Hiện nay, Trung tâm có 01 giảng viên chuyên trách, giảng viên kiêm chức là các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện uỷ và lãnh đạo các ban Đảng, lãnh đạo các phòng chuyên môn. Các giảng viên đều có trình độ lý luận, khả năng truyền đạt; soạn giáo án theo mẫu quy định. Quá trình giảng dạy có kết hợp trao đổi, thảo luận, thông tin thời sự, bổ sung những thông tin mới nhằm làm phong phú hơn cho bài giảng. Dành thời gian để tuyên truyền, giáo dục truyền thống quê hương cách mạng, các giá trị lịch sử, nghiên cứu học tập lịch sử Đảng bộ huyện giai đoạn 1930 - 2020; có sự liên hệ thực tiễn với địa phương, đơn vị công tác, từ đó tạo hứng thú cho học viên. Trong khóa học, các học viên được đi nghiên cứu thực tế nhằm nghiên cứu, tìm hiểu các di tích lịch sử, các mô hình kinh tế hay, hiệu quả tại địa phương, tỉnh bạn…, qua đó, nâng cao tầm nhìn và kinh nghiệm thực tiễn cho CBĐV.
Năm 2023, Trung tâm đã được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học: Phòng học, phòng làm việc, máy vi tính, máy chiếu, loa, đài,... có ký túc xá cho học viên ở xa nghỉ lại, khuôn viên riêng, trụ sở làm việc độc lập. Kết quả, mở được 18 lớp bồi dưỡng, lý luận chính trị nghiệp vụ cho 921 học viên, trong đó: mở 05 lớp cho đối tượng đảng và đảng viên mới; 06 lớp bồi dưỡng về lý luận chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ khối Đảng, cán bộ chính quyền, khối đoàn thể; 02 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN đối tượng 4; 01 lớp nghiệp vụ tuyên truyền miệng; 04 lớp bồi dưỡng chuyên đề chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Kết thúc khóa học, 100% học viên viết bài thu hoạch; kết quả bài thu hoạch được đánh giá, phân loại theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương. Trong thời gian học tập các học viên được bồi dưỡng kiến thức về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng. Qua đó, vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả vào công việc thực tế ở cơ sở, góp phần xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, phát triển KT-XH, củng cố QP-AN tại địa phương.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động vẫn còn một số hạn chế: Một số cơ quan, đơn vị, cơ sở và CBĐV chưa thực sự coi trọng công tác giáo dục lý luận chính trị; đội ngũ làm công tác giáo dục lý luận chính trị còn thiếu; việc tổ chức thao giảng, hội giảng, dự giờ, đóng góp ý kiến trao đổi nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy ở Trung tâm chính trị chưa thực hiện được.
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ CBĐV, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức các cấp uỷ về vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ CBĐV. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ CBĐV của các đảng bộ, các cơ quan, đơn vị.
Hai là, các cấp uỷ Đảng tiếp tục tham mưu, đề xuất với Ban Thường vụ Huyện uỷ về xây dựng các chương trình, kế hoạch của địa phương nhằm nghiên cứu tổng kết một số phong trào, mô hình điển hình tiên tiến trong các hoạt động của địa phương để đưa vào giảng dạy lý luận chính trị.
Ba là, nâng cao nhận thức học tập lý luận chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên; chủ động, tự giác, tích cực trong học tập, nghiên cứu để đạt kết quả cao trong học tập và lĩnh vực mà mình công tác.
Bốn là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng CBĐV, gắn lý thuyết với thực hành và kỹ năng xử lý những tình huống nảy sinh trong thực tiễn đối với từng chức danh, ở từng cấp, từng đơn vị, từng lĩnh vực công tác. Từng bước đa dạng hóa các hình thức, ứng dụng công nghệ 4.0 trong học tập.
Năm là, thường xuyên rà soát, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên bảo đảm yêu cầu về số lượng và chất lượng.
Nông Anh Văn
Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Thạch An