Năm học 2022 - 2023, ngành GD&ĐT cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra trong Chỉ thị số 1112/CT-BGDĐT ngày 19/8/2022 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Trong đó, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và Chương trình giáo dục thường xuyên mới tiếp tục triển khai có hiệu quả, chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên. Hệ thống trường, lớp học tiếp tục được quy hoạch, đầu tư, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Cả nước hiện có 37.619 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập (cấp mầm non 12.152 trường, cấp tiểu học 12.354 trường, cấp THCS 10.672 trường, cấp THPT 2.441 trường), trong đó có 2.311 trường liên cấp. Đội ngũ nhà giáo phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu.
Đến hết năm học 2022 - 2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.234.124 người (tăng 71.927 người so với năm học 2021 - 2022, trong đó, công lập chiếm 88,57%, ngoài công lập chiếm 11,43%); 100.135 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông (công lập chiếm 90,4%, ngoài công lập chiếm 9,6%). Quy mô và mạng lưới các cơ sở giáo dục thường xuyên tại các địa phương về cơ bản được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân.
Bộ GD&ĐT tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2022 - 2023, Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2022 - 2023. Học sinh Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tích cao tại các kỳ thi, hội thi khu vực và quốc tế. Theo bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới (tăng 5 bậc so với năm trước). Để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các địa phương tuyển dụng 17.208 giáo viên trong tổng số 65.980 biên chế giáo viên được Bộ Chính trị cho phép bổ sung cho cả giai đoạn 2022 - 2026. Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, hoạt động dạy và học.
Năm học 2023 - 2024, toàn ngành GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; tăng cường chuyển đổi số, cải cách hành chính và thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực GD&ĐT…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị thời gian tới, ngành GD&ĐT tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới GD&ĐT, ưu tiên xây dựng luật nhà giáo, quy hoạch mạng lưới, phương án thi tốt nghiệp THPT. Nghiên cứu hoàn thiện, phát triển Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 phù hợp với tình hình thực tiễn giai đoạn hiện nay. Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đảm bảo nghiêm túc, khách quan. Tập trung rà soát, lựa chọn phương án thi tốt nghiệp THPT phù hợp với từng giai đoạn, giảm áp lực cho học sinh, gia đình và xã hội nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách đãi ngộ với đội ngũ giáo viên, có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non. Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên sư phạm và các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên là cán bộ quản lý giáo dục phổ thông.
Đẩy mạnh tự chủ giáo dục trên tinh thần không cầu toàn, không nóng vội, phù hợp với lộ trình cụ thể, rõ ràng, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Rà soát, kiểm tra việc quy hoạch, xây dựng, đảm bảo quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học đáp ứng nhu cầu của người học gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương, xu hướng đô thị hóa và sự dịch chuyển dân số giữa các vùng, miền. Tăng cường thông tin, truyền thông về chủ trương, đường lối đổi mới chính sách giáo dục, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, phát hiện, tuyên truyền về những tấm gương dạy và học tiêu biểu, tạo sự lan tỏa, tạo động lực cho xã hội. Tiếp tục đầu tư hạ tầng cơ sở về chuyển đổi số, về điện, nhất là vùng lõm về sóng, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Các địa phương cần ưu tiên bố trí nguồn lực dành cho GD&ĐT, làm tốt công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, bổ sung nguồn lực biên chế giáo viên, đảm bảo nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp”.
Nguồn tin: baocaobang.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn