Chiều 27/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình tổ chức Tết Nguyên đán năm 2023 và các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết, thúc đẩy công việc ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới.
Để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các cấp, các ngành, các địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 19 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 22 của Thủ tướng Chính phủ.
Các bộ, cơ quan, địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai các mặt công tác, tổ chức ứng trực thường xuyên để tổ chức Tết Nguyên đán vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm với tinh thần "không để ai không có Tết".
Chính sách xã hội được thực hiện "đúng, đủ, kịp thời", công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân được quan tâm; đã triển khai kịp thời các chính sách đối với gia đình chính sách, người nghèo, người yếu thế, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Đến ngày mùng 5 Tết, ước tính 63 địa phương đã dành khoảng 9.500 tỷ đồng hỗ trợ trên 25 triệu lượt người.
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 6 quyết định hỗ trợ trên 18.000 tấn gạo cứu đói cho gần 200.000 hộ với trên 1,2 triệu nhân khẩu tại 17 tỉnh dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và giáp hạt năm 2023. Đã có 6,5 triệu lượt đoàn viên, người lao động được thụ hưởng các hoạt động chăm lo của tổ chức công đoàn với tổng nguồn kinh phí trên 4.581 tỷ đồng…
Tiền lương bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp năm 2022 là 8,25 triệu đồng/tháng, tăng 6% so với năm 2021. Ngoài tiền lương, tiền thưởng dịp Tết, tùy theo điều kiện, các doanh nghiệp còn có các hình thức khác hỗ trợ, chăm lo cho người lao động.
Hàng hóa dịp Tết phong phú, chất lượng bảo đảm, giá cả ổn định, bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu. Nhờ kinh nghiệm điều hành từ các năm trước, giao thông vận tải, trong đó có 2 sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất cơ bản thông suốt, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và lưu thông hàng hóa. Nông nghiệp được mùa, được giá, nông dân phấn khởi.
So với cùng kỳ Tết Nguyên đán 2022, tai nạn giao thông dù tăng 8 người bị thương, nhưng giảm 12 vụ (-7,3%), giảm 3 người chết (-3,3%)....Thực hiện nghiêm các quy định về văn hóa công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hoạt động thông tin, tuyên truyền, văn hóa, thể thao, du lịch được tổ chức đa dạng, phong phú, sôi động, đậm nét truyền thống.
Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai ngay các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết.
Nhiều cơ quan, địa phương chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phong trào "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Quý Mão 2023 bảo đảm thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức, gắn với việc tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng năm 2023...
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, nhìn chung, việc tổ chức chuẩn bị, đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đạt các mục tiêu đề ra theo chỉ đạo của Ban Bí thư và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm Tết sum vầy, vui tươi, lành mạnh, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm, mọi người, mọi nhà đều có Tết, tạo năng lượng mới, khí thế mới cho cả dân tộc bước vào năm mới.
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương các cơ quan, địa phương, các lực lượng chức năng đã tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trong dịp Tết…
Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, đơn vị ngay sau kỳ nghỉ Tết phải khẩn trương, tập trung vào công việc, không để chậm trễ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, các hoạt động kinh tế-xã hội, nhất là những công việc tồn đọng do nghỉ Tết.
Thủ tướng sẽ ban hành Chỉ thị về những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão. Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ như thúc đẩy giải ngân đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu rà soát lại nguồn tăng thu để tập trung cho tăng lương, dự trữ quốc gia, an ninh quốc phòng, hạ tầng giao thông, hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa…
Đồng thời, tăng cường rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, quy định để khơi thông các nguồn lực. Trong đó, khẩn trương trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu theo tinh thần giảm khâu trung gian, giảm thủ tục hành chính.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn