Ngày 22/4/2025, nhân dân tiến bộ, các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới kỷ niệm 155 năm Ngày sinh V.I.Lê-nin - người con ưu tú của dân tộc Nga, nhà tư tưởng vĩ đại, nhà chính trị kiệt xuất, người thầy của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới. Cũng từ dưới ánh sáng tư tưởng của Người, nhân dân Việt Nam đã được chỉ đường soi lối, từng bước đánh tan các thế lực ngoại xâm, giành được độc lập dân tộc, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH).
Lãnh tụ vĩ đại của cách mạng vô sản thế giới
V.I.Lênin, tên thật là Vladimir Ilyich Ulyanov, sinh ngày 22/4/1870 trong một gia đình trí thức tiến bộ ở thành phố Simbirsk, Nga (nay là Ulianovsk). Người mất ngày 21/01/1924, tại làng Gorki, Moskva, thi hài được đặt tại Lăng ở Quảng trường Đỏ. Lênin được Tạp chí Time (Mỹ) bình chọn là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế kỷ XX.
Lãnh tụ Vladimir Ilyich Lênin phát biểu trước người dân tại Petrograd năm 1917. (Ảnh tư liệu)
Ngay khi còn ít tuổi, qua gia đình và người thân, Lênin đã tiếp thu được những tư tưởng tiến bộ, căm ghét chế độ độc tài Nga hoàng. Năm 18 tuổi, Người nghiên cứu những tác phẩm của C.Mác, Ph.Ăngghen, G.V.Plêkhanốp và bắt đầu tham gia cách mạng, tuyên truyền tư tưởng mácxít. Năm 1891, Lênin tốt nghiệp ngành Luật, trường Đại học Pê-téc-bua và từ năm 1893, trở thành người lãnh đạo nhóm mácxít ở Xanh Pê-téc-bua. Năm 1894, Lênin vào Đảng Xã hội Dân chủ Nga. Từ đấy, Người là một trong những nhà tổ chức và lãnh đạo cách mạng Nga và đã hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng vì sự tiến bộ của nhân loại.
Thực tiễn hoạt động cách mạng của Lênin vô cùng phong phú. Người đã để lại cho nhân loại, cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức toàn thế giới một di sản đồ sộ về tư tưởng, lý luận, tinh thần và chính trị thực tiễn. Là một nhà tư tưởng, Lênin đã kế tục, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác trên cả ba bộ phận triết học, kinh tế chính trị và chủ nghĩa cộng sản khoa học, đem lại cho hệ tư tưởng vô sản sức sống trong thời đại mới.
Là nhà chính trị và lãnh tụ cách mạng, Lênin là người đầu tiên đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác vào thực tiễn nước Nga; người đầu tiên hiện thực hóa sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong thực tiễn trên một vùng rộng lớn của trái đất - nước Nga, mở ra tương lai phát triển mới cho nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức bóc lột trên toàn hành tinh. Lênin là người trực tiếp giác ngộ, tổ chức lãnh đạo giai cấp công nhân Nga trở thành giai cấp tiên phong và là giai cấp lãnh đạo quần chúng nhân dân lao động Nga; là người đã biến lý luận CNXH, chủ nghĩa cộng sản thành hiện thực sinh động; biến chủ nghĩa cộng sản từ “một bóng ma ám ảnh” thành một thực thể sống mà các thế lực tư bản, đế quốc phải đối mặt. Người đã trực tiếp lãnh đạo, tổ chức giai cấp công nhân, nhân dân lao động Nga làm nên sự kiện “rung chuyển toàn thế giới”: cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới - Cách mạng XHCN Tháng Mười năm 1917 thắng lợi. Đó là cuộc cách mạng khai phá con đường cho nhân loại đi tới tương lai, mở ra thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới. Ngay sau Cách mạng Tháng Mười, Người đã lãnh đạo nhân dân bảo vệ vững chắc chính quyền Xô-viết trước vòng vây của chủ nghĩa đế quốc; năng động, sáng tạo trong vai trò là tổng công trình sư đầu tiên của những phương hướng, kế hoạch xây dựng CNXH ở Liên bang Xôviết, trong đó đặc biệt là chính sách kinh tế mới (NEP).
Lênin là người tích cực đấu tranh cho chủ nghĩa quốc tế vô sản, thành lập Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) để lãnh đạo phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, tập hợp mọi lực lượng cách mạng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Người đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác vào giải quyết mối quan hệ giữa yếu tố dân tộc và yếu tố quốc tế trong cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, Lênin cũng rất quan tâm tới cuộc đấu tranh của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc. Người đã đem lại ánh sáng soi đường, cảm hứng mãnh liệt và sự ủng hộ quý báu cho cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức vùng lên giành độc lập, tự do và cho cả loài người tiến bộ đấu tranh chống thực dân, đế quốc, tư bản... Với khẩu hiệu nổi tiếng “Vô sản các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!” và luận điểm thiên tài: các dân tộc chậm tiến có thể tiến thẳng lên CNXH bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân các nước phương Đông đã bước sang một giai đoạn mới. Họ đã tìm thấy con đường giải phóng thật sự cho dân tộc mình. Dưới ngọn cờ của Lênin, Liên bang Xôviết và hệ thống XHCN thế giới được hình thành; chủ nghĩa phátxít bị tiêu diệt; các dân tộc bị áp bức vùng lên giành độc lập dân tộc, làm cho hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc tan rã.
Tên tuổi của Lênin đã gắn liền với những cải biến cách mạng vĩ đại nhất trong xã hội loài người từ đầu thế kỷ XX đến nay. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Lênin là người đã thực hiện và phát triển chủ nghĩa Mác. Là người cha của cách mạng vô sản và cách mạng dân tộc giải phóng. Là người thầy đã tạo ra những chiến sĩ cách mạng khắp thế giới, chẳng những bằng lý luận cách mạng khoa học nhất, mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất”.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Lênin đã nhiều lần bị bắt, bị tù đầy, bị trục xuất ra nước ngoài, bị mưu sát, nhưng Người luôn là tấm gương sáng ngời về tinh thần cách mạng kiên trung, về ý chí quyết tâm giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động, về phẩm chất đạo đức cách mạng cao cả, về lối sống giản dị, trong sáng, gần gũi nhân dân. Đúng như đồng chí cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã viết: “Lênin là tấm gương sáng chói của lòng trung thành rất mực đối với chủ nghĩa Mác, tấm gương sáng chói về tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù giai cấp, lòng yêu mến nhân dân và tin tưởng ở quần chúng, tinh thần lạc quan cách mạng, tinh thần yêu lao động, tính khiêm tốn và giản dị”.
Bằng hoạt động thực tế và các tác phẩm lý luận cách mạng của mình, V.I. Lênin đã để lại dấu ấn khó mờ phai trong tiến trình phát triển của nước Nga và thế giới. Điều đó đã tạo cho Lênin tầm cỡ một vĩ nhân chi phối được dòng chảy của thời đại theo những tiêu chí nhân văn mà Người hằng tin tưởng.
“Ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội”
Đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin, đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười; nhiều dân tộc, trong đó có dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tìm được con đường giải phóng mình khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân, đế quốc phong kiến, giành độc lập dân tộc, tổ chức xây dựng chế độ xã hội mới.
Đối với cách mạng Việt Nam, tư tưởng của Lênin đã mở ra những chân trời mới, soi đường, chỉ lối cho nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH. Trong hành trình đi tìm đường cứu nước, khi đến với tác phẩm Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin, từ trái tim mình, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã cảm nhận sâu sắc: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao? Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!” Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin vào Quốc tế thứ ba”. Từ đó, Người đi theo Lênin, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên đem chủ nghĩa Mác - Lênin về với cách mạng Việt Nam. Người khẳng định: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái ''cẩm nang'' thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản''.
95 năm qua, từ ngày ra đời, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn vận dụng một cách sáng tạo những tư tưởng của Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Đặc biệt dưới sự lãnh đạo của Đảng, qua gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử, đưa nước ta ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Từ những năm 90 của thế kỷ XX trở lại đây, chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, tư tưởng lý luận của Lênin nói riêng đã và đang bị các thế lực thù địch điên cuồng chống phá bằng nhiều thủ đoạn. Nhưng chính sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch càng chứng tỏ tinh thần khoa học, cách mạng và sức sống trường tồn của tư tưởng Lênin. Điều khẳng định của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong tác phẩm “Đường kách mệnh” nổi tiếng của mình viết từ những ngày vận động thành lập Đảng: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin” mãi mãi vẫn còn nguyên giá trị.
Lênin đã đi xa, nhưng cuộc đời hoạt động cách mạng của Người vẫn là tấm gương sáng ngời để những người cộng sản chân chính trên toàn thế giới phấn đấu học tập, noi theo; tư tưởng, lý luận của Người vẫn sống mãi cùng thời gian, là ngọn cờ cách mạng soi sáng con đường giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và sự nghiệp xây dựng CNXH của các dân tộc trên toàn thế giới. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Khi còn sống, Người là người cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội”.
Trong những năm tới, toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục phát huy cao độ tinh thần cách mạng, ra sức thi đua, hoàn thành các mục tiêu phát triển đất nước do Đại hội XIII của Đảng đề ra: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN”. Đây là con đường đi lên CNXH, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trên con đường ấy, mãi mãi tỏa sáng tư tưởng, sự nghiệp và tấm gương của Lênin vĩ đại!
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.288.
Dẫn theo: Bài phát biểu của đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tại Lễ mít tinh trọng thể kỷ niệm 140 năm Ngày sinh V.I. Lênin (22/4/1870 – 22/4/2010) tại Thành phố Hà Nội (ngày 21/4/2010).
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.562.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.563.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr. 289.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.257.
Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.111.