Tăng học phí đại học: Áp lực từ nhiều phía

Thứ năm - 07/09/2023 21:37
(ĐCSVN) - Ba năm gần đây, các trường đại học đều không tăng học phí, có lẽ vì vậy, ngay từ cuối năm học 2022-2023, nhiều trường đại học đã công bố đề án tuyển sinh, trong đó kèm lộ trình tăng học phí. Tuy nhiên, quy định mới của Chính phủ khiến nhiều trường phải hoãn lại dự định này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày 31/7/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương tiếp thu ý kiến, thống nhất với các Bộ có liên quan để hoàn thiện dự thảo Nghị định theo hướng chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP và không tăng học phí năm học 2023 - 2024.

Đến nay dù đã vào năm học mới, Bộ GD&ĐT vẫn chưa ban hành chính sách học phí mới theo yêu cầu của Chính phủ khiến các trường đại học loay hoay trong việc xác định học phí. Và đây sẽ là năm thứ 3 liên tiếp (năm 2021, 2022, 2023) không tăng học phí, điều này khiến các trường gặp khó khăn trong vận hành.

Không chỉ vậy, từ sau ngày 1/7, Chính phủ thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức giảng viên lên mức 1.800.000 đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% so với mức lương cơ sở trước đó - 1.490.000 đồng/tháng. Để đáp ứng được chính sách tăng lương cho giảng viên theo quy định chung, các trường đại học dự chi ngân sách mỗi năm sẽ tăng lên vài chục tỷ đồng đến cả trăm tỷ đồng.

Mức thu học phí không tăng, nhưng lương giảng viên, nhân viên lại tăng khiến ngân sách các trường đại học ngày càng eo hẹp.

Không có đầu tư thích đáng không thể nâng cao chất lượng đào tạo

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 khối giáo dục đại học, nhiều cơ sở giáo dục đại học bày tỏ sự lo lắng, mong muốn, các cấp quản lý sớm ban hành các chính sách phù hợp để hỗ trợ các trường  học trong bối cảnh phải thực hiện tự chủ tài chính.

Ông Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội mong muốn Bộ GD&ĐT sẽ quan tâm hỗ trợ các trường trong thực hiện tự chủ, đặc biệt là các chính sách về tài chính đi kèm.

"Nếu không rất khó khăn, đặc biệt là những trường tự chủ mới gần đây. Tôi biết có nhiều trường khó khăn chồng chất”, ông Nguyễn Hữu Tú nói. 

Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng Lê Quang Sơn nhắc tới cơ chế tài chính cho giáo dục đại học với chia sẻ “Không có đầu tư thích đáng không thể nâng cao chất lượng đào tạo. Không có nguồn lực thì làm việc sẽ chỉ theo kiểu mở rộng mà không thể đào sâu”.

Ông Lê Quang Sơn còn đề cập tới cơ chế phối hợp giữa các trường đại học với các Bộ, ngành, viện nghiên cứu để sử dụng nguồn lực chung, bởi thực tế nhiều thầy cô có đề tài nghiên cứu, mong muốn nghiên cứu nhưng không có nguồn lực để nghiên cứu.

Đại diện Trường Đại học Thương mại cho biết, ngay khi có thông tin Chính phủ chỉ đạo không tăng học phí, trường khẩn trương họp và lên kế hoạch điều chỉnh học phí, thu chi nhà trường năm học 2023 - 2024. Trường quyết định không tăng học phí năm học 2023 - 2024 như dự kiến trước đó, giữ nguyên mức thu như năm học trước. Việc không tăng học phí 3 năm liên tiếp khiến nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối tài chính.

Để ứng phó với tình hình khó khăn này, Trường quyết định cắt giảm tối đa các hoạt động, sự kiện hội nghị, hội thảo, chào mừng không cần thiết, giảm chi tiêu để duy trì hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, trong đó duy trì lương ổn định cho giảng viên là bài toán quan trọng nhất.

Đại diện Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội cũng cho hay, trong đề án tuyển sinh trường dự kiến học chương trình đại trà là 25 triệu đồng/năm học, chương trình chất lượng cao, định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế là 45 triệu đồng/năm. So với năm học 2022 - 2023, mức học phí mới này dự kiến tăng 5 triệu đồng/năm.

Học phí với chương trình tiên tiến dự kiến là 70 triệu đồng/năm, tăng 10 triệu đồng. Còn chương trình Quản trị khách sạn, Marketing số, Kinh doanh số, Truyền thông Marketing tích hợp vẫn giữ mức 60 triệu đồng.

Tuy nhiên, nếu không được tăng, nhà trường buộc điều chỉnh lại học phí đã thông báo trước đó, đồng thời có phương án thắt chặt chi dài hạn và các hoạt động không cần thiết. Tất cả ưu tiên cho chi thường xuyên và lương cho giảng viên.

Bù phần thâm hụt, khắc phục khó khăn để duy trì các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ gần nhất, trả lời câu hỏi, hiện nay các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học tự chủ đang than khó về việc không được tăng học phí năm học 2023 - 2024, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, vì mục tiêu của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân nên không tăng học phí để giảm gánh nặng cho người dân có con em đi học.

Thực hiện tinh thần chỉ đạo này, Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện lại Dự thảo Nghị định 81, xin ý kiến các bộ, ngành… trình Chính phủ. Đây cũng sẽ là thách thức lớn cho ngành giáo dục để thực hiện tốt nhiệm vụ.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, nhìn tổng thể về tài chính giáo dục nói chung, tài chính đại học nói riêng, học phí không phải là nguồn duy nhất và chính sách học phí không phải là duy nhất. Tuy nhiên, học phí đại học vẫn đang chiếm tỉ trọng lớn. Nhìn xa hơn, dù học phí được giữ nguyên hay có điều chỉnh, thì tổng nguồn lực dành cho giáo dục (bao gồm cả tài chính, đội ngũ, cơ sở vật chất...) nếu như không tăng được thì cũng cần được giữ vững, ở đây có vai trò điều tiết của Nhà nước.

Đối với giáo dục đại học, có sứ mạng thực hiện một trong 3 đột phá chiến lược, nhân lực phát triển bền vững, lĩnh vực chịu tác động rất lớn của dịch bệnh và không tăng học phí 3 năm qua.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT lý giải thêm, có thể nói đó là 1 chiếc kiềng 3 chân: Cơ chế tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học (Nghị định 60), Chính sách học phí (Nghị định 81), Chính sách hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Nghị định 60 quy định về lộ trình tính giá dịch vụ (học phí) và giảm chi trực tiếp Ngân sách nhà nước. Còn Nghị định 81 thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm giữ không giảm nguồn lực đầu vào.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, Chính phủ đã có những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cũng hướng đó, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành đề xuất giải pháp hỗ trợ để các trường (nhất là các trường tự bảo đảm chi thường xuyên) bù phần thâm hụt, khắc phục khó khăn để duy trì các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, thực hiện tốt sứ mạng…

Cho rằng việc tăng học phí là tất yếu khách quan và có lộ trình. Với mức tăng học phí như nhiều trường đại học công bố chưa hẳn quá cao, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nên để có số tiền đóng học phí không phải là chuyện dễ dàng gì. Do vậy, phần lớn người dân vẫn mong muốn Chính phủ, Bộ GD&ĐT có sự chia sẻ khó khăn với người dân trong câu chuyện học phí./.

 

Nguồn tin: dangcongsan.vn

  Ý kiến bạn đọc

Video hoạt động



Bazon SACH1
duluanxahoi
tracuu 1
bhxh2 yukp

dcs





nonnuoccb
12121hq1
Liên kết Website

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập23
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm19
  • Hôm nay5,395
  • Tháng hiện tại74,707
  • Tổng lượt truy cập3,542,175
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TUYÊN GIÁO CAO BẰNG
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Tỉnh ủy,  Km5, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3855 011  -  Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Bế Thanh Tịnh, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Ghi rõ nguồn https://tuyengiaocaobang.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.

  Chung nhan Tin Nhiem Mang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây