Ðôi nét về giá trị hiện thực trong truyện thơ Khảm hải của người tày

Thứ hai - 22/08/2022 03:19
Khảm hải (Vượt biển) - một truyện thơ nổi tiếng của dân tộc Tày, được diễn kể kéo dài liên tiếp trong nhiều đêm của các nghệ nhân hát Then. Tuy mang màu sắc linh thiêng nhưng những người sống trong cộng đồng làng bản người Tày không mấy ai không biết đến truyện thơ Khảm hải. Bên cạnh nghệ thuật diễn xướng, Khảm hải còn hấp dẫn người nghe bởi nội dung phản ánh một cách sâu sắc, chân thực cảnh sống đen tối của người dân trong xã hội cũ.
Nghệ nhân người Tày biểu diễn một trích đoạn Then cổ.
Nghệ nhân người Tày biểu diễn một trích đoạn Then cổ.

Xét về hình thức diễn xướng, Khảm hải như là một "chương" nằm trong hệ thống các bài lễ ca cúng bái (làm bụt) của các ông then, bà bụt. Có thể nói hay nhất của cả đêm làm bụt là đoạn hát Khảm hải. Bằng lời ca trầm bổng êm tai, kèm theo cung đàn tính du dương ngọt ngào và điệu múa uyển chuyển, mềm mại của người múa chèo thuyền (do ông then, bà bụt hóa thân), hình ảnh những con người nghèo khổ - nhân vật sa dạ, sa đồng - bị áp bức bóc lột cùng cực, trong tai họa đi phu chèo thuyền cho quan (slay) hiện lên một cách chân thực. Đó là thân phận đói rách thảm thương, bị hắt hủi, không nơi nương tựa khi còn sống trên trần gian, khi chết cũng chưa hết khổ, ở cõi âm lại bị quan bắt về làm "sa dạ, sa đồng" (nô lệ chèo thuyền) cùng đoàn người vượt biển cõi âm, mang lễ vật đi cống nạp.

Nếu có dịp về dự một đêm diễn kể Khảm hải ở bản người Tày, sẽ nhận thấy tận mắt chính người nghe nhiều khi phải thở dài khi nghe đến đoạn ông then kể về thân phận đắng cay của các sa dạ, sa đồng. Các tác giả dân gian đã xây dựng những nhân vật sa dạ, sa đồng là những con người nghèo khổ nhất, có thể nói là thuộc lớp người dưới đáy của xã hội: Mỉnh ngò khỏ pền thai/Tẩư lảng bấu mặt nhù/Pác tu bấu mặt kép, dịch nghĩa: Thân tôi khổ đến chết/Dưới sàn chẳng sợi rơm/Cửa nhà chẳng vỏ trấu.

Trong thực tế, dưới thời phong kiến, đồng bào các dân tộc nói chung và đồng bào Tày, Nùng nói riêng phải thường xuyên chịu gánh nặng của nạn phu phen tạp dịch của bộ máy phong kiến và bọn thống trị thực dân. Trong Khảm hải, hình ảnh rùng rợn của tai họa đó hiện lên ngay từ khi người sa dạ, sa đồng nhận lệnh báo đi phu của quan trên: Khôm lai lố khôm lai/Vằn thai ngợ cạ soác mỉnh thân/Tẻo tầư quan pắt mà hắt tở/Vằn vằn pây khảm hải hẩư quan, dịch nghĩa: Cay đắng lắm, cực nhục thay/Ngỡ chết đi là đời được yên/Lại bị quan bắt về làm tớ/Ngày ngày đi chèo thuyền qua biển cho quan. Người sa dạ, sa đồng còn cố tìm cách từ chối khéo, nấn ná để mong được hoãn, nhưng sống trong vòng kìm kẹp của bọn thống trị, họ không có con đường thoát, cho nên buộc lòng họ phải từ biệt vợ con lên đường: Vằn pây chắc đảy tẻo rụ đai, dịch nghĩa: Hôm nay đi có còn trở lại hay không?. Người ra đi quằn quại trong nỗi lo âu, đau khổ bao nhiêu thì những người ở lại - vợ con yếu ớt, cũng chịu nỗi đau khổ, lo âu bấy nhiêu: Mừ rại ủm lục ỷ thả rà/Mừ sla ủm lục va thả ngò, dịch nghĩa: Tay trái bế con nhỏ đợi chồng/Tay phải ôm con thơ còn dại...

Trong lúc thừa hành công vụ, chèo thuyền cho quan, trải qua bao thác ghềnh, hiểm nguy, người sa dạ, sa đồng luôn cảm thấy cái chết kề bên: Nặm hải đeng pền lượt/Nặm hải đướt pền phầy, dịch nghĩa: Nước biển đỏ như máu/Nước biển nóng như lửa. Nhưng nhờ có lòng gan dạ và nhờ tài chèo chống khéo léo, người phu thuyền vượt qua mười hai "rán" nước, mỗi rán là một thử thách với đầy thuồng luồng, quỷ dữ để đưa đồ cống nạp cho quan đến bến. Trải qua bao gian lao, thuyền cập bến yên lành; trong khi bọn quan trên cùng nhau chè chén no say thì người phu thuyền chịu nhịn đói khát chờ ngày ra về, không được một lời hỏi han: Slíp sloong giàn khảm quá/Chắng chắc thân sa dạ đảy nhằng/Chắng chắc thân sa đồng đảy slổng/Binh mạ slay nhì nhằng/Kẻo khảu háng Đường Chu/Nhằng ngò dú bưởng lăng… dịch nghĩa: Mười hai rán qua rồi/Mới biết thân sa dạ được còn/Mới biết thân sa đồng được sống/Binh mã quan rầm rập/Kéo vào chợ Đường Chu/Sau lưng trơ lại tôi…

Bằng những nét sắc, gọn, Khảm hải đã vẽ lên thân phận bị đày ải cùng cực và bị rẻ rúng như bèo bọt của người phu thuyền, tượng trưng cho lớp người nghèo khổ nhất trong xã hội cũ. Thực tế đó không chỉ vang dội mạnh mẽ vào trong thơ ca truyền miệng của nhân dân mà còn tràn cả vào trong thơ ca thành văn. Hòa điệu với lời thơ dân gian trong hát Then, nhà thơ Tày Hoàng Đức Hậu đã dành những lời thơ đầy rung cảm để nói lên nỗi niềm cay đắng đó, những sa dạ, sa đồng đang sống và bị đày đọa trong cuộc đời: Măng đắng rồi sao? Chưa đắng đâu!/Đắng phu: chuyển đất ngày đêm thâu…/Thân ai cũng tìm mình săn sắt/Còn bọn cầm roi ốp trước sau.

Tuy là những nhân vật trong câu chuyện hát Then mang màu sắc thần bí, những nhân vật sa dạ, sa đồng về cơ bản được xây dựng với nhiều chi tiết chân thực, rút ra từ cuộc sống thực. Nhưng vượt qua màn sương của hương khói, vượt ra ngoài khuôn khổ của lễ tiết cúng bái, hình tượng đó càng có tính chân thực sống động, do đó câu chuyện càng có giá trị nhân văn sâu xa. Chính vì vậy, truyện thơ Khảm hải vẫn là viên ngọc ngời sáng trong thơ ca dân gian của dân tộc Tày.

 

Nguồn tin: baocaobang.vn

  Ý kiến bạn đọc

Video hoạt động
Screenshