Đại biểu cho rằng, đây là kết quả của sự lãnh đạo sáng suốt, kịp thời của Đảng và Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân. Kinh tế nước ta vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế toàn cầu; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Đại biểu nhất trí với các báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Đối với các dự án giao thông liên vùng, các dự án kết nối liên tỉnh, giao thông kết nối các huyện trong cùng một tỉnh, Đại biểu cho rằng, hiện nay đã và đang tồn tại vấn đề tỉnh nào, địa phương nào có điều kiện về nguồn lực thì thực hiện đầu tư trước hoặc đầu tư quy mô lớn, còn địa phương khó khăn, hạn chế về nguồn lực thực hiện đầu tư sau hoặc đầu tư quy mô chưa tương xứng, không đồng bộ với tỉnh bạn, điều này làm giảm hiệu quả đầu tư, dẫn đến kìm hãm sự phát triển KT - XH của 2 địa phương liền kề nhau. Trong khi đó, tỉnh bên cạnh có thể bố trí đầy đủ nguồn lực để đầu tư hết đoạn tuyến kết nối, nhưng theo quy định tại khoản 9 Điều 9 của Luật Ngân sách Nhà nước “không được dùng ngân sách của địa phương này để chi cho nhiệm vụ của địa phương khác”. Đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội điều chỉnh quy định tại khoản 9 Điều 9 của Luật Ngân sách Nhà nước cho phù hợp. Hiện nay, Chính phủ mới đang trình dự thảo nghị quyết áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án giao thông, tuy nhiên chưa mở rộng hết phạm vi, đối tượng áp dụng, do vậy cần thiết phải sửa luật để có các quy định đồng bộ, áp dụng rộng rãi để các dự án giao thông triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn.
Theo đại biểu, có nhiều dự án vướng mắc thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác theo quy định của Luật Lâm nghiệp, vướng mắc trong quá trình thực hiện trồng rừng thay thế theo quy định tại Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các thủ tục này mất nhiều thời gian, liên quan đến nhiều bộ, ngành, làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của dự án.
Mặt khác, có không ít dự án gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chủ yếu do người dân không đồng thuận với phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, vướng mắc về đơn giá, phương án đền bù; chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành; lập và tổ chức thực hiện phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người có đất bị thu hồi là đất nông nghiệp, đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ, chưa có cơ chế, chính sách để giải quyết, gây khó khăn cho người mất đất nông nghiệp để ổn định đời sống.
Với thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, để thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH bảo đảm quốc phòng - an ninh, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho HĐND tỉnh được quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác với diện tích dưới 30 ha đối với các dự án cấp thiết, dự án phát triển KT - XH quan trọng của địa phương.
Về vướng mắc trong quá trình thực hiện trồng rừng thay thế theo quy định tại Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong trường hợp chủ dự án không tự trồng rừng thay thế, đề nghị cho phép UBND cấp tỉnh áp dụng hình thức ban hành khái toán trồng rừng của từng địa phương để xác định số tiền cần phải nộp trước, tiến hành thiết kế trồng rừng thay thế sau hoặc thực hiện thiết kế trồng rừng phòng hộ trên diện tích đất sẵn có của địa phương trước và khi có dự án phải thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế thì căn cứ vào đó để thu tiền trồng rừng thay thế.
Đối với công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư, Chính phủ cho phép các tỉnh tách hạng mục đền bù giải phóng mặt bằng để phê duyệt một số dự án riêng biệt khi triển khai các dự án đầu tư, nhất là các dự án giao thông. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách về đạo tạo, chuyển đổi nghề đối với người có đất bị thu hồi là đất nông nghiệp, đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ; ban hành hướng dẫn cụ thể về việc xác định giá chuyển nhượng phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường để có căn cứ xác định giá đất.
Nguồn tin: baocaobang.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn