Bảo Lạc vững tin vào xuân mới

Thứ ba - 24/01/2023 19:28
Bên dòng sông Gâm, sông Neo thơ mộng cùng không gian đa sắc màu văn hóa làm đắm say lòng người, mảnh đất Bảo Lạc dường như được khoác lên chiếc áo mới rạng rỡ, căng đầy nhựa sống. Một mùa xuân ấm no hơn, tươi đẹp hơn đang hiện hữu ở nơi vốn được xem là vùng biên gian khó bậc nhất của Tổ quốc.
Bảo Lạc chứa đựng kho tàng văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô…
Bảo Lạc chứa đựng kho tàng văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô…

TẠO CHUYỂN BIẾN TRONG KINH TẾ - XÃ HỘI

Năm 2022, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, chung sức xây dựng quê hương Bảo Lạc ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với tên gọi "Điểm sáng miền Tây". Kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, đa số các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch (KH). Kết quả này khẳng định sự phát triển, tạo động lực quan trọng để Bảo Lạc vững tin bước vào xuân mới với những thắng lợi mới.

Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các loại cây có giá trị kinh tế cao, các mô hình cây đặc sản địa phương được nhân dân quan tâm phát triển. Tổng sản lượng lương thực cả năm đạt 26.217,75/25.700 tấn, đạt 102,01% KH. Huyện tập trung triển khai nội dung đột phá phát triển nông nghiệp an toàn và phát triển cây đặc sản theo hướng hữu cơ, đến nay đã được một số kết quả đáng kể, góp phần trở thành vùng nguyên liệu của tỉnh cung cấp cho các địa phương trong và ngoài nước. Diện tích cây thế mạnh được nhân rộng trên địa bàn, trong đó, cây mận máu ước thực hiện năm 2022 đạt 25/20 ha, đạt 125% KH; nếp Hương 26/20 ha, đạt 130% KH; dâu tằm 38,35/20 ha, đạt 191,7% KH; hồi 310/80 ha, đạt 387,7% KH; cây dược liệu 24,5/20 ha, đạt 122,25% KH.

Huyện tận dụng tốt các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước như các nguồn vốn tỉnh, huyện, vốn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình hạ tầng. Kết quả giải ngân vốn đầu tư đến ngày 23/12/2022 được 58.725/227.688 triệu đồng, đạt 26% KH, dến 31/12/2022 ước đạt trên 35%; trong đó giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia đạt 28%; tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2022 đạt 23,844 tỷ đồng, bằng 110% chỉ tiêu tỉnh giao. Văn hóa - xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ có chuyển biến tích cực, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện, các chính sách an sinh xã hội đảm bảo; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc không ngừng được cải thiện. Tổng số hộ nghèo 5.372 hộ/11.248 hộ, chiếm 47,76%; hộ cận nghèo 1.337 hộ, chiếm 11,89%; tỷ lệ giảm nghèo năm 2022 ước đạt 5,7/4,2%, đạt 137,1% KH. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức có chuyển biến khá; vai trò của MTTQ, các đoàn thể trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy. Công tác đối ngoại đạt kết quả tích cực, tạo môi trường thuận lợi để huyện tiếp tục phát triển.

Đến Bảo Lạc hôm nay, khắp các xóm, bản, thị trấn, đâu đâu cũng bắt gặp một diện mạo mới. Hệ thống đường nông thôn ngày càng hoàn thiện khang trang, sạch đẹp; nhiều ngôi nhà mới mọc lên thấp thoáng giữa núi rừng; những bãi dâu, ruộng lúa nếp Hương trù phú, rừng trúc sào thẳng tắp; đồng bào dân tộc xúng xính váy áo, phấn khởi xuống chợ phiên giao lưu, gặp gỡ… Tất cả đang tạo nên một bức tranh sinh động, tươi vui về đời sống ấm no, hạnh phúc của người dân nơi đây.

"MIỀN ĐẤT HỨA" PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ, DU LỊCH

Bảo Lạc được biết đến là vùng đất được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ và thơ mộng. Vẻ đẹp huyền bí, mê hoặc của miền đất, văn hóa, con người nơi đây luôn khơi dậy trong lòng những lữ khách phương xa sự khát khao khám phá, mong muốn được chinh phục và trải nghiệm.

Thế sông đắc địa, thế núi trập trùng, cảnh sắc thiên nhiên sơn thủy, hữu tình với những danh thắng đẹp như: núi Phja Dạ (xã Sơn Lập) cao 1.987 m so với mặt nước biển - được coi là "nóc nhà" của Cao Bằng; đèo Khau Cốc Chà 15 tầng quanh co, hiểm trở; hồ Thôm Lốm (xã Xuân Trường); hồ thủy điện xã Bảo Toàn; Khe Hổ Nhảy (xã Cô Ba) với phong cảnh sông núi kỳ vĩ. Cùng với đó là mạng lưới hang động lớn, nhỏ trong lòng các dãy núi Lũng Nà (xã Thượng Hà), Lũng Rì (xã Khánh Xuân)… Dòng sông Gâm bắt nguồn từ vùng núi cao gần 2.000 m thuộc địa phận Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) mang màu xanh ngọc bích chảy qua địa bàn huyện, tựa như nét chấm phá mềm mại giữa miền núi non trùng điệp.

Trên địa bàn huyện có những di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Bên cạnh đó, nhờ vị trí tiếp giáp với các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh, Bảo Lạc có thể kết nối tour, tuyến du lịch tới các điểm đến như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng), Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, Khu du lịch sinh thái Kolia (Nguyên Bình), hồ Ba Bể (Bắc Kạn)… Đó là những điều kiện thuận lợi cho việc khai thác và phát triển thương mại, dịch vụ gắn với các loại hình du lịch đặc thù.

Với 7 dân tộc chính gồm Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô, Kinh cùng chung sống, Bảo Lạc có một kho tàng văn hóa đa dạng, phong phú, mang đậm bản sắc với 101 di sản vẫn được lưu giữ. Những nếp nhà sàn truyền thống, chợ phiên, ẩm thực dân tộc, các điệu múa dân gian, lễ hội… đều là trải nghiệm thú vị, độc đáo về văn hóa dân tộc, tạo ấn tượng riêng biệt đối với du khách.

Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Từ những tiềm năng, thế mạnh, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định du lịch là một trong 3 nội dung đột phá chiến lược của tỉnh và các văn bản phát triển du lịch của tỉnh, huyện xây dựng Đề án "Phát triển dịch vụ - du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Bảo Lạc" giai đoạn 2021 - 2025.

Huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về du lịch, tổ chức tìm kiếm các sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Đầu tư phát triển các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch mạo hiểm; xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, khu vui chơi, giải trí. Tập trung chỉ đạo ngành văn hóa và các xã duy trì tổ chức các ngày hội, trò chơi dân gian, các nghề thủ công truyền thống, những làn điệu dân ca của địa phương. Đồng thời, gìn giữ và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; giới thiệu các sản vật, đặc sản, vật dụng truyền thống, trang phục đặc trưng mỗi dân tộc… Hiện nay, trên địa bàn huyện có các lễ hội truyền thống tiêu biểu như: Lễ hội Lồng tồng tổ chức vào ngày 9 tháng Giêng hằng năm; Chợ tình Phong lưu ("Háng toán" hay còn gọi là "Háng Phúng Lìu") ngày 15/8 âm lịch; Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông, Ngày hội Văn hóa dân tộc Lô Lô…

Điểm nhấn trong kế hoạch phát triển du lịch của huyện là duy trì tổ chức Chợ đêm thị trấn Bảo Lạc vào tối thứ Bảy hằng tuần, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Đây không chỉ là nơi quảng bá văn hóa, sản phẩm nông nghiệp, thưởng thức ẩm thực địa phương mà còn là không gian biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn nghệ quần chúng với các làn điệu dân ca, trình diễn trang phục, nhạc cụ truyền thống. Qua đó, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó, hòa hợp giữa cộng đồng dân tộc đa sắc màu văn hóa với bạn bè bốn phương.

Huyện hiện có 20 cơ sở lưu trú (6 khách sạn, 3 homestay, 11 nhà nghỉ), 13 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke và hệ thống nhà hàng, cửa hàng giải khát, cơ sở phục vụ ăn uống với các món ăn đặc sản địa phương đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khách du lịch. Hằng năm, doanh thu du lịch chủ yếu từ dịch vụ lưu trú và dịch vụ ăn uống trung bình khoảng 4 tỷ đồng.

Năm 2022, huyện tổ chức Lễ đón bằng công nhận xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh Dinh thự dòng họ Nông (thị trấn Bảo Lạc); Lễ công bố giải thưởng Cuộc thi sáng tác ảnh nghệ thuật "Bảo Lạc - Đất nước - Con người" năm 2021; Tuần lễ Văn hóa du lịch và Chợ tình Phong lưu năm 2022; khảo sát tuyến du lịch trải nghiệm số 5 kết nối Công viên địa chất Non nước Cao Bằng và Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn Hà Giang. Tổng số lượt khách đến và lưu trú đạt 8.000 lượt người.

Huyện tập trung khai thác thế mạnh văn hóa để phát triển du lịch bền vững; ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng; tăng cường liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp, xây dựng các tour du lịch có sức thu hút; góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.

 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Video hoạt động



Bazon SACH1
duluanxahoi
tracuu 1
bhxh2 yukp

dcs





nonnuoccb
12121hq1
Liên kết Website

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập28
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm21
  • Hôm nay5,916
  • Tháng hiện tại14,655
  • Tổng lượt truy cập3,103,181
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TUYÊN GIÁO CAO BẰNG
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Tỉnh ủy,  Km5, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3855 011  -  Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Bế Thanh Tịnh, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Ghi rõ nguồn https://tuyengiaocaobang.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.

  Chung nhan Tin Nhiem Mang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây