Cao Bằng - Nơi ra đời đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam

Thứ ba - 10/12/2024 23:23
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập gồm 34 chiến sĩ, biên chế thành 3 tiểu đội, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là đội quân chủ lực đầu tiên, “Đội quân đàn anh ” của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Đoàn đại biểu Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng dâng hoa, dâng hương tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo (Chiều ngày 12/02/2023; nguồn ảnh: baoquankhu1.vn).
Đoàn đại biểu Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng dâng hoa, dâng hương tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo (Chiều ngày 12/02/2023; nguồn ảnh: baoquankhu1.vn).
Sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là một mốc son lịch sử, đáp ứng yêu cầu của cách mạng và nguyện vọng của toàn dân tộc; là một trong những sự kiện nổi bật trong lịch sử của dân tộc Việt N am thế kỉ XX. Với tầm nhìn chiến lược, nhãn quan chính trị sâu sắc và nhạy bén, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã lựa chọn Cao Bằng là nơi thành lập Đội quân chủ lực đầu tiên. Quê hương Cao Bằng vinh dự và tự hào trở thành sự lựa chọn của lịch sử, trở thành điểm xuất phát để Trung ương Đảng và Lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định xây dựng căn cứ địa, thành lập Đội quân chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng, để từ đó lan toả ra cả nước, làm nên thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam.

Là tỉnh miền núi biên giới, nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam, Cao Bằng từ ngàn xưa đã được biết đến là một vùng đất cổ, có lịch sử lâu đời, là “phên dậu ” vững chắc của Tổ quốc, có vị trí, tầm quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng đối với cả nước. Năm 1886, thực dân Pháp đánh chiếm Cao Bằng, nhưng phải mất 10 năm sau chúng mới thiết lập được bộ máy cai trị ở đây. Để giành lại quyền độc lập, tự do, đồng bào các dân tộc Cao Bằng đã liên tục đứng lên đấu tranh, nhưng chưa giành được thắng lợi, bởi chưa có một chính đảng có đường lối đúng đắn lãnh đạo, đặc biệt là chưa có lực lượng vũ trang đủ sức mạnh để đối phó với kẻ thù.

Với lòng yêu nước thiết tha, thấu hiểu nỗi đọa đày đau khổ của Nhân dân ta dưới ách nô dịch của thực dân Pháp, từ rất sớm, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác-Lê nin và khẳng định: “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”
[1] Trong tác phẩm “Đường kách mệnh ” viết năm 1927, Người xác định: “Cách mệnh là sự nghiệp của quân chúng”, trong đó “công nông là gốc cách mệnh ”. Để thực hiện mục tiêu đánh đổ cả hai kẻ thù của cách mạng Việt Nam là thực dân Pháp và phong kiến, ngay trong văn kiện đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam từ những ngày đầu mới thành lập, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam nói chung cũng như “Quân đội công nông ” (sẽ được tổ chức) nói riêng là làm “cách mạng tư sản dân quyền” do giai cấp công nhân lãnh đạo, tức là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đánh đổ đế quốc Pháp và phong kiến, giành độc lập dân tộc, dân chủ cho Nhân dân và tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Như vậy, Đảng ta và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã xác định mục tiêu phấn đấu của lực lượng vũ trang ngay từ đầu là đánh đổ ách thống trị của đế quốc và phong kiến, mang lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc và cuộc sống tự do, hạnh phúc cho Nhân dân.

Chỉ hai tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (ngày 03/02/1930), ngày 01/4/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Băng đã được thành lập tại Nặm Lìn, xã Hoàng Tung, châu Hòa An (nay là xã Hoàng Tung, huyện Hoà An). Những người cộng sản Cao Bằng đã nhận thức sâu sắc và triệt để thực hiện quan điểm của Đảng về vai trò to lớn của lực lượng vũ trang và đấu tranh vũ trang, đó là phải “tổ chức ra quân đội công nông”. Tháng 3/1931, Chi bộ Nặm Lìn đã lựa chọn những cán bộ, đảng viên ưu tú ra nước ngoài học tập quân sự như: Cử 04 đồng chí (Hoàng Hồng Việt, Hoàng Đình Hùng, Nguyễn Nam Hùng và Đàm Thế Vinh) đi học sửa chữa và chê tạo vũ khí tại Trung Quốc, sau đó thành lập binh công xưởng tại vùng núi Lam Sơn (Hông Việt, Hoà An) để sửa chữa, chế tạo vũ khí trang bị cho cán bộ, hội viên hoạt động bí mật, vừa để tự vệ, vừa để tiêu diệt những tên tay sai gian ác và bọn mật thám chỉ điểm… lùng bắt cán bộ cách mạng. Từ đó, phong trào cách mạng Cao Bằng ngày càng phát triển mạnh. Do thực dân Pháp tăng cường khủng bố, đàn áp và truy lùng bắt giam nhiều cán bộ cách mạng, cuối năm 1940, Đảng bộ tỉnh Cao Băng tổ chức đưa 40 cán bộ, đảng viên sang Trung Quốc qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc để tránh khủng bố của địch, vừa học tập, huấn luyện quân sự để làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh cách mạng sau này.

Đầu những năm 1940 của thế kỉ XX, tình hình thế giới và trong nước có những biến chuyển nhanh chóng. Chiến tranh thế giới thứ hai lan rộng. Ở trong nước, Nhân dân ta phải chịu hai tầng áp bức, bóc lột của đế quốc Pháp và phát xít Nhật. Với tầm nhìn xa trông rộng của một nhà chiến lược cách mạng thiên tài, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xác định Cao Bằng là nơi hội tụ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên của cả nước. Ngày 28/01/1941, sau 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, cứu dân, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam; xây dựng Cao Bằng trở thành căn cứ địa cách mạng đầu tiên của cả nước. Người nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở để liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tấn công, lúc khó khăn có thể giữ”
[2].

Từ khi Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn Cao Bằng làm đại bản doanh đầu tiên của cách mạng nước ta, mảnh đất biên cương này đã chứng kiến biết bao sự kiện quan trọng gắn liền với tên tuổi và hình ảnh của Người, gắn liền với lịch sử vẻ vang của đất nước Việt Nam liên quan tới vận mệnh quốc gia, dân tộc. Nhân dân Cao Bằng vốn giàu truyền thống yêu nước, từ ngày Bác về, truyền thống ấy được khơi dậy mạnh mẽ. Nhân dân, theo lời dạy của Già Thu, Ông Ké làm cách mạng, để giải phóng mình và góp phần giải phóng Tổ quốc.

Từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941, tại Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8. Hội nghị đã hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đối với cách mạng Việt Nam: Đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu; thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh; chỉ đạo thành lập các tổ chức quần chúng đều lấy tên là Hội cứu quốc. Hội nghị khẳng định: “Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang”
[3]. Để có “một lực lượng vũ trang toàn quốc”, cần “phải có những tổ chức tiểu tổ du kích, du kích chính thức và tổ chức binh lính đế quốc”[4] chiến lược cách mạng của nước ta được xác định là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xác định khởi nghĩa là vấn đề then chốt. Sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5/1941), việc xây dựng lực lượng vũ trang được xúc tiến khẩn trương, những đồng chí cốt cán tốt nhất trong các đoàn thể cứu quốc được lựa chọn “để tổ chức các đội tự vệ và tự vệ chiến đấu, phải xây dựng được một lực lượng vũ trang sẵn sàng”.

Công tác đào tạo cán bộ quân sự được Người đặc biệt chú trọng. Người phân công đồng chí Cao Hồng Lĩnh lập trạm liên lạc ở Trung Quốc để đưa đón cán bộ sang học tập chính trị. Từ năm 1941 đến năm 1944, theo chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có khoảng 200 thanh niên Cao Bằng sang học các lớp quân sự ở Điền Đông, Liễu Châu (Trung Quốc). Cuối năm 1941, Người đã giao nhiệm vụ cho các đồng chí Lê Quảng Ba, Lê Thiết Hùng, Hoàng Sâm mở một lớp quân sự tập trung đầu tiên tại Pác Bó (Hà Quảng). Công tác huấn luyện được Người rất quan tâm; trực tiếp đề ra kế hoạch huấn luyện. Sau mỗi ngày, Người triệu tập đồng chí phụ trách đến báo cáo tình hình, rút kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch cho ngày hôm sau. Người trực tiếp giảng dạy về cách đánh du kích, cách điều tra nắm tình hình địch… Để giảng dạy và huấn luyện đạt kết quả tốt, Lãnh tụ N guyễn Ái Quốc biên soạn nhiều tài liệu quan trọng như “Mười chính sách của Việt Minh”, “Chiến thuật du kích”, “Kinh nghiệm du kích Nga”… Những giáo trình quân sự đầu tiên này góp phần quan trọng vào việc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng.

Tháng 11/1941, tại Pác Bó, theo Chỉ thị của Người, Tỉnh uỷ Cao Bằng đã thành lập Đội du kích tập trung đầu tiên (còn gọi là Đội du kích Pác Bó), gồm 12 người, do đồng chí Lê Quảng Ba làm đội trưởng. Đội được giao nhiệm vụ bảo vệ cơ quan, bảo vệ cán bộ, xây dựng cơ sở cho lực lượng tự vệ thường, tự vệ chiến đấu, tuyên truyền thực hiện công tác đặc biệt. sau đó được phân tán về các địa phương làm nhiệm vụ.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tháng 02/1942, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đã mở nhiều lớp huấn luyện quân sự cấp tỉnh để đào tạo cán bộ quân sự cho phong trào cách mạng. Sau các khoá học, học viên trở về địa phương, huấn luyện tổ chức lực lượng vũ trang các cấp. Theo đà phát triển của phong trào Việt Minh, việc luyện tập quân sự trở nên sôi nổi rộng khắp trong phạm vi toàn tỉnh. Các đội tự vệ chiến đấu ở các châu được tổ chức huấn luyện sâu về kĩ thuật cá nhân và các phương thức chiến đấu. Để có cán bộ huấn luyện quân sự, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ thị cho đội du kích tập trung đầu tiên phân tán về các địa phương làm nòng cốt. Người Chỉ thị cho Đảng bộ Cao Bằng “Bây giờ là lúc phải tổ chức lực lượng vũ trang cho tới tận các địa phương, phải làm gấp, nếu chần chừ sẽ không kịp đâu, chẳng mấy chốc mà Hồng quân Liên Xô sẽ tiêu diệt bọn phát xít, lúc bấy giờ ta phải có đủ lực lượng để đứng lên giành chính quyền”
[5].

Chấp hành chỉ thị của Người, Cao Bằng tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh xây dựng các đội tự vệ. Đến đầu năm 1943, các xã, tổng thuộc các châu Hà Quảng, Hoà An, Nguyên Bình đều có các đội tự vệ, các lớp huấn luyện quân sự và tổ chức diễn tập quân sự. Nét nổi bật nhất của cuộc diễn tập lần này là nhằm phát động phong trào quần chúng nhân dân tự mua sắm vũ khí, ủng hộ các đội tự vệ, tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang phát triển lên một tầm cao mới.
Bên cạnh việc phát triển lực lượng vũ trang khu vực Cao - Bắc - Lạng, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn chỉ thị mở phong trào Nam tiến để phát triển các con đường quần chúng nối liên lạc ra các địa phương và về với Trung ương ở miền xuôi. Ngay từ những ngày đầu mới về nước, Người luôn nhắc nhở: “Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sựphân phối lực lượng, do đó bảo đảm thắng lợi”
[6]. Phong trào cách mạng phát triển, vấn đề liên lạc giữa Cao Bằng với miền xuôi và với Trung ương Đảng trở nên đặc biệt quan trọng. Trước tình hình mới, Người đã chỉ thị cho cán bộ ở Cao Bằng: “ngoài lối liên lạc thường dùng bằng giao thông bí mật, phải cấp tốc tổ chức những con đường quần chúng từ Cao Bằng về miền xuôi. Có thế, khi địch khủng bố mới giữ được liên lạc, những hoạt động vũ trang của các đội du kích mới có thể tiến hành thuận lợi, và nhất là mới tranh thủ kịp khi thời cơ biến chuyển tốt, cách mạng có thể tiến lên Tổng khởi nghĩa”[7]. Theo Chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và quyết định của Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng, cuối năm 1942, công tác Nam tiến được đặt ra một cách khẩn trương nhằm cấp tốc tổ chức con đường quần chúng từ Cao Bằng qua Ngân Sơn, Chợ Rã (tỉnh Bắc Kạn) đi về miền xuôi. Chỉ trong một thời gian ngắn, Ban xung phong Nam tiến đã tổ chức được 19 đội xung phong tuyên truyền Nam tiến; khu căn cứ địa “Nam tiến ” khai thông xuống các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang. Nhờ đó, phong trào cách mạng Cao Bằng có điều kiện liên lạc được với Trung ương Đảng ở miền xuôi và hòa nhập cùng với phong trào cả nước.

Lo sợ trước sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng tự vệ, thực dân Pháp điên cuồng vây ráp, bắt bớ, giết hại hết sức dã man cán bộ cách mạng. Trước tình hình đó, tháng 3/1943, Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng quyết định thành lập các đội vũ trang thoát ly, châu Hà Quảng do đồng chí Dương Đại Lâm làm đội trưởng; châu Hoà An do đồng chí Nguyễn Thế Đỗ làm đội trưởng và khu Thiện Thuật của đồng bào Mông ở Nguyên Bình do đồng chí Cao Lý làm đội trưởng. Lực lượng vũ trang thoát ly đã tổ chức nhiều trận đánh phục kích, tập kích vào các toán địch đi lùng sục, bắt bớ cán bộ cách mạng và diệt trừ những tên tay sai phản động, có nhiều nợ máu với nhân dân, bảo vệ cơ sở cách mạng và tài sản của Nhân dân.

Xác định vai trò, vị trí của vũ khí trang bị trong khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng, khi trở về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, Lãnh tụ Hồ Chí Minh hết sức quan tâm giải quyết vấn đề trang bị vũ khí và có những giải pháp cụ thể. Năm 1941, tại một địa điểm gần biên giới Việt - Trung, Người chỉ đạo, hướng dẫn các đồng chí Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh biên soạn các bài giảng, về sau được in thành sách, lấy tên là “Con đường giải phóng”. Trong tài liệu đã nêu sự cần thiết và vị trí quan trọng của việc sắm sửa vũ khí: “Trước hết phải có ít khí giới và nhằm những kho khí giới của bọn đế quốc để cướp”
[8]. Người nêu hai cách chiếm vũ khí: “Một là từ trong tay giặc. Hai là ở trong dân. Nhân dân sẽ bằng mọi cách tự tạo ra vũ khí trang bị cho lực lượng vũ trang của mình”[9]. Khi cử các đồng chí Hoàng Văn Thái, Đàm Quang Trung, Vũ Lập, Hoàng Minh Thảo… đi học lớp quân sự, Người dặn đồng chí Đàm Quang Trung phải học tập cách sử dụng thành thạo các loại vũ khí hiện có của các nước trong phe Đồng minh và của cả đối phương. Đến tháng 3/1944, Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng đã chọn căn cứ Lam Sơn, Hoà An để thành lập Binh công xưởng do đồng chí Hoàng Đức Thạc (tức Lã), Bí thư Liên Tỉnh uỷ trực tiếp chỉ đạo. Nhiệm vụ của binh công xưởng là sửa chữa, sản xuất các loại vũ khí để trang bị cho các đội tự vệ. Nguyên vật liệu cung cấp cho binh công xưởng chế tạo các loại vũ khí thô sơ gồm các loại thùng sắt, cuốc xẻng, nồi đồng, chảo gang, dao hỏng, liềm gẫy, lư hương đồng. do Nhân dân xung quanh vùng Lam Sơn, Hoà An mang đến ủng hộ.

Không ngăn nổi làn sóng cách mạng ở Cao Bằng ngày một dâng cao, thực dân Pháp ra sức khủng bố phong trào và tăng cường xây dựng hệ thống đồn bốt xung quanh các căn cứ cách mạng, hòng thị uy, bắt bớ, giết hại cán bộ cách mạng. Chỉ trong mấy tháng đầu năm 1944, chúng bắt hơn 200 cán bộ, sát hại 22 người. Những thủ đoạn, tội ác dã man của thực dân Pháp không làm lung lay lòng trung thành và ý chí của Nhân dân đối với cách mạng. Đồng bào các dân tộc Cao Bằng vẫn vững tâm tin tưởng và một lòng ủng hộ phong trào cách mạng. Nhờ vậy, phong trào đấu tranh ngày càng phát triển mạnh mẽ, tình thế cách mạng có những chuyển biến tích cực.

Giữa năm 1944, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến nhanh chóng. Tháng 8/1944, Trung ương Đảng kêu gọi Nhân dân “Cầm vũ khí, đuổi thù chung”, không khí khởi nghĩa sôi sục khắp nơi. Ngày 13/8/1944, Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng họp bàn thời cơ, chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Nhân dân vùng Cao - Bắc - Lạng sẵn sàng hưởng ứng khởi nghĩa. Cuối năm 1944, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh
[10] trở về Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) sau hơn 2 năm bị chính quyền Quốc dân Đảng Trung Quốc giam giữ. Sau khi nghe báo cáo tình hình và chủ trương chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang của Liên Tỉnh uỷ, Người phân tích và nhận định: “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới. Nếu bây giờ chúng ta vẫn chỉ hoạt động bằng hình thức chính trị thì không đủ để đẩy mạnh phong trào đi tới. Nhưng phát động vũ trang khởi nghĩa ngay thì quân địch sẽ tập trung đối phó. Cuộc đấu tranh bây giờ phải là từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức thích hợp thì mới có thể đẩy phong trào tiến lên”[11]. “Hình thức thích hợp” lúc bấy giờ, theo Người là thành lập “đội quân giải phóng” - Đội quân chủ lực đầu tiên - Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Người cho ý kiến: “Lực lượng vũ trang của ta hiện nay đã ít lại phân tán quá. Bây giờ nên tập hợp những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang tập trung để hoạt động. Ta sẽ dùng hình thức vũ trang để gây ảnh hưởng cách mạng sâu rộng trong quần chúng. Tác chiến nhằm gây được ảnh hưởng tốt về chính trị, do đó mà mở rộng cơ sở, phát triển lực lượng vũ trang. Chúng ta sẽ lập đội quân giải phóng. ..”[12].

Để thực hiện phương châm hoạt động mới, Lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí Vũ Anh, Lê Quảng Ba nghiên cứu thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Với tính chất quan trọng của đội quân này, việc lựa chọn đội viên được tiến hành hết sức cẩn trọng. Sự trưởng thành của lực lượng vũ trang Liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng nói chung, Cao Bằng nói riêng là một trong những cơ sở quan trọng để “chọn trong hàng ngũ du kích Cao - Bắc - Lạng, số cán bộ và đội viên kiên quyết nhất, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội quân chủ lực”[13]. Và đội quân giải phóng sẽ có nhiệm vụ là dùng vũ trang để kêu gọi, động viên, hỗ trợ Nhân dân đứng lên giành chính quyền. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã vạch ra những nét cơ bản của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và giao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp chuẩn bị thành lập. Người căn dặn “Phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được. Tổ chức của Đội phải lấy chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo”[14]. Trong Chỉ thị thành lập Đội, Người nói rõ: “Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là chính trị trọng hơn quân sự”[15].
 
3
Đoàn đại biểu Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo
(Chiều ngày 12/02/2023; nguồn ảnh: baoquankhu1.vn).

Chấp hành Chỉ thị của Người và sự chỉ đạo của Trung ương, với sự chuẩn bị khẩn trương, chặt chẽ, chu đáo về mọi mặt của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Cao Bằng, ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, châu Nguyên Bình, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Nơi đây có địa thế hiểm yếu “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” và là vùng đất có cơ sở chính trị tốt, Nhân dân các dân tộc một lòng, một dạ thuỷ chung son sắt với cách mạng. Đội gồm 34 chiến sĩ do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy, trong đó có 25 chiến sĩ là con em các dân tộc tỉnh Cao Bằng (đồng chí Xích Thắng tức Dương Mạc Thạch làm chính trị viên). Sự kiện Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - Đội quân chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập trên mảnh đất quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng cũng như sự có mặt của 25 con em các dân tộc của tỉnh trong đội ngũ 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội đã phần nào nói lên cống hiến to lớn của mảnh đất và con người Cao Bằng đối với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Chỉ hai ngày sau khi thành lập, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân lập được chiến công vang dội. Trong 02 ngày 25, 26/12/1944, Đội tiến công tiêu diệt gọn 02 đồn Phai Khắt, Nà Ngần, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Trong vòng một tháng phải có hoạt động để gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực, nhanh chóng cho bộ đội”
[16] và hạ quyết tâm “trận đầu nhất định phải thắng lợi”[17], mở đầu truyền thống “quyết chiến quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Hai trận công đồn tuy quy mô tác chiến nhỏ, nhưng thanh thế, tiếng vang của đội quân chủ lực đã vang xa khắp trong, ngoài nước mang lại niềm tin vững chắc cho Nhân dân cả nước nói chung, Nhân dân Cao Bằng nói riêng về tương lai trưởng thành lớn mạnh của “Đội quân đàn anh”, gây hoang mang lo sợ trong hàng ngũ của địch.
 
2
Đoàn đại biểu Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo
(Chiều ngày 12/02/2023; nguồn ảnh: baoquankhu1.vn).

 
Sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là một bước ngoặt lịch sử trên con đường đấu tranh cách mạng giải phóng của dân tộc ta. Từ đây, cách mạng Việt Nam xuất hiện ba hình thức tổ chức của lực lượng vũ trang Nhân dân: Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là đội quân chủ lực, các đội vũ trang ở các châu và các đội tự vệ nửa vũ trang ở xã. Lần đầu tiên trong lịch sử, giai cấp công nhân và Nhân dân Việt Nam có một Quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam và Lãnh tụ Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục, rèn luyện và lãnh đạo; một Quân đội mang bản chất giai cấp công nhân, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu, anh hùng, dũng cảm, sẵn sàng hi sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân.

Cùng với sự lớn mạnh của phong trào cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chỉ huy của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, sự giúp đỡ, đùm bọc của Nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, cùng với Nhân dân cả nước, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - Đội quân chủ lực đầu tiên đã không ngừng phát triển, trở thành đội quân vững vàng về chính trị, tài giỏi về quân sự, chiến đấu và chiến thắng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và là nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ năm 1975 đến nay. Đúng như tiên đoán của Bác Hồ: Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước chúng ta ”
[18]. Đó là Đội quân Anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Trải qua các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng rất vinh dự, tự hào được thay mặt đồng bào cả nước đón Bác Hồ trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, là nơi ra đời Mặt trận Việt Minh, nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (Đội quân chủ lực đầu tiên, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt N am anh hùng ngày nay). Trải qua hơn 90 năm xây dựng và phát triển, dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam, kế thừa và phát huy truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Đội quân chủ lực đầu tiên, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng luôn nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết một lòng, nỗ lực cùng cả nước thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, quyết tâm xây dựng Cao Bằng thành tỉnh “Gương mẫu trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hộĩ” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu căn dặn và “trở thành một trong những “đao đí rủng lai ” (tiếng Tày nghĩa là ngôi sao rất sáng) ” như lòng mong mỏi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi về thăm tỉnh năm 1994.
 
Trần Hồng Minh
Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng,
Nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng
 
 

  1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011 (Sđd), tập 12, tr. 30.
[2] Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử (Hồi ký). Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2018, tr.37.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7 (1940-1945), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.129.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Sđd, tr.130.
[5] Đầu nguồn, Hồi ký về Bác Hồ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1975, tr. 296.
[6] Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử (Hồi ký), Sđd, tr.91.
[7] Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử (Hồi ký), Sđd, tr.91.
[8] Dẫn theo: Sự nghiệp và tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr. 258.
[9] Dẫn theo: Sự nghiệp và tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sđd, tr.264.
[10] Tháng 8/1942, lấy tên là Hồ Chí Minh, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đại diện cho Mặt trận Việt Minh và Phân hội Việt Nam thuộc Hiệp hội Quốc tế chống xâm lược sang Trung Quốc tìm sự liên minh quốc tế, cùng phối hợp hành động chống phát xít trên chiến trường Thái Bình Dương. Người bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam trong các nhà lao ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Trong thời gian 01 năm 14 ngày bị tù, Người đã viết tập thơ “Nhật ký trong tù”. Tháng 9/1943, Người được trả tự do. Đến tháng 9/1944, Người trở về Cao Bằng.
[11] Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử (Hồi ký). Sđd, tr.141.
[12] Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử (Hồi ký). Sđd, tr 141.
[13] Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử (Hồi ký). Sđd, tr 150-151.
[14] Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử (Hồi ký). Sđd, tr 143.
[15] Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử (Hồi ký), Sđd, tr.131.
[16] Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử (Hồi ký), Sđd, tr.147.
[17] Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử (Hồi ký), Sđd, tr.143.
[18] Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Sđd, tr.132.
 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Video hoạt động
Screenshot 2


z5938366578357 0660a04694014cba01f06354ec63e29c


z5938342173393 e3ad0887d201d3d74066f1305a005930
Bazon SACH1
duluanxahoi
tracuu 1
bhxh2 yukp

dcs





nonnuoccb
12121hq1
Liên kết Website

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập29
  • Máy chủ tìm kiếm14
  • Khách viếng thăm15
  • Hôm nay2,758
  • Tháng hiện tại56,388
  • Tổng lượt truy cập4,347,925
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TUYÊN GIÁO CAO BẰNG
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Tỉnh ủy,  Km5, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3855 011  -  Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Bế Thanh Tịnh, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Ghi rõ nguồn https://tuyengiaocaobang.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.

  Chung nhan Tin Nhiem Mang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây