Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng với sứ mệnh đưa bản sắc Cao Bằng ngày càng vươn xa

Thứ năm - 10/07/2025 11:26
Cao Bằng - vùng đất thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc, nổi bật không chỉ bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ mà còn là nơi kết tinh những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc, tạo nên một bản sắc riêng biệt. Trên hành trình hội nhập và phát triển, Cao Bằng đang từng bước khẳng định vị thế của mình.
Trong đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Cao Bằng luôn là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo tồn, phát triển văn hóa, thể thao, du lịch; không ngừng nỗ lực thực hiện sứ mệnh “Đưa bản sắc Cao Bằng ngày càng vươn xa”, góp phần tạo sức bật mới và nền tảng bền vững cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
10 07 Picture1
Trưng bày các sản phẩm thủ công truyền thống làm từ giấy bản tại Hội nghị triển khai công tác phát triển du lịch và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng năm 2025.

Tiềm năng văn hóa và du lịch đa dạng

Với nhận thức sâu sắc rằng “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển”, Sở VHTTDL đã đổi mới tư duy quản lý, tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo tồn, phát huy và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Cao Bằng hiện có 271 di tích với 103 di tích đã được xếp hạng, bao gồm: 03 di tích quốc gia đặc biệt: Khu di tích Pác Bó, Rừng Trần Hưng Đạo, Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950; 26 di tích quốc gia; 74 di tích cấp tỉnh; 02 bảo vật quốc gia. Về di sản văn hóa phi vật thể, tỉnh có trên 2.000 di sản, trong đó có 07 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, “Thực hành Then của người Tày Cao Bằng” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, niềm tự hào của tỉnh và cả dân tộc Việt Nam.

Cao Bằng nổi tiếng với những thắng cảnh thiên nhiên kỳ vĩ như Thác Bản Giốc, Động Ngườm Ngao, Mắt Thần núi, Hồ Thăng Hen cùng hệ thống hang động ngầm hấp dẫn. Các khu bảo tồn sinh học quý hiếm như Khu bảo tồn loài vượn Cao Vít (Trùng Khánh) và Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén (Nguyên Bình) với đặc trưng rừng rêu và đa dạng sinh học (hơn 90 loài thực vật và 58 loài động vật quý hiếm) làm cho Cao Bằng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, khám phá và trải nghiệm.

Đặc biệt, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng UNESCO với diện tích trên 3.683km2 và gần 200 điểm di sản cùng bốn tuyến trải nghiệm, đã mở ra nhiều cơ hội mới, đóng góp tích cực và hiệu quả đột phá cho ngành du lịch địa phương. Nhờ các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo gắn với lịch sử, cách mạng, văn hóa dân tộc và môi trường tự nhiên, Cao Bằng bước đầu khẳng định được vị trí, hình ảnh, thương hiệu là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn, đặc sắc, lọt top 7 điểm đến tuyệt nhất ở Đông Nam Á năm 2025 do Tạp chí Lonely Planet bình chọn.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch

Trong những năm qua, Sở VHTTDL tỉnh đã không ngừng đổi mới tư duy, phương thức hoạt động, lấy văn hóa bản địa làm trung tâm, làm “chất liệu” cho nhiều hoạt động phát triển cộng đồng. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống được triển khai hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, dự án. Hằng năm, Sở VHTTDL phối hợp với các đơn vị, UBND các huyện, thành phố triển khai kiểm kê, mở các lớp truyền dạy, hội thảo nhằm định hướng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch.

 
10 7 Picture3
Các làn điệu Hát Then - Đàn tính được giữ gìn và Biểu diễn phục vụ
nhân dân tại phố đi bộ Kim Đồng.

Các di sản như tiếng nói, chữ viết, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc luôn được quan tâm nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy hiệu quả. Hệ thống di tích lịch sử cách mạng, văn hóa và danh lam thắng cảnh thường xuyên được tu bổ, tôn tạo. Các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật; dân ca, dân nhạc, dân vũ dân gian truyền thống được nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục và phát huy giá trị.

Cao Bằng hiện đang tập trung phát triển du lịch xanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Tỉnh xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, phát triển theo hướng bền vững dựa vào cộng đồng và bản sắc. Các điểm du lịch cộng đồng đã và đang được khai thác, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thu hút du khách tham quan, trải nghiệm như: Làng đá Khuổi Ky (huyện Trùng Khánh); Hoài Khao (huyện Nguyên Bình); Pác Rằng, Phúc Sen và Bản Giuồng, Tiên Thành (huyện Quảng Hòa); Khuổi Khon, Kim Cúc (huyện Bảo Lạc); Điểm tham quan du lịch nhà sàn 09 gian, xóm Tục Ngã (huyện Thạch An); Điểm du lịch xóm Nặm Ngùa (huyện Hà Quảng); Tỉnh cũng đầu tư bảo tồn các làng văn hóa truyền thống dân tộc Tày như Bản Giuồng, Tiên Thành (huyện Quảng Hòa).

Việc khai thác hiệu quả tài nguyên của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng để phát triển các tour tuyến sinh thái, trải nghiệm, lịch sử, khai thác hiệu quả 04 tuyến du lịch trải nghiệm, góp phần thay đổi tư duy, nhận thức về du lịch, thúc đẩy sự tham gia có trách nhiệm của các thành phần kinh tế, tạo sự chuyển đổi mạnh mẽ về chất và lượng trong hoạt động du lịch, dịch vụ.

Bên cạnh các dòng sản phẩm chủ đạo, tỉnh tập trung xây dựng và phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, phù hợp với thị trường. Các lễ hội dân gian được khôi phục và một số lễ hội mới mang tính thường niên được tổ chức định kỳ như: Lễ hội về nguồn Pác Bó (huyện Hà Quảng), Lễ hội tranh đầu pháo thị trấn Quảng Uyên, Lễ hội Nàng Hai xã Tiên Thành (huyện Quảng Hòa), Lễ hội du lịch thác Bản Giốc (huyện Trùng Khánh), tạo thành điểm nhấn thu hút khách du lịch.

Mô hình du lịch nông nghiệp cũng được quan tâm phát triển gắn với các hoạt động trải nghiệm vườn dâu tây, vườn nho, đồi chè và các loài cây, hoa bản địa. Tỉnh tích cực đầu tư, khai thác nhiều sản phẩm du lịch mới, thú vị như: chèo thuyền kayak, trekking, leo núi, khám phá hang động, bay dù lượn... Ngoài ra, không gian văn hóa, thể thao, ẩm thực tại các tuyến phố đi bộ Kim Đồng, phố đi bộ ven sông Bằng (Thành phố), chợ đêm thị trấn Bảo Lạc (huyện Bảo Lạc), chợ đêm thị trấn Thông Nông (huyện Hà Quảng) đã góp phần tạo thêm điểm nhấn đặc sắc, đáp ứng nhu cầu du lịch về đêm của du khách.

Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch đưa bản sắc Cao Bằng ngày càng vươn xa

Công tác xúc tiến quảng bá du lịch ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Cao Bằng đã đăng cai tổ chức nhiều sự kiện du lịch quy mô lớn, một số hoạt động lần đầu tiên được tổ chức đã tạo hiệu ứng và tính lan tỏa mạnh mẽ như: Ngày hội Du lịch Non nước Cao Bằng tại Hà Nội (năm 2023), Hội nghị Giới thiệu Cao Bằng điểm đến kết nối và phát triển tại Trụ sở Bộ Ngoại giao (năm 2023), Lễ hội du lịch thác Bản Giốc, Lễ hội về nguồn Pác Bó hằng năm; Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương; phối hợp với Cục Văn hóa, Truyền thông, Thể thao và Du lịch thành phố Bách Sắc, Quảng Tây (Trung Quốc) công bố tuyến du lịch thành phố Cao Bằng (Việt Nam) - thành phố Bách Sắc, Quảng Tây (Trung Quốc) và ngược lại... Đặc biệt, việc đưa vào vận hành Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) từ ngày 15/10/2024 đã mở ra bước đột phá về hợp tác du lịch xuyên biên giới.

 
10 7 Picture4
Triển lãm văn hoá, con người Cao Bằng thu hút đông đảo du khách quốc tế.

Ngoài ra, Cao Bằng tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá tại các tỉnh, thành trong nước như: Tham gia các hoạt động liên kết phát triển du lịch với 08 tỉnh khu vực Đông Bắc và thành phố Hồ Chí Minh, Ngày hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 21 năm 2025, tổng kết liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Đông Bắc giai đoạn 2024 - 2025, triển lãm “Không gian Du lịch, di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025, hoạt động “Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Qua đó, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Cao Bằng “Điểm đến của thiên nhiên, lịch sử và bản sắc”.

Công tác quảng bá du lịch được đẩy mạnh thông qua ứng dụng nền tảng công nghệ số, mạng xã hội, số hóa các ấn phẩm du lịch; hệ thống số hóa dữ liệu du lịch, thực tế ảo, du lịch trải nghiệm 3D. Hiện nay, một số đon vị kinh doanh du lịch, các khu, điểm du lịch đã thúc đẩy công tác quảng bá hình ảnh, dịch vụ, tưong tác với khách hàng thông qua các ứng dụng 4.0 ngày càng hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để du khách tiếp cận thông tin và trải nghiệm dịch vụ du lịch một cách dễ dàng, hiện đại.

Định hướng phát triển bền vững
Để thực hiện tốt sứ mệnh của mình, Sở VHTTDL luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, tinh thần đoàn kết, sáng tạo và không ngừng đổi mới phưong thức làm việc, tận tâm phụng sự, trở thành những “sứ giả văn hóa” lan tỏa hình ảnh Cao Bằng thân thiện, giàu bản sắc đến với bạn bè bốn phương.

Thời gian tới, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành, địa phương và sự đồng hành của Nhân dân, Sở VHTTDL sẽ tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong bảo tồn, phát triển văn hóa, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững, góp phần xây dựng hình ảnh một Cao Bằng giàu bản sắc, vững bước hội nhập và khát vọng vươn xa trong kỷ nguyên mới.

 

Tác giả: Long Thị Trang, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch

  Ý kiến bạn đọc

Những tin cũ hơn

Video
Screenshot 2


ScreenHunter 108 Jul 06 15 45
z5938366578357 0660a04694014cba01f06354ec63e29c


z5938342173393 e3ad0887d201d3d74066f1305a005930
Bazon SACH1
duluanxahoi
tracuu 1
bhxh2 yukp

dcs




nonnuoccb
12121hq1
Liên kết Website

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập12
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm11
  • Hôm nay3,436
  • Tháng hiện tại68,768
  • Tổng lượt truy cập5,388,428
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TUYÊN GIÁO VÀ DÂN VẬN CAO BẰNG
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Tỉnh ủy,  phường Thục Phán, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3855 011  -  Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nông Thanh Tùng, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy
Ghi rõ nguồn https://tuyengiaocaobang.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.

  Chung nhan Tin Nhiem Mang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây