Phóng viên: Năm 2022, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, cùng với nhiều thách thức đan xen, vượt qua khó khăn đó, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên các lĩnh vực KT - XH. Đồng chí cho biết về các kết quả nổi bật thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm lớn của tỉnh?
Đồng chí Hoàng Xuân Ánh: Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; kế hoạch (KH) phát triển KT - XH 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Chúng ta thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh kinh tế thế giới sau đại dịch phục hồi chậm lại và thiếu bền vững.
Ở trong nước và tỉnh ta, ngay trong những tháng đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; thời tiết diễn biến không thuận lợi, thiên tai, bão lũ gây thiệt hại về người và của; giá cả nhiều loại hàng hóa tăng cao, khan hiếm, đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.
Bên cạnh đó, Trung Quốc tiếp tục kiên trì chính sách "Zero Covid" khiến hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn giảm mạnh. Những khó khăn, thách thức đan xen đã tác động không nhỏ đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương và đời sống nhân dân. Song, UBND tỉnh tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, toàn diện các lĩnh vực KT - XH, qua đó đạt được những kết quả quan trọng, có nhiều bứt phá mới. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 5,04%, tăng 1,23 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 23,3%, vượt 12,3 điểm phần trăm so với kế hoạch; cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; toàn tỉnh duy trì 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đạt bình quân 11,63 tiêu chí nông thôn mới/xã, tăng 0,56 tiêu chí/xã so với năm 2021. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ước đạt 5.620 tỷ đồng, đạt 100% KH, tăng 6% so với năm 2021; thu ngân sách Nhà nước ước đạt 4.175 tỷ đồng (là mức thu cao nhất từ trước đến nay của tỉnh), bằng 206,9% KH, tăng 114% so với năm 2021; chi ngân sách 12.158 tỷ đồng, đạt 111% dự toán HĐND giao, tăng 29% so với năm 2021; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn ước đạt 820 triệu USD, đạt 130% KH, tăng 36,7% so với năm 2021. Ước giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/1/2023 được 3.962,4 tỷ đồng, đạt 89,3% kế hoạch HĐND tỉnh giao; tổng nguồn vốn quản lý, huy động trên địa bàn tỉnh đạt 26.300 tỷ đồng, tăng 4,7%. Ước thành lập mới 168 doanh nghiệp, 32 hợp tác xã.
Tỉnh quyết liệt triển khai các chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đảm bảo đúng đối tượng và đạt hiệu quả, hỗ trợ người dân, người lao động trên địa bàn gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gần 61 tỷ đồng, giảm 146,6 tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và cho vay mới với lãi suất ưu đãi 1.501 tỷ đồng theo chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Toàn tỉnh có thêm 9 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 150% KH; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,13%, đạt 103,25% KH; 95,5% dân số tham gia bảo hiểm y tế, bằng 100,1% KH; 83,9% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, bằng 114% KH. Công tác phòng, chống dịch, tiêm vắc xin tiếp tục được chú trọng, bám chắc quan điểm "thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch Covid-19", dịch bệnh được kiểm soát ổn định. Tình hình quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia được giữ vững; các hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh kiểm tra Dự án kè chống sạt lở, ổn định dân cư bờ trái sông Bằng (Thành phố). |
Phóng viên: Để có được kết quả trên là sự nỗ lực của toàn tỉnh, theo đồng chí, tỉnh đã tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nào để hoàn thành các mục tiêu phát triển KT - XH, quốc phòng - an ninh năm 2022 đề ra?
Đồng chí Hoàng Xuân Ánh: Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, UBND tỉnh ban hành KH thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện KH phát triển KT - XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 với phương châm hành động "Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, chủ động thích ứng, an toàn, hiệu quả, đẩy mạnh phát triển" và chỉ đạo các cấp, ngành xây dựng KH triển khai thực hiện của đơn vị mình; giao chỉ tiêu KT - XH, chỉ tiêu KH đầu tư công, dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương đến các cấp, ngành; chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP.
Trên cơ sở việc đánh giá, rút kinh nghiệm việc chỉ đạo, điều hành phát triển KT - XH năm 2021, UBND tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và triệt để khai thác, phát huy các yếu tố thuận lợi phục vụ phát triển KT - XH, nhất là phát huy truyền thống đoàn kết của quê hương cách mạng, huy động sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong việc thực hiện các nhiệm vụ, định hướng phát triển KT - XH năm 2022 và những năm tiếp theo của tỉnh.
Vận dụng các bài học kinh nghiệm thành công của các địa phương khác và của tỉnh trong những năm qua về điều hành phát triển KT - XH vượt qua khó khăn, phát triển nhanh và bền vững. Tiếp thu, thực hiện trách nhiệm các giải pháp phục hồi và phát triển KT - XH do Trung ương dày công nghiên cứu, ban hành và chỉ đạo thực hiện.
Tích cực biến nguy cơ thành thời cơ. Trong bối cảnh toàn dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch Covid-19 đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan nhà nước và đời sống nhân dân, từ tăng cường họp trực tuyến, học trực tuyến, phát triển dịch vụ thương mại online, thanh toán điện tử ko dùng tiền mặt... Từng bước hình thành thói quen ứng dụng công nghệ thông tin trong đại bộ phận nhân dân. Chủ động lên KH, phương án sử dụng vắc xin phòng Covid-19 do Trung ương phân bổ hiệu quả để tạo "lá chắn an toàn" phòng, chống dịch, tập trung phục hồi và đẩy mạnh phát triển KT - XH.
UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT - XH theo KH đã đề ra và chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, kịp thời triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh, kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI; duy trì sản xuất và ổn định việc làm cho người lao động; tăng cường công tác đối ngoại để tranh thủ các nguồn lực cho phát triển; đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội; thực hiện quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong đầu tư phát triển. Do vậy, quá trình phát triển KT - XH của tỉnh đã đạt các kết quả khá toàn diện, trong đó nhiều mục tiêu, nhiệm vụ hoàn thành vượt mức KH.
Thông qua việc chủ động, quyết liệt chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc khắc phục khó khăn, vướng mắc, triệt để tận dụng và phát huy các yếu tố tích cực một cách hiệu quả, tình hình KT - XH năm 2022 của tỉnh được duy trì ổn định, tăng trưởng và đạt kết quả khá toàn diện, tạo nền tảng cho việc thực hiện KH phát triển KT - XH năm 2023.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh tặng quà gia đình tiêu biểu dân tộc Lô Lô xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc). |
Phóng viên: Năm 2023 được dự báo sẽ diễn ra trong bối cảnh có những thời cơ và thách thức mới. Vậy tỉnh có những chương trình, kế hoạch hành động gì để bứt phá đi lên, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT - XH, thưa đồng chí?
Đồng chí Hoàng Xuân Ánh: Năm 2023, tỉnh xác định tiếp tục phát huy tính chủ động, quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT -XH đề ra; triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, quyết định, chương trình, KH của Trung ương và của tỉnh. Trong đó, thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Tập trung thực hiện tốt 17 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phát triển KT - XH, trong đó, khôi phục và thúc đẩy phát triển trên mọi lĩnh vực kinh tế, ổn định và phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp và tăng năng suất, nâng cao giá trị sản phẩm; quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ; tăng cường quản lý quy hoạch, KH, giao thông, phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh và khắc phục những điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng, sự thiếu đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương; thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ phát triển KT - XH của tỉnh.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh và kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách Nhà nước đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Giải quyết các vấn đề về kết nối giao thông với vùng với các trung tâm kinh tế của đất nước; đầu tư tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, giải ngân tốt nguồn lực đầu tư công; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đơn giản các thủ tục hành chính, đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư ngoài ngân sách; tiếp tục có giải pháp thiết thực tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh nhằm thu hút vốn đầu tư phục vụ phát triển KT - XH của tỉnh; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp kết nối cung cầu lao động, sản phẩm hàng hóa...
Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, các giải pháp đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn; rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, việc làm và dạy nghề, trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách phù hợp với các đối tượng chính sách, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" để phát triển KT - XH, ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, ban hành, thực hiện văn bản quy phạm pháp luật và các dịch vụ công trong lĩnh vực hành chính; bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, tăng cường đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường thuận lợi phát triển KT - XH.
Phóng viên: Nhân dịp Tết cổ truyền Quý Mão 2023, đồng chí có thông điệp gì gửi đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc trong tỉnh?
Đồng chí Hoàng Xuân Ánh: Tỉnh ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Để nắm bắt được cơ hội, tạo động lực phát triển mới cần sự đồng lòng, nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt là sự đồng thuận của người dân để tạo ra sức mạnh mới đưa Cao Bằng vững bước đi lên trong những năm tiếp theo. Tôi mong muốn mỗi cán bộ, chiến sĩ, mỗi doanh nhân và người dân trong tỉnh luôn phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu góp công, góp sức xây dựng quê hương Cao Bằng phát triển nhanh, toàn diện, bền vững.
Nhân dịp năm mới 2023 và chuẩn bị đón Xuân Quý Mão, thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi trân trọng gửi tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh lời chúc mừng năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, an khang và thịnh vượng!
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Nguồn tin: Báo Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn