trong phiên Thảo luận bàn tròn tại Hội thảo, nhiều vấn đề liên quan đến văn hóa, đời sống văn hóa, những giá trị vận dụng từ bàn Đề cương trong bối cảnh mới... đã được trao đổi, thảo luận với sự tham gia của PGS. TS. Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS. TS. Trần Quốc Toản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; PGS. TS. Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Thượng tá, NSND. Nguyễn Thị Thúy Hiền, Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công an; PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam...

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tổng kết, bế mạc Hội thảo

TIẾP TỤC KẾ THỪA, VẬN DỤNG TRONG ĐỜI SỐNG CHÍNH TRỊ, VĂN HÓA CỦA DÂN TỘC

Phát biểu tổng kết, bế mạc Hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ: Quá trình chuẩn bị Hội thảo đã được Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ quan, địa phương phối hợp chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo các nhà quản lý, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ và sự đồng tình, cổ vũ của dư luận xã hội.

Cùng với thành quả nghiên cứu và những tư liệu lịch sử đã công bố, Hội thảo Khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” thêm một lần nữa chứng minh và khẳng định giá trị to lớn, toàn diện của Đề cương về văn hóa Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng; đã phân tích và chỉ rõ quá trình vận dụng, kế thừa, phát huy, phát triển các giá trị cốt lõi của Đề cương để hoàn thiện đường lối văn hóa của Đảng trong suốt 80 năm qua; tập trung phân tích yêu cầu, nhiệm vụ, khả năng và giải pháp tiếp tục nghiên cứu, kế thừa và phát triển các quan điểm của Đề cương vào thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước; khẳng định cần tiếp tục kế thừa, vận dụng những quan điểm cốt lõi của Đề cương, nhất là ba nguyên tắc “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa”, “khoa học hóa” để nghiên cứu, tổng kết, làm rõ và sâu sắc hơn nữa nội hàm của mục tiêu xây dựng “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trong tình hình mới...

Quang cảnh Hội thảo.

Nhìn lại lịch sử 80 năm qua, có thể khẳng định, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống chính trị, văn hóa của dân tộc ta. Giá trị lớn lao và sức sống bền vững của Đề cương đã để lại cho chúng ta những bài học quý báu.

“Những bài học sâu sắc đặt ra sau 80 ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam cho chúng ta niềm tin vững chắc rằng, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc sẽ là nguồn động lực lớn lao để toàn Đảng, toàn Dân, toàn quân ta tiếp tục đoàn kết một lòng, ra sức cống hiến trí tuệ, tài năng, đưa dân tộc ta đến những thắng lợi vẻ vang..”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định./.

 

Nguồn tin: www.tuyengiao.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Video hoạt động



duluanxahoi
tracuu 1
bhxh2 yukp

dcs





nonnuoccb
Bazon SACH1
12121hq1
Liên kết Website

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập24
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm23
  • Hôm nay4,807
  • Tháng hiện tại16,163
  • Tổng lượt truy cập2,721,535
Chung nhan Tin Nhiem Mang
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TUYÊN GIÁO CAO BẰNG
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Tỉnh ủy,  Km5, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3855 011  -  Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Bế Thanh Tịnh, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Ghi rõ nguồn https://tuyengiaocaobang.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây