Những hiện vật của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Văn Thượng hiến tặng cho bảo tàng tỉnh Cao Bằng

Thứ sáu - 13/12/2024 05:34
Năm 2016, Bảo tàng tỉnh Cao Bằng thực hiện kế hoạch sưu tầm hiện vật đối với những cựu chiến binh sinh sống trên địa bàn phường Hợp Giang, thị xã Cao Bằng (nay là thành phố Cao Bằng). Đợt sưu tầm đã thu được trên 20 hiện vật là quân tư trang, chiến lợi phẩm của các cựu chiến binh trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến sự năm 1979. Đây là những hiện vật quý gắn với tên tuổi và quá trình chiến đấu anh dũng của các cựu chiến binh là người con của quê hương Cao Bằng trên chiến trường. Trong số hiện vật được hiến tặng có 03 hiện vật (đèn pin, la bàn và võng) của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Văn Thượng, mỗi hiện vật gắn với một cuộc chiến đấu mang kỷ niệm sâu sắc của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Văn Thượng trên chiến trường miền Nam.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Văn Thượng.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Văn Thượng.
Sơ lược về cuộc đời và sự nghiệp của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Văn Thượng

Đồng chí Hoàng Văn Thượng, sinh ngày 24/7/1948 tại Bản Giằn, xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Lạng (nay là tỉnh Cao Bằng).

Ngày 16/4/1968, đồng chí lên đường nhập ngũ tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau khi qua lớp huấn luyện đặc công tại tỉnh Hà Tây, đồng chí cùng đơn vị hành quân vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Lúc đó đồng chí thuộc tiểu đoàn 4, sư đoàn 305 đặc công.

Là chiến sĩ có tinh thần chiến đấu gan dạ, dũng cảm, mưu trí, linh hoạt. Dù công việc nặng nhọc, ác liệt, nguy hiểm, đồng chí đều đón nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong đơn vị đồng chí luôn gương mẫu, nêu cao tinh thần chiến đấu, là gương sáng cho đồng đội noi theo.

Đồng chí đã được tặng thưởng 04 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì và hạng Ba; 03 Huân chương chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba); 01 Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng Ba; 13 lần được tặng danh hiệu “Dũng sĩ Quyết thắng, dũng sĩ diệt Mỹ”, một lần "Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam" và 19 lần được tặng thưởng Bằng khen.

Ngày 06/11/1978, đồng chí dược phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là Thượng úy, Chính trị viên tiểu đoàn 13, trung đoàn 429, Quân khu 7, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ tháng 01/1977 đến 9/1978 đồng chí là Chính trị viên, Phó Chủ nhiệm chính trị E117 tham gia chiến đấu tại Campuchia.

Tháng 10/1978, đồng chí được điều về Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quảng Hòa giữ chức vụ Phó Chỉ huy trưởng.

Tháng 11/1982, giữ chức Phó Chủ nhiệm Chính trị rồi Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng.

Từ năm 1986 đến năm 2005 đồng chí giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng, Uỷ viên Ban chấp hành Tỉnh uỷ khóa XII, khóa XIII, Đại ICU Quốc hội khóa VIII (1986 - 1990), Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IV.

         
* Những hiện vật của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Văn Thượng hiến tặng cho bảo tàng tỉnh Cao Bằng

Sau đây là những câu chuyện về những hiện vật được ghi chép thông qua lời kể của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Văn Thượng.
 
Ký ức về hiện vật đèn pin:

 
den pin
Chiếc đèn pin.

Diễn biến trận đánh liên quan đến lịch sử hiện vật - Trận đánh chi khu Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương

Trong trận nàv đồng chí Thượng được giao nhiệm vụ cắm cờ giải phóng lên nóc nhà trung tâm chỉ huy của địch. Lúc đó đồng chí Hoàng Văn Thượng là thành viên đội đặc công thuộc tiểu đoàn 13, đại đội 2, đoàn 429. Khi đột nhập vào đồn Dầu Tiếng đội có 18 người.

Chốt Dầu Tiếng là hậu cứ lớn của địch, bao gồm nhiều tuyến và nhiều khu vực. Quanh chốt có 12 lớp rào, mỗi lớp là một kiểu rào và vật liệu khác nhau, mỗi lớp rào đều gài mìn đủ các loại. Để đột nhập vào chốt phải cắt hết các lớp rào và rà gỡ mìn, đây là việc đòi hỏi sự mưu trí, dũng cảm và gan dạ mới có thể thành công.

Ngày 19/6/1971, theo quân Ngụy đây là ngày thành lập “Quân lực Việt Nam Cộng hòa”. Đúng theo kế hoạch vào lúc 19h toàn phân đội gồm 14 dồng chí với niềm tin chắc thắng dừng lại cách hàng rào chốt Dầu Tiếng khoảng 150m, theo kế hoạch đồng chí Hoàng Văn Thượng được chỉ huy giao nhiệm vụ là mũi trưởng, dẫn đầu 04 đồng chí chia làm hai tổ làm nhiệm vụ cắt rào mở đường cho anh em đột nhập vào bên trong. Vừa theo dõi tình hình địch, vừa rà gỡ mìn, từ 20h đến 22h tổ cắt rào đã cắt xong tám lối rào chạm đến tuyến gác vòng ngoài của địch. Một tổ ra đón anh em, tổ còn lại cùng đồng chí Hoàng Văn Thượng vượt tường qua tuyến gác ngoài vào tuyến trong cắt tiếp bốn lớp rào nữa, lớp bên trong dày dặc và khó khăn hơn nên phải gần 3 giờ tổ của đồng chí Hoàng Văn Thượng mới cắt xong bốn hàng rào bên trong, cắt xong mười hai lớp rào theo kế hoạch 24h là nổ súng, lúc đó đã là 24h55’ mà bộ đội vẫn chưa vào dược bên trong. Với suy nghĩ bằng mọi giá phải nổ súng, không một giây chần chừ do dự, một mình đồng chí Hoàng Văn Thượng ngược trở ra qua hàng rào và qua các vọng gác để ra đón anh em, ra đến vị trí dừng lại ban đầu không thấy ai, đồng chí Hoàng Văn Thượng quay ngược sang hướng bắc đi được 200m thì phát hiện hai đồng chí Toàn, Mùi đang lạc tìm không biết cửa mở. Sau khi phát tín hiệu để anh em nhận ra nhau cả đội đi thẳng theo hướng rào đã cắt sẵn, phải đến 120 phút toàn đội mới vào đến sát tường thứ ba bên trong. Do nắm chắc được tình hình địch nên khi nghe thấy một tên gác của địch đứng trên vọng gác mà đầu gật gù, miệng lảm nhảm, đồng chí Hoàng Văn Thượng đoán chắc rằng nó đã say rượu, quả đúng như vậy, cả đội nhìn nhau vui mừng hy vọng vào chiến công sắp tới. Sau 2 phút trao đổi phân công, 12 đồng chí ở tuyến ngoài và tuyến trung gian đã triển khai vào các nhà ngủ lô cốt của địch. Đêm về khuya vắng lặng, có tiếng ngáy ngủ, tiếng lảm nhảm nói mê vì say rượu của quân ngụy…Trong lúc này cách quân ta 150m là nhà của quân chỉ huy một chiếc xe bon bon chạy ra để đón khách, phía đông bắc có một chiếc trực thăng của địch đang hạ thấp xuống sân bay, chắc là có ông tướng ngụy nào đó đến thám chốt. Không chần chừ, đồng chí Hoàng Văn Thượng dùng tín hiệu quay ngoắt về phía trong đồn để ba chiên sĩ đi theo, tiến thẳng vào Sở chi huy khu trung tâm thông tin của địch. Sau khi phân công 03 đồng chí vào khu trung tâm, đồng chí Hoàng Văn Thượng kiếm một đoạn sào để luồn lá cờ đỏ sao vàng, rồi cắm lên bậc thang nhà cao nhất gần sát khu chỉ huy Sở. Cắm xong lá cờ là lúc 01h50, lúc đó có một tiếng pháo nổ - đây là pháo của địch bắn theo quy luật về hướng tây, tiếp theo là tiếng nổ lớn, một chùm khói bao phù lên khu chỉ huy, sau đó là dồn dập tiếng pháo nổ như ngô rang... Không chần chừ do dự đồng chí Hoàng Văn Thượng dùng 06 quả thủ pháo trong tay ném tiếp vào 04 nhà ngủ của địch. Tiếng quân địch rên la, đau đớn... Do sức ép của lựu đạn đồng chí Hoàng văn Thượng bị thương ở mắt phải và ngất ngay tại chỗ.

Sau 25 phút chiến đấu, theo như kế hoạch toàn đội rút về. Vì bị ngất, đồng chí Thượng nằm tại chỗ. Khi không thấy đồng chí Thượng trở ra nên đồng đội tưởng đồng chí đã hy sinh. Sau một hồi bất tỉnh đồng chí Hoàng Văn Thượng mở mắt thấy mình vẫn ở trong chốt, có tiếng địch rên la đau đớn vì bị thương, lửa cháy, khói nghi ngút ở khắp nơi. Bản thân đồng chí Thượng bị máu chảy ra tai, toàn thân đau ê ẩm. Sau một phút định thần, đồng chí gượng dậy tìm đường trở ra. Vì lúc đó trời vẫn chưa sáng, ngoài trời vẫn tối đen, đồng chí Hoàng Văn Thượng nhìn thấy một chiếc đèn pin của quân ngụy nên đã cầm lấy để soi đường trở ra khỏi chốt Dầu Tiếng tìm đường ra chỗ đơn vị đóng quân. Đèn pin là quân tư trang của Mỹ cấp cho Quân đội Việt Nam Cộng hòa (là loại đèn có cổ gập và đặc biệt có thể chống bị nước ngấm nên có thể ngâm và soi được ở dưới nước).
         
Sau trận Dầu Tiếng, chiếc đèn pin đã theo đồng chí Hoàng Văn Thượng trong suốt thời gian tham gia chiến đấu. Đèn đã soi đường để đồng chí Hoàng Văn Thượng và anh em đồng đội thực hiện nhiệm vụ chiến đấu vào ban đêm, soi khi qua sông làm nhiệm vụ... Đèn là một trong những vật luôn đi theo anh hùng Hoàng Văn Thượng cho đến ngày đất nước được giải phóng (30/4/1975).

         
Về hiện vật: La bàn


 La bàn.

La bàn là chiến lợi phẩm do Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Văn Thượng thu dược trong trận tập kích quân Ngụy ở gần suối La La, huyện Gio Linh, Quảng Trị ngày 22/5/1969.

Diễn biến tình huống liên quan đến hiện vật:
         
Sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968, chính quyền Mỹ ngụy tổ chức càn quét ở chiến trường miền Nam nhằm đánh đuổi quân Giải phóng. Lúc đó đồng chí Hoàng Văn Thượng là cán bộ B phó thuộc C2 DI3 F305 chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Nhiệm vụ của đơn vị đồng chí Hoàng Văn Thượng là đánh tập kích vào đội càn quét nhằm tiêu hao sinh lực địch và làm nhụt ý chí chiến đấu của kẻ thù.
         
Ngày 22/5/1969, đồng chí Hoàng Văn Thượng vinh dự được kết nạp là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam dưới chân suối La La, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Sau lễ két nạp Đảng đồng chí Hoàng Văn Thượng cùng Trung đội trưởng đi trinh sát tình hình địch tại quả đồi bên cạnh con suối La la. Nơi đây Mỹ ngụy thả dù cho quân dựng nhà bạt nghỉ ngơi sau trận càn quét. Chúng dựng nhà bạt nghỉ ngay trên đỉnh đồi,  đồng chí Trung đội trưởng lên do thám trước, đồng chí Hoàng Văn Thượng đi sau, gần đến nhà bạt vẫn không thấy có tiếng người cũng như động tĩnh gì của địch. Phía trong nhà bạt im phăng phác... Sau khi xem trong nhà bạt không thấy người, đồng chí Hoàng Văn Thượng và Trung đội trưởng đoán ngay rằng quân địch dựng nhà bạt để ngụy trang, chúng sợ bị quân ta tập kích nên đã chuyển sang quả đồi khác.
 
Trên đường trở về đơn vị báo cáo chỉ huy, đồng chí Hoàng Văn Thượng đã nhặt chiếc la bàn của quân địch bị rơi ngay bên cạnh con suối La La. Từ đó la bàn được đồng chí Hoàng Văn Thượng mang theo mình. La bàn giúp đồng chí xác định hướng khi đi làm nhiệm vụ, khi hành quân chiến đấu.

Kể từ lúc đó cho dến khi đất nước được giải phóng la bàn là một trong những vật dụng hữu ích luôn ở bên đồng chí Hoàng Văn Thượng. Sau này khi làm nhiệm vụ ở nước bạn CamPuChia (năm 1977- 1978) la bàn cũng được đồng chí sử dụng. Sau khi từ chiến trường trở về la bàn là một trong những kỷ vật được đồng chí Hoàng Văn Thượng giữ lại làm kỷ niệm.

         
Về hiện vật: Võng


Võng.

Bối cảnh lịch sử liên quan đến hiện vật:

Chốt Dầu Tiếng là hậu cứ lớn của địch, để tiêu hao sinh lực địch, đánh chốt Dầu Tiếng là một trong những nhiệm vụ của đơn vị. Với tinh thẩn mưu trí, dũng cảm đồng chí Hoàng Văn Thượng được giao nhiệm vụ là tổ trưởng tổ trinh sát để chuẩn bị cho cuộc đánh chốt vào thảng 6/1971. Là hậu cứ lớn nên chốt Dầu Tiếng được phòng thủ nghiêm ngặt, bao quanh chốt là 12 lớp rào, mỗi lớp là một kiểu rào khác nhau, toàn bộ phía dưới rào được gài nhiều loại mìn.

Khoảng tháng 2 năm 1971 sau một lần đi trinh sát ban đêm, tổ trinh sát bị lộ. Khi đó đồng chí Thượng đã qua được lớp rào thứ hai, do bất cẩn mũi giày của đồng đội vướng phải mìn, mìn nổ một đồng chí đã hy sinh. Quân địch đã dùng đèn để soi giữ xác không cho quân ta mang xác đồng đội về. Khi ấy đồng chí Thượng đã vào được bên trong chốt, do tiếng mìn nổ làm quân địch thức giấc, nên chúng rầm rập đi tuần khắp nơi, đồng đội cùng đơn vị rút hết, riêng đồng chí Thượng bị kẹt ở bên trong. Đèn soi sáng khắp nơi không thể ra được, đồng chí Hoàng Văn Thượng thấy có thùng phi rỗng mở nắp bèn vào bên trong thùng phi tránh bị địch bắt gặp. Thùng phi ở ngoài trời nên quân địch ít lui đến. Cả một ngày nằm trong thùng phi. Buổi trưa thời tiết nắng chang chang, không đồ ăn, không nước uống, đồng chí Hoàng Văn Thượng ngồi trong thùng phi với tư thế cầm chắc tay súng, bản thân định rằng nếu bị địch phát hiện sẽ nổ súng và vùng chạy ra ngoài. Nhưng vì thùng phi để ở ngoài trời, ở vị trí ít quân địch qua lại nên đồng chí Thượng đã không bị lộ. Đêm tối, đồng chí Thượng tìm đường ra khỏi chốt, ra đến ngoài hàng rào gặp anh em đơn vị, ai cũng mừng vui khôn xiết vì tưởng đồng chí Thượng đã hy sinh. Sau khi tổ trinh sát bị lộ, đơn vị đã rút hết khỏi nơi đóng quân để bảo toàn lực lượng đề phòng địch đi càn. Không thấy đồng chí Thượng trở ra anh em đơn vị tưởng đồng chí đã hy sinh nên thu dọn và giữ quân tư trang của đồng chí, trong đó có cái võng. Sau khi đồng chí Thượng trở về an toàn anh em đơn vị lại giao lại cái võng cho đồng chí.

Sau trận đánh chi khu Dầu Tiếng, đồng chí Hoàng Văn Thượng cùng đơn vị trực tiếp tham gia nhiều trận đánh nữa, đặc biệt là trận đánh chiếm trung tâm ra đa Phú Lâm - là trung tâm thông tin của quân Mỹ ngụy. Thắng lợi của trận này đã góp sức vào chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh, miền Nam giải phóng, đưa hai miền Nam Bắc thống nhất. Việt Nam hoàn toàn độc lập.

Trong thời gian tham gia chiến đấu, chiếc võng luôn đồng hành trên chặng đường đường hành quân của đồng chí Thượng. Võng nâng giấc ngủ cho đồng chí mỗi khi nghỉ trưa hay khi đêm về. Võng là một trong những quân tư trang luôn ở bên đồng chí.
         
Sau này khi về công tác tại tỉnh nhà, chiếc võng được Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Văn Thượng giữ bên mình làm kỷ niệm.  
         
Những hiện vật của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Văn Thượng đều mang những dấu ấn oanh liệt về một thời khói lửa của cá nhân và của các chiến sĩ trên chiến trường. Cầm hiện vật trao cho chúng tôi những viên chức Bảo tàng tỉnh Cao Bằng, Anh hùng Hoàng Văn Thượng bồi hồi xúc động lần hồi ký ức kể những câu chuyện liên quan đến hiện vật, là vật chứng cho những năm tháng chiến đấu của bản thân bên anh em đồng đội cùng đơn vị, góp sức nhỏ bé vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hào hùng của dân tộc Việt Nam. Những hiện vật trong bộ sưu tập hiện vật của Cựu chiến binh quê hương Cao Bằng chứng minh tinh thần anh dũng quả cảm của quân và dân ta trong công cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho đất nước mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho Nhân dân.  

 

Tác giả: Lục Thị Thiện, Bảo tàng tỉnh Cao Bằng

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Video hoạt động
Screenshot 2


z5938366578357 0660a04694014cba01f06354ec63e29c


z5938342173393 e3ad0887d201d3d74066f1305a005930
Bazon SACH1
duluanxahoi
tracuu 1
bhxh2 yukp

dcs





nonnuoccb
12121hq1
Liên kết Website

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm19
  • Hôm nay2,977
  • Tháng hiện tại98,474
  • Tổng lượt truy cập4,256,468
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TUYÊN GIÁO CAO BẰNG
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Tỉnh ủy,  Km5, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3855 011  -  Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Bế Thanh Tịnh, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Ghi rõ nguồn https://tuyengiaocaobang.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.

  Chung nhan Tin Nhiem Mang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây