Từ năm 2009 đến nay, Công an tỉnh tham mưu cho UBND, HĐND ban hành nhiều kế hoạch, các văn bản về bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT đường bộ được quan tâm thực hiện. Phòng Cảnh sát giao thông phối hợp với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, trường học, tổ chức xã hội, chính quyền cơ sở tổ chức 188 lượt tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Diễu hành, cổ động, băng rôn, khẩu hiệu, cuộc thi, phát tờ rơi...; phân công cán bộ làm báo cáo viên trực tiếp tuyên truyền về TTATGT cho 67.500 lượt người nghe là giáo viên, học sinh, quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh. Công tác quản lý phương tiện, người điều khiển phương tiện và hoạt động vận tải được thực hiện có hiệu quả, hiện tại, các đơn vị thực hiện việc quản lý, vận hành và sử dụng các hệ thống cơ sở dữ liệu được trang cấp; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cung cấp trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an.
Kiểm soát chặt chẽ, xử lý vi phạm 3.051 lượt xe khách, 19.491 lượt xe tải; thông báo với ngành Giao thông Vận tải về việc tước giấy phép lái xe, các trường hợp quá hạn hẹn giải quyết vi phạm hành chính. Qua đó, nhằm nâng cao công tác phối hợp quản lý lái xe vi phạm TTATGT, khắc phục tình trạng lợi dụng khai báo mất giấy phép lái xe để xin cấp lại, trốn tránh vi phạm.
Lực lượng Cảnh sát giao thông thường trực, ứng trực tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông trọng điểm, trong các dịp lễ, tết, sự kiện quan trọng, các khung giờ có tỷ lệ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) cao, tập trung kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu gây ra TNGT. Qua tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 182.319 trường hợp; thu phạt nộp ngân sách Nhà nước 135.132 triệu đồng; tước giấy phép lái xe 11.268 lượt; tạm giữ 2.125 ôtô và 54.977 môtô; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 719 vụ TNGT, phạt 991 triệu đồng; tước giấy phép lái xe 477 trường hợp. Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp khởi tố 166 vụ TNGT, với 131 bị can.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Hạ tầng giao thông mặc dù được đầu tư xây dựng, nhiều tuyến đường mới đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng cơ bản vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các tuyến quốc lộ huyết mạch còn nhiều đoạn đường đèo, dốc, cua; tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong điều kiện mưa lũ, sương mù, thời tiết xấu. Đặc biệt, việc nhận thức pháp luật về TTATGT của một bộ phận đồng bào vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, nhất là quy định về nồng độ cồn; chưa nhận thức rõ tác hại của rượu, bia ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông, cũng như mức vi phạm, mức xử phạt. Nguồn lực của địa phương về con người, kinh phí, hạ tầng phục vụ cho công tác bảo đảm TTATGT còn nhiều hạn chế.
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát, trao đổi về những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách pháp luật bảo đảm TTATGT đường bộ; phân tích, làm rõ nguyên nhân; đề xuất những giải pháp về cơ chế, chính sách pháp luật sẽ quy định tại dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự giao thông đường bộ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 diễn ra vào giữa năm 2024. Ngoài ra, thành viên đoàn giám sát yêu cầu Công an tỉnh cần làm rõ những giải pháp để giảm thiểu các vụ TNGT trên địa bàn tỉnh; xử lý những xe vi phạm; tiến độ thực hiện dự án lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông trên các tuyến đường, công tác xử lý vi phạm thông qua camera sát hành trình và trên phần mềm VNeID; xử lý vi phạm giao thông qua thông tin của người dân cung cấp…
Công an tỉnh kiến nghị: Các ngành chức năng và các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, rà soát, kiến nghị điều chỉnh tổ chức giao thông, khắc phục các vấn đề liên quan đến hạ tầng giao thông trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị phù hợp, đảm bảo an toàn; khảo sát, lập phương án xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn về TNGT; các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả các chuyên mục, chương trình về bảo đảm TTATGT; ngành Giáo dục và Đào tạo tăng cường chỉ đạo duy trì, nhân rộng các mô hình tự quản “Cổng trường an toàn giao thông” phạm vi toàn tỉnh; tổ chức cho học sinh, phụ huynh ký cam kết chấp hành nghiêm quy định về ATGT; chính quyền các địa phương tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt công tác nắm tình hình, chủ động giải quyết các vấn đề bức xúc về TTATGT thuộc địa bàn quản lý; chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT tới các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn, biên giới.
Lãnh đạo Công an tỉnh báo cáo tại buổi làm việc.
Kết luận buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bế Minh Đức khẳng định: Lực lượng Công an tỉnh có vai trò quan trọng của trong công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh, đề nghị, Công an tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các ngành trong việc tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ đến với đông đảo nhân dân trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt chính sách pháp luật về bảo đảm TTATGT; phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền về TTATGT bằng nhiều hình thức trực quan, sinh động.
Đoàn giám sát tiếp thu, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của Công an tỉnh để trình cấp có thẩm quyền và Quốc hội tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới.
Nguồn tin: baocaobang.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn