Nhận thức sâu sắc về vai trò và tầm quan trọng của công tác lịch sử Đảng trong xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ tỉnh, lịch sử Đảng bộ các địa phương, lịch sử và kỷ yếu của các ban, sở, ngành, đoàn thể và các cơ quan trên địa bàn tỉnh; đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần tích cực trong việc thay đổi về nhận thức và hành động của các cấp uỷ, CBĐV và Nhân dân trong tỉnh.
Trước yêu cầu cấp thiết cần đẩy mạnh xây dựng hệ thống tư liệu về lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống trên địa bàn tỉnh, ngày 25/6/2021, Tỉnh uỷ Cao Bằng đã ban hành Đề án số 02-ĐA/TU về “Nghiên cứu, biên soạn và xuất bản các ấn phẩm lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống ngành giai đoạn 2021 - 2025 ” (Đề án số 02-ĐA/TU). Ngay sau khi ban hành, Đề án số 02-ĐA/TU được cấp uỷ, chính quyền các cấp triển khai quyết liệt, đồng bộ trong toàn Đảng bộ tỉnh. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện được cấp uỷ các cấp tập trung thực hiện thường xuyên, liên tục, bài bản với quyết tâm chính trị cao; nhận thức về vị trí, vai trò của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử được nâng lên rõ rệt. Quá trình triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ các cấp, lịch sử truyền thống ngành đã thu hút sự tham gia đông đảo của các đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ chủ chốt, các nhân chứng lịch sử, CBĐV và Nhân dân.
Đồng chí Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh,
Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án số 02-ĐA/TU phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai thực hiện
Đề án số 02-ĐA/TU năm 2024.
Qua 3 năm thực hiện Đề án, tính đến hết tháng 9/2024, toàn tỉnh nghiên cứu, biên soạn và xuất bản được 88 cuốn sách, trong đó 02 cuốn cấp tỉnh, 02 cuốn lịch sử đảng bộ ngành, 02 cuốn lịch sử truyền thống ngành, 82 cuốn lịch sử đảng bộ cấp xã. Toàn tỉnh hiện đang tiếp tục triển khai, tổ chức nghiên cứu, biên soạn và xuất bản 88 cuốn sách lịch sử, trong đó 01 cuốn cấp tỉnh, 04 cuốn lịch sử đảng bộ cấp huyện và tương đương; 09 cuốn lịch sử truyền thống ngành và 74 cuốn lịch sử đảng bộ cấp xã, phường, thị trấn. Nhìn chung, các cuốn sách lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống sau khi xuất bản, phát hành cơ bản bảo đảm chất lượng, được đông đảo CBĐV và Nhân dân đón nhận và đánh giá cao, đóng góp quan trọng vào công tác tuyên truyền, giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng cho các thế hệ CBĐV và các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Từ đó, góp phần quan trọng làm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, truyền thống vẻ vang của quê hương; bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng trong CBĐV và quần chúng Nhân dân, tạo động lực và năng lực nội sinh góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) đã đề ra.
Các đại biểu tham quan gian trưng bày sách lịch sử Đảng bộ địa phương,
lịch sử truyền thống ngành.
Đi đôi với việc chỉ đạo nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các công trình lịch sử, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các sở, ngành, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thường xuyên quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng với nhiều hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ hướng dẫn, đôn đốc các cấp quan tâm công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ góp phần bồi đắp ý chí và tình cảm cách mạng, làm cho lịch sử Đảng và lịch sử truyền thống cách mạng thấm sâu vào tâm trí mỗi CBĐV và đông đảo quần chúng Nhân dân. Các huyện, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống được đẩy mạnh và lan toả trong toàn tỉnh, nổi bật là triển khai các đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh, ngày truyền thống của địa phương, đơn vị, nghiên cứu, học tập nội dung các bài viết của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tổ chức mít tinh kỷ niệm, nghe nói chuyện về truyền thống lịch sử nhân các ngày lễ lớn của đất nước, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và truyền thống đảng bộ địa phương, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hoàng Đình Giong - Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Tỉnh đã chỉ đạo tổ chức nhiều sự kiện lớn, nổi bật, nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ, kỷ niệm lớn gắn với tuyên truyền, quảng bá về du lịch, thu hút đầu tư, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của Cao Bằng. Các sự kiện tạo được hiệu ứng tuyên truyền, sức lan tỏa lớn trong quần chúng Nhân dân. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan báo chí Trung ương để đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cả nước và nước ngoài.ĐẢ
NG VÀO CUỘC SỐNG
Nhằm tạo sự chuyển biến căn bản, làm thay đổi tư duy, nhận thức của CBĐV và quần chúng Nhân dân; khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm của công dân trong phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Tỉnh uỷ đã ban hành Đề án số 19-ĐA/TU, ngày 13/8/2019 về “Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống trên quê hương cách mạng Cao Bằng giai đoạn 2019 - 2025”. Qua 05 năm thực hiện Đề án, công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống đã có sự đổi mới rõ nét cả về nội dung, hình thức, phương pháp và cách thức tuyên truyền. Các cơ quan tuyên truyền đã phối hợp nghiên cứu, biên soạn và xuất bản hàng chục ấn phẩm, tài liệu truyên truyền theo hướng ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu (tài liệu bỏ túi) với số lượng hàng trăm nghìn cuốn để tuyên truyền sâu rộng trong CBĐV và Nhân dân; xuất bản hàng nghìn cuốn sách ảnh về du lịch, giới thiệu về văn hóa và du lịch Cao Bằng; các tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về các di tích danh thắng nổi tiếng của địa phương. Các cuốn sách lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống, các bộ phim tài liệu, cuốn tài liệu ngắn gọn được phát hành rộng rãi đến đông đảo CBĐV và quần chúng Nhân dân trên địa bàn trở thành những tư liệu quan trọng phục vụ đắc lực cho công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống ở cơ sở.
Nổi bật là: Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã phối hợp với các cơ quan tổ chức biên soạn và phát hành các ấn phẩm tuyên truyền về 03 di tích quốc gia đặc biệt[1] và danh thắng nổi tiếng của tỉnh (Thác Bản Giốc - Động Ngườm Ngao); biên soạn và xuất bản các cuốn sách: “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cao Bằng (1930 - 2020)”; “Cao Bằng - 520 năm những chặng đường lịch sử vẻ vang (1499 - 2019)”; “Đảng bộ tỉnh Cao Bằng - 90 năm xây dựng và phát triển (1930 - 2020)”; “Địa lí - Lịch sử Cao Bằng (dùng cho trường phổ thông)”, “Đất và người Cao Bằng”; “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng”. Phối hợp với các Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương hoàn thành các phim tài liệu như: “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hoàng Đình Giong”, “Cao Bằng - Tiềm năng và phát triển”; “Cao Bằng - nơi cội nguồn cách mạng”; “Cao Bằng khát vọng vươn xa”; “Cao Bằng ghi nhớ lời Bác Thực hiện việc in sao các bộ phim thành đĩa DVD để phục vụ cho công tác tuyên truyền ở cơ sở; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Báo Nhân dân, Truyền hình Quân đội nhân dân... xây dựng các chương trình, chuyên mục tuyên truyền về truyền thống lịch sử, các di tích, danh thắng, thành tựu và tiềm năng phát triển KT-XH của tỉnh phát sóng truyền hình, phát thanh Trung ương... Các cơ quan Báo, Đài của tỉnh đã duy trì tốt hoạt động của các chuyên mục như: Báo Cao Bằng với chuyên mục “Đất và người Cao Bằng” trên báo in thường kỳ và báo điện tử; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh với chuyên mục “Cao Bằng - Miền non nước ngàn năm”; xây dựng các phim tài liệu lịch sử, phóng sự tài liệu, clip ngắn để tuyên truyền, giáo dục truyền thống... tạo sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Đặc biệt, tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện các hoạt động tuyên truyền trên internet, website, mạng xã hội, trang thông tin điện tử, báo điện tử; qua hệ thống thông tin cơ sở... 100% cơ quan, đơn vị có ấn phẩm, trang tin điện tử, tài khoản mạng xã hội đều có kế hoạch đăng tin, bài tuyên truyền giáo dục lịch sử truyền thống.
Các địa phương, đơn vị trong tỉnh không ngừng đổi mới và đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống như: Tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trực quan (panô, áp phích, các khẩu hiệu tuyên truyền.), triển lãm ảnh; hoạt động ngoại khóa trong các nhà trường; chỉ đạo đưa nội dung tuyên truyền vào sinh hoạt của các chi, đảng bộ với nhiều hình thức: Lồng ghép nội dung sinh hoạt định kỳ (phổ biến, quán triệt các chỉ thị, hướng dẫn...); sinh hoạt theo chuyên đề tuyên truyền các sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh; thông qua các hình thức như: mít tinh, tọa đàm, ôn lại truyền thống, giao lưu biểu diễn văn nghệ, thể thao, sân khấu hóa, cuộc thi tìm hiểu, hoạt động ngoại khóa trong các nhà trường, tổ chức đoàn thanh niên; các hoạt động tham quan, về nguồn; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chi đoàn, chi hội, khu dân cư...
Trường Chính trị Hoàng Đình Giong, Trường Cao đẳng Sư phạm, trung cấp chuyên nghiệp trong tỉnh tiếp tục chú trọng công tác biên soạn tài liệu, giáo trình, đưa nội dung lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng địa phương vào giảng dạy. Các nội dung lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương được lồng ghép vào chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị cho các học viên tại các trung tâm chính trị cấp huyện; các trường phổ thông thực hiện giảng dạy môn Lịch sử bảo đảm đúng quy định và phù hợp với đặc trưng của địa phương. Đồng thời, công tác giáo dục lịch sử đảng bộ, lịch sử địa phương được thực hiện với nhiều hình thức phong phú nhằm giúp học sinh, sinh viên hiểu thêm về lịch sử địa phương, tạo niềm hứng thú, yêu thích môn học.
Hiện nay, tỉnh đang tích cực chỉ đạo số hoá trong các hoạt động của công tác tuyên giáo, trong đó tập trung tăng cường đổi mới hình thức, phương pháp, cách thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thiết kế các ấn phẩm, infographic để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về các địa danh, nhân vật, sự kiện lịch sử, di tích lịch sử cách mạng; nghiên cứu, tổ chức các cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu về truyền thống lịch sử của địa phương; đăng tải các cuốn sách lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống ngành, sách nghiên cứu, chuyên đề lịch sử Đảng lên Trang thông tin điện tử “Tuyên giáo Cao Bằng”, trang Fanpage “Cao Bằng hôm nay”... tạo điều kiện cho CBĐV và Nhân dân được tiếp cận nhanh nhất, thuận tiện nhất, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống trong thời đại số hoá.
Có thể khẳng định rằng, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, là động lực to lớn, nguồn lực nội sinh, thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, phát triển KT-XH, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở địa phương. Những nỗ lực và kết quả của Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đạt được trong công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử của tỉnh trong những năm gần đây chính là minh chứng sinh động, thể hiện rõ nét truyền thống “Uống nước nhớ nguồn ”, góp phần xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch vững mạnh từ tư tưởng đến hành động thực tiễn.
[1] Bao gồm: (1) Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó (huyện Hà Quảng); (2) Di tích Quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình); (3) Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950, huyện Thạch An.