SÁNG MÃI “DI CHÚC” CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Thứ hai - 02/09/2024 04:50
Ngày 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi, để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân bản “Di chúc” thiêng liêng. Đây là một văn kiện lịch sử vô cùng quan trọng, kết tinh những điều cốt lõi về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người - Bậc vĩ nhân, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. 55 năm qua, Bản “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mãi mãi là tài sản vô giá, là kim chỉ nam quý báu, soi đường dẫn lối cho dân tộc Việt Nam trên con đường xây dựng và phát triển đất nước.
Di chúc Bác Hồ. Ảnh tư liệu: hochiminh.vn
Di chúc Bác Hồ. Ảnh tư liệu: hochiminh.vn
“Di chúc”[1] hay còn gọi là tài liệu “Tuyệt đối bí mật” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong một hoàn cảnh đặc biệt khi đất nước đang chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu gian khổ chống lại Đế quốc Mỹ và được chỉnh sửa, bổ sung kéo dài qua nhiều năm (từ năm 1965 và hoàn chỉnh vào năm 1969). Bản “Di chúc” năm 1969 của Người để lại là một áng văn tuyệt bút, là những lời căn dặn của một lãnh tụ vĩ đại; từng câu, từng chữ đều thấm đượm tinh thần yêu nước, lòng nhân ái bao la và tầm nhìn chiến lược của Người với Tổ quốc, Nhân dân và sự nghiệp cách mạng của Đảng. Tâm nguyện của Người: “Suốt đời tôi hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”[2]. Trước khi đi xa, Người khuyến khích toàn Đảng, toàn quân, toàn dân kiên trì lý tưởng cách mạng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người đặt niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”[3]. Bản “Di chúc” không chỉ là sự tổng kết lý luận và thực tiễn của Người về sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc Việt Nam, mà còn là lý luận về sự đổi mới và tương lai phát triển của đất nước. Trải qua thời gian, “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị, luôn mang tính thời đại, mãi tỏa sáng.

Về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh: trong “Di chúc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “trước hết” về Đảng. Người mong muốn Đảng phải thật trong sạch, phải “Giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”[4]. Người khẳng định: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm kiêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của Nhân dân”[5]. Để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, Đảng phải luôn tự phê bình và phê bình, không ngừng hoàn thiện mình; cần phải chống tham nhũng, quan liêu và quan tâm xây dựng đạo đức cách mạng cho các đảng viên. Người mong muốn cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, trau dồi đạo đức, giữ gìn sự đoàn kết nội bộ, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, liêm khiết, chí công vô tư, tận tụy phục vụ Nhân dân.

Về tư tưởng yêu nước và tinh thần đoàn kết: đây là một trong những giá trị cốt lõi trong “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Di chúc” của Người nhấn mạnh tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc và tầm quan trọng của tinh thần đoàn kết trong Đảng, trong Nhân dân và giữa các dân tộc. Theo Người, đoàn kết là sức mạnh của thành công, là vấn đề cốt lõi để xây dựng và bảo vệ đất nước. Người mong muốn mọi người Việt Nam đều đoàn kết, phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, chung sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[6].

Về chăm lo thế hệ trẻ: Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại muôn vàn tình yêu thương cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc quan trọng và cần thiết”; “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên””[7].

Về chăm lo đời sống Nhân dân: Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lấy việc phục vụ Nhân dân làm lẽ sống, lấy hạnh phúc của Nhân dân làm mục đích sống của đời mình. Hai chữ “Nhân dân” luôn là động lực thôi thúc mọi suy nghĩ, khát vọng và hành động cách mạng của Người. Trong “Di chúc”, Người đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm của Đảng trong việc chăm lo cho, cải thiện đời sống của người dân: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”[8].

Về tình hữu nghị và hợp tác quốc tế: Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao tình hữu nghị, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia. Người mong muốn Việt Nam trở thành bạn của tất cả các nước trên thế giới: “Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”[9].

55 năm qua, “Di chúc” thiêng liêng của Người luôn là ngọn đuốc soi đường, dẫn lối cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta, giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa lớn lao đối với dân tộc Việt Nam mà còn mang giá trị thời đại, là nguồn cảm hứng cho phong trào đấu tranh giành độc lập của nhiều dân tộc trên thế giới. Trong giai đoạn hiện nay, “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam về những lời căn dặn của Người; là tài sản tinh thần vô giá, là kim chỉ nam cho sự phát triển của đất nước trong mọi giai đoạn cách mạng. Thực hiện Di chúc của Người và sau gần 40 năm đổi mới, đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Cố Tổng Bí thư đã từng khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng:  Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[10] (tại báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội khóa XIII của Đảng) .

Cao Bằng - Nơi gắn liền với những dấu ấn lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã và đang không ngừng nỗ lực thực hiện “Di chúc” thiêng liêng của Người. 55 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng luôn phát huy tinh thần cách mạng, đoàn kết, kiên cường, phấn đấu xây dựng xây dựng Cao Bằng phát triển bền vững.

Nhất là trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, hầu hết các chỉ tiêu phát triển KT-XH của tỉnh hằng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, năm sau cao hơn năm trước. Công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng bộ tỉnh chú trọng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng. Tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm chống tham nhũng, quan liêu và xây dựng đội ngũ CBĐV trong sạch, vững mạnh; tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, phát triển các sản phẩm nông sản chất lượng cao, đặc sản địa phương; quan tâm phát triển du lịch với việc tập trung khai thác tiềm năng du lịch của tỉnh; chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, đặc biệt là các di tích lịch sử liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm tăng cường giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ; tiếp tục đẩy mạnh công tác đối ngoại, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực biên giới; tập trung thực hiện tốt công tác y tế, giáo dục và đào tạo, các chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Qua đó, diện mạo đô thị, nông thôn miền núi có nhiều đổi mới, góp phần cải thiện nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Những thành tựu đạt được của tỉnh không chỉ là minh chứng cho lòng biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn khẳng định tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên của người dân tỉnh Cao Bằng với quyết tâm cao nhất để biến những lời dặn dò của Bác thành hành động cụ thể, thiết thực, góp phần hiện thực hóa ước mơ của Người về một Việt Nam hòa bình, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh và hạnh phúc.

Trong thời gian tới, khắc ghi những lời căn dặn trong “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đang tiếp tục nỗ lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đề ra.

 
Bế Lan Phương
Phó Trưởng Ban Thường trực
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
 
 

[1] 05 “Bảo vật Quốc gia” của Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm có: (1) Đường Kách mệnh (năm 1927); (2) Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù) (1942 - 1943); Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946); (4) Bản Tuyên ngôn Độc lập (02/9/1945); (5) Di chúc (1965 - 1969).
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002 (Sđd), tập 12, tr.512.
[3]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.509.
[4]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.510.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.510.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.512.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.510.
[8]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.511
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.511.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr.25.
 

Tác giả: Bế Lan Phương

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Video hoạt động
Screenshot 2


z5938366578357 0660a04694014cba01f06354ec63e29c


z5938342173393 e3ad0887d201d3d74066f1305a005930
Bazon SACH1
duluanxahoi
tracuu 1
bhxh2 yukp

dcs





nonnuoccb
12121hq1
Liên kết Website

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập18
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm17
  • Hôm nay2,928
  • Tháng hiện tại15,689
  • Tổng lượt truy cập4,173,683
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TUYÊN GIÁO CAO BẰNG
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Tỉnh ủy,  Km5, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3855 011  -  Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Bế Thanh Tịnh, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Ghi rõ nguồn https://tuyengiaocaobang.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.

  Chung nhan Tin Nhiem Mang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây