Tọa đàm khoa học "Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng 50 năm sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025)

Chủ nhật - 27/04/2025 01:21
Sáng ngày 26/4/2025, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ tổ chức Tọa đàm khoa học cấp tỉnh, chủ đề: "Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng 50 năm sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025): Thành tựu và định hướng phát triển". Đồng chí Bế Thanh Tịnh, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ - chủ trì Tọa đàm; đồng chí Bế Lan Phương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ - đồng chủ trì.
Tham dự Tọa đàm có: Nhà văn Cao Duy Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) các dân tộc thiểu số Việt Nam; Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Huyền, Tạp chí Lý luận, phê bình VHNT - Hội đồng Lý luận Trung ương; đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh và một số sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; đại diện Thường trực các huyện, thành uỷ; các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ có tham luận.
 
image 20250427152229 1
Quang cảnh Tọa đàm.

Tọa đàm "Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng 50 năm sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025): Thành tựu và định hướng phát triển" là một hoạt động trọng tâm, hưởng ứng các hoạt động tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam; nhằm khẳng định vị trí, vai trò, thành tựu và những đóng góp quan trọng của VHNT các dân tộc thiểu số và đội ngũ văn nghệ sĩ trong 50 năm qua, chặng đường phát triển của VHNT của tỉnh trong dòng chảy của nền VHNT Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước đến nay; đồng thời nhận diện những khó khăn, thách thức, dự báo xu hướng, đề ra nhiệm vụ, giải pháp phát triển VHNT của tỉnh trong giai đoạn mới. Thông qua Toạ đàm đã cổ vũ, động viên, phát huy tài năng, tâm huyết của đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh tiếp tục sáng tạo những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao; góp phần bồi đắp, khơi dậy mạnh mẽ tình yêu quê hương, đất nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự chuyển biến tích cực trong thi đua thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và khát vọng phát triển quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Tọa đàm là một diễn đàn để các cơ quan chỉ đạo, định hướng, quản lý nhà nước, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu văn hóa, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức trao đổi, có được nhận thức, thống nhất đánh giá một cách toàn diện, nghiêm túc, đúng thực tế, khách quan, toàn diện, sâu sắc, đưa ra được định hướng phát triển cụ thể phù hợp quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về VHNT.

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu trình bày tham luận và tiến hành thảo luận, đánh giá những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm phát triển VHNT Cao Bằng 50 năm sau ngày đất nước thống nhất. Cao Bằng không chỉ là vùng đất giàu truyền thống cách mạng hào hùng, nhiều di tích lịch sử, mà còn là nơi hội tụ và giao thoa văn hóa - nơi sinh sống của trên 20 dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Dao, Mông, Sán Chỉ, Lô Lô,... với những bản sắc văn hóa phong phú và đa dạng. Tọa đàm đã nhận được 15 bài tham luận, các ý kiến phát biểu của các đơn vị, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh; nội dung phát biểu, ý kiến trao đổi, thảo luận tại buổi Tọa đàm tập trung phân tích bối cảnh lịch sử; sự phát triển của nền VHNT Việt Nam tác động đến quá trình xây dựng và phát triển VHNT Cao Bằng 50 năm qua.

 
Nhà văn Cao Duy Sơn phát biểu tại Tọa đàm.

Thành quả của VHNT Cao Bằng đã từng bước ghi dấu ấn trên bản đồ VHNT cả nước. Các tác phẩm VHNT qua các thời kỳ không chỉ phản ánh đời sống người dân mà còn tái hiện vẻ đẹp đa dạng của mảnh đất và con người Cao Bằng; đóng góp tích cực trong việc lưu giữ, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc; góp phần hình thành các giá trị chân, thiện, mỹ của nhân dân. Đó là sự phát triển về sáng tác văn học, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, hội họa, điêu khắc, kiến trúc và nhiếp ảnh với những tác phẩm giàu tính nhân văn, đậm đà bản sắc dân tộc, mang đậm hơi thở cuộc sống, phản ánh chân thực con người và vùng đất Non nước Cao Bằng; lan tỏa tinh thần và vẻ đẹp của Cao Bằng đến với công chúng yêu VHNT trên mọi miền đất nước,... đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ của Nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh.

Hòa vào dòng chảy chung của lịch sử đất nước sau ngày giải phóng, 50 năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ Cao Bằng đã tích cực, đam mê sáng tạo, cống hiến với nhiều thành quả nổi bật: Giai đoạn 1975 – 1986: VHNT gắn liền và phục vụ nhiệm vụ chính trị; các tác giả, văn nghệ sĩ tiêu biểu: Hoàng Triều Ân, Lâm Ngọc Thụ, Y Phương (Văn học); Hoàng Ích Thu, Trọng Điển (Mỹ thuật); Đàm Thanh, Bế Kha, các nghệ sĩ Dương Liễu, Quỳnh Nha, Kim Tuế (Âm nhạc - biểu diễn); Chu Triều Đương, Nguyễn Mạnh Hùng (Nhiếp ảnh),…Một số tác phẩm, tiết mục đạt giải cao Huy chương Vàng: Tiết mục hát Then đàn Tính bài "Điểm tựa" do Mã Sĩ Hoan biểu diễn; tiết mục đơn ca cùng tốp nữ bài "Lời hát ru cô gái trẻ" và tiết mục đơn ca "Lời hát ru người trồng rừng", do ca sĩ Dương Liễu biểu diễn. Huy chương Bạc: Tiết mục Kịch múa "Kim Đồng"; tiết mục múa "Những linh hồn bất diệt", biên đạo múa: Nghệ sĩ nhân dân Lê Khình, âm nhạc: Đàm Thanh; tiết mục đơn ca và tốp nữ bài "Em đã nghe" do nghệ sĩ Xuân Ái biểu diễn.

Giai đoạn 1986 - 2000: Phong trào sáng tác VHNT phát triển mạnh mẽ, khởi sắc, gắn với công cuộc đổi mới; các tác phẩm phản ánh đời sống mới, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Một số tác giả tiêu biểu: Bàn Tài Đoàn, Hoàng Triều Ân, Lâm Ngọc Thụ, Nguyễn Đức Dụ, Bế Việt, Vũ Thiêm, Nông Đình Ngô, Ngô Lương Ngôn, Y Phương, Bế Thành Long, Vương Hùng,...; văn nghệ sĩ như: Trần Hùng, Hữu Tiến, Cao Duy Sơn, Lô Hưởng Ninh, Phan Thành, Hà Ngọc Thắng, Phan Thanh Nguyệt, Triệu Thị Mai, Trần Thị Mộng Dần (Văn học); Phan Hùng, Vũ Bình, Hoàng Phương (Mỹ thuật); Chu Đức Hòa, Hải Bằng, Văn Học (Nhiếp ảnh). Một số tác phẩm âm nhạc tiêu biểu: Anh Đàn ơi, Bằng Giang ơi, Chào Điện Biên; Trăng lên đầu núi, Bài ca những người đi chân đất, Đường về bản em, Cao Bằng muôn sắc hoa xuân, Gặp gỡ nơi đầu non, Khát cơn mưa đầu mùa, Nhìn trăng nhớ bạn, Đợi nàng.

Giai đoạn 2000 đến nay: đã xuất hiện một số văn nghệ sĩ trẻ người dân tộc thiểu số, các tác phẩm thời kỳ này đã góp phần không nhỏ làm nên diện mạo của VHNT Cao Bằng nói chung và VHNT các dân tộc thiểu số nói riêng sau thời kỳ đổi mới, tiêu biểu có các tác giả: Mông Văn Bốn, Nguyễn Văn Bình, Bế Phương Mai, Đinh Thị Mai Lan, Phạm Thanh Thắng, Nông Quốc Lập, Đàm Hải Yến (Văn học)…; Lô Quang Thưởng, Đặng Quốc Tự, Hoàng Thị Trang, Lưu Hồng Nết, Nông Văn Tuấn, Nông Huệ Hoa, Nông Văn Trường, Bàn Văn Sam (Mỹ thuật)...; Trần Trung Thành, Nguyễn Trung Nguyên, Nông Thanh Bình, Lục Thị Niên, Phạm Ngọc Khoa, Nông Văn Tuân, Hoàng Văn Tuấn (Nhiếp ảnh),…; lĩnh vực âm nhạc có: Trần Sòi, Đinh Trọng Tuấn, Bế Ngọc Dương, Bế Ngân, Vi Mộng Hoàng, Lục Quốc Trường (Sáng tác); các NSƯT: Ma Hương Lan, Trần Đức Cảnh, Lâm Minh Huệ (Múa); các nghệ sĩ Hoài Thương, Hồng Thắm, Hương Lê, Kim Oanh, Lê Thu Diễm, Đinh Toản (Biểu diễn),…

