Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 2,56%, năm 2022 đạt 8,02%, năm 2023 dự kiến đạt 5%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; lạm phát được kiểm soát; cơ cấu thu ngân sách tiếp tục được củng cố; các chỉ tiêu an toàn nợ công trong giới hạn; giải ngân vốn đầu tư công được thúc đẩy; chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô được điều hành linh hoạt; môi trường đầu tư kinh doanh thay đổi tích cực; năng lực cạnh tranh được cải thiện.
Các đại biểu dự thảo luận tại tổ về về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả tốt, các công trình, dự án hạ tầng quốc gia quan trọng được đẩy nhanh tiến độ. Toàn quốc đưa vào sử dụng 1.729 km đường cao tốc, nhất là tuyến cao tốc Bắc - Nam. Công tác hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng và thi hành pháp luật được đẩy mạnh. Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội được triển khai hiệu quả; chú trọng phát triển văn hóa bền vững. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, công tác đối ngoại đạt kết quả nổi bật.
Các đại biểu thẳng thắn chỉ rõ các hạn chế như: cơ cấu kinh tế chưa có nhiều thay đổi; một số lĩnh vực năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh có hạn chế, năng suất lao động chưa cao; sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn; thu ngân sách Nhà nước chưa bền vững; giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch đề ra; công tác quy hoạch chưa đạt mục tiêu, yêu cầu; doanh nghiệp hoạt động còn nhiều khó khăn. Mặt khác, các đại biểu cho rằng, xây dựng hoàn thiện thể chế vẫn chưa theo kịp xu thế phát triển, tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh chưa được khắc phục. Chưa kịp thời hoàn thiện thể chế cho những vấn đề mới, mô hình kinh doanh mới, bao gồm cả kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh. Kết quả thực hiện một số chính sách Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa đạt yêu cầu; xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, chưa bền vững; thực hiện giảm nghèo chưa đạt được mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững.
Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng đánh giá: Chính phủ có sự điều hành linh hoạt trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực gặp rất nhiều khó khăn, đã chủ động và quyết liệt đề ra những giải pháp khả thi, phù hợp với bối cảnh tình hình ở từng giai đoạn cụ thể, qua đó, giúp nền kinh tế từng bước vượt qua thách thức, duy trì đà phục hồi và phát triển, giữ vững sự ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm được các cân đối lớn.
Cùng với những kết quả đạt được, đại biểu Trần Hồng Minh cho rằng việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế xuất phát từ thủ tục hành chính và thái độ thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là việc phân cấp, ủy quyền cho địa phương còn nhiều hạn chế. Những vấn đề đó thể hiện qua kết quả giải ngân vốn đầu tư công chậm, khó khăn trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, những vướng mắc về thủ tục trong công tác giải phóng mặt bằng các công trình giao thông, hạ tầng… Những tồn tại, hạn chế này cần được khẩn trương khắc phục trong thời gian tới.
Nguồn tin: baocaobang.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn