Trang Thông tin điện tử Tuyên giáo và Dân vận Cao Bằnghttps://tuyengiaocaobang.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 23/04/2025 06:26
Quảng Hòa - mảnh đất giàu truyền thống lịch sử của tỉnh Cao Bằng, nơi hội tụ nhiều dân tộc sinh sống với kho tàng văn hóa phong phú, giàu bản sắc. Những năm gần đây, huyện Quảng Hòa đã có nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực trong công tác tuyên truyền, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng, góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững.
Tiết mục văn nghệ khai mạc lớp hát then múa sluong chầu tại xã Hạnh Phúc năm 2023.
Giai đoạn 2020 - 2025, huyện Quảng Hòa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Tính đến nay, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quảng Hòa đã chủ trì phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, truyền dạy bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể được 05 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể như: hát then đàn tính, múa sluong chầu, thổi kèn múa dân tộc Mông với 85 người tham gia; 01 mô hình sinh hoạt văn hóa với 50 người tham gia; 01 câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mông tại xã Mỹ Hưng với 23 người tham gia; hướng dẫn lập hồ sơ di tích, tổ chức kiểm kê, số hóa các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện tích cực duy trì hoạt động các đội văn nghệ quần chúng, tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ dân gian như hát then, đàn tính, múa trống chiêng, diễn xướng dân gian Tày - Nùng... Ngành giáo dục đưa các tiết học ngoại khóa về văn hóa truyền thống vào trường học, phát động các cuộc thi tìm hiểu về di sản quê hương, giúp thế hệ trẻ hiểu và tự hào về bản sắc dân tộc. Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới, huyện khuyến khích cán bộ, đảng viên và Nhân dân giữ gìn bản sắc trong đời sống, trang phục truyền thống, ứng xử văn hóa nơi công cộng; giữ gìn không gian văn hóa truyền thống, bảo tồn nhà sàn cổ, phục dựng lễ hội truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Hiện nay, toàn huyện duy trì hoạt động của hơn 130 đội văn nghệ quần chúng, 65 câu lạc bộ hát then, đàn tính, sli, lượn. Các lớp truyền dạy nghệ thuật dân gian như: múa khèn, múa dân gian được tổ chức thường xuyên tại nhà văn hóa cộng đồng, trường học, góp phần gìn giữ văn hóa nuôi dưỡng tình yêu văn hóa trong mỗi người dân. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở tại các xã, thị trấn, các nền tảng số cũng được đẩy mạnh. Các phóng sự, tin bài về sinh hoạt văn hóa, lễ hội, làng nghề, giới thiệu nét đẹp văn hóa địa phương, tuyên truyền gương điển hình trong gìn giữ bản sắc được đăng tải trên các website, mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong cộng đồng.
Lễ hội Tranh đầu pháo thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (năm 2025).
Lễ hội là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng, là nơi nuôi dưỡng bản sắc văn hóa, nơi kết nối các thế hệ và tái hiện những phong tục, tập quán mang đậm dấu ấn dân tộc. Nhằm gìn giữ những giá trị ấy, huyện Quảng Hòa đã tập trung phục dựng, bảo tồn và quảng bá nhiều lễ hội đặc sắc. Tiêu biểu như: Lễ hội Tranh đầu pháo (diễn ra mùng 2 tháng 2 âm lịch) tại thị trấn Quảng Uyên, mang ý nghĩa cầu tài lộc và thể hiện tinh thần thượng võ, đoàn kết, lòng dũng cảm của người dân. Lễ hội Nàng Hai ở xã Tiên Thành - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được duy trì với đầy đủ các nghi thức truyền thống, phản ánh tín ngưỡng thờ Mẹ Trăng trong văn hóa Tày. Lễ hội Thanh Minh của người Nùng An tại Phúc Sen không chỉ là dịp tri ân tổ tiên mà còn là không gian giao lưu văn hóa qua các làn điệu sli, lượn. Đặc biệt, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông là sự kiện lớn, nơi hội tụ những nét đặc sắc như như thổi khèn, múa khèn, ném pao, đẩy gậy... Tất cả đã thu hút đông đảo người dân và du khách, góp phần khẳng định vị thế, giá trị văn hóa đặc trưng của từng dân tộc trên địa bàn.
Các đại biểu chụp ảnh cùng đội Nàng hai xã Tiên Thành năm 2025 (Lễ hội Nàng hai - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia).
Cùng với các lễ hội, huyện đã tập trung và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Huyện đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng để nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, giúp nâng tầm giá trị văn hóa làng nghề. Đây được xác định là một trong những trọng tâm của công tác bảo tồn văn hóa tại Quảng Hòa. Làng rèn Phúc Sen với lịch sử hơn 1.000 năm, được bảo tồn, duy trì nghề rèn truyền thống và đầu tư nâng cấp hạ tầng, trở thành điểm du lịch trải nghiệm độc đáo. Nhiều nghề truyền thống khác như: Nghề làm giấy bản, dệt thổ cẩm, nhuộm chàm của người Nùng An, nghề làm ngói âm dương ở Lũng Rì (xã Tự Do)… cũng đang từng bước được khôi phục và quảng bá và kết nối với sản phẩm OCOP, tạo sinh kế cho người dân.
Làm hương tại xóm Phia Tắp xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa.
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp uỷ, chính quyền và sự hưởng ứng mạnh mẽ của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, công tác tuyên truyền, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng tại Quảng Hòa đang ngày càng khởi sắc và lan tỏa mạnh mẽ. Đây chính là nền tảng tinh thần vững chắc, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc, thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa và đưa Quảng Hòa trở thành điểm sáng trong hành trình xây dựng văn hóa - du lịch tỉnh Cao Bằng giàu bản sắc, đậm đà văn hóa.
Tác giả: Nguyễn Đại Thắng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện uỷ Quảng Hoà