Phát biểu và kết luận tại buổi Tọa đàm đồng chí Bế Thanh Tịnh, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ nhấn mạnh: Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, là động lực phát triển và bảo vệ đất nước; phát triển văn hóa phải ngang tầm với phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục khẳng định VHNT là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại và tương lai; kết tinh những giá trị cốt lõi của quê hương cội nguồn cách mạng qua từng thế hệ; đóng góp của văn nghệ sỹ đối với nền văn học đất nước nói chung và văn học tỉnh Cao Bằng nói riêng. Đồng thời đã chỉ ra một số khó khăn, thách thức như: đối diện với thách thức về cơ chế, điều kiện sáng tác, đến việc thích nghi với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, mạng xã hội và thị hiếu công chúng ngày càng đa dạng; chưa có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật; công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá các dân tộc ở một số địa phương trên địa bàn chưa được quan tâm đúng mức; VHNT chưa thực sự gắn với du lịch, phát triển kinh tế - xã hội địa phương; các công trình văn hóa phục vụ hoạt động biểu diễn, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần của Nhân dân chưa đáp ứng yêu cầu; lực lượng làm công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình về VHNT còn thiếu, chưa theo kịp thực tiễn,… Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy đánh giá cao các ý kiến tham luận của các đại biểu dự buổi Tạo đàm; đồng thời định hướng, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền; các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ cần tập trung một số nội dung trọng tâm trong thời gian tới như sau:

 
Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ kết luận Tọa đàm.

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hoá, VHNT; tăng cường quản lý Nhà nước về VHNT; quan tâm thực hiện tốt các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng các tài năng trẻ, những nghệ sĩ có trách nhiệm với cộng đồng, các thế hệ trẻ; khát vọng cống hiến, vươn lên góp phần đưa nền văn học tỉnh Cao Bằng phát triển bền vững.

Hai là, thường xuyên mở các trại sáng tác, lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, các cuộc thi sáng tác chuyên đề chất lượng; quan tâm, dành nguồn lực đầu tư phát triển VHNT tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới.

Ba là, tăng đầu tư kinh phí và đẩy mạnh xã hội hóa tạo nguồn lực cho hoạt động VHNT; có chính sách đặc thù bồi dưỡng, thu hút nhân tài nhằm tạo ra những tác phẩm giá trị góp phần quảng bá vẻ đẹp con người, vùng đất Cao Bằng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bốn là, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động VHNT; đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh chủ động tiếp cận, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin; khai thác các nền tảng số, mạng xã hội, tăng cường giao lưu, hợp tác sâu rộng về VHNT; lan tỏa các tác phẩm VHNT chất lượng đến bạn bè trong nước và quốc tế.

 

Tác giả: Mai Thị Khuyên, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ

  Ý kiến bạn đọc

Những tin cũ hơn

Video
Screenshot 2


z5938366578357 0660a04694014cba01f06354ec63e29c


z5938342173393 e3ad0887d201d3d74066f1305a005930
Bazon SACH1
duluanxahoi
tracuu 1
bhxh2 yukp

dcs





nonnuoccb
12121hq1
Liên kết Website

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm9
  • Hôm nay5,872
  • Tháng hiện tại168,720
  • Tổng lượt truy cập4,859,501
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TUYÊN GIÁO VÀ DÂN VẬN CAO BẰNG
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Tỉnh ủy,  Km5, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3855 011  -  Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Bế Thanh Tịnh, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy
Ghi rõ nguồn https://tuyengiaocaobang.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.

  Chung nhan Tin Nhiem Mang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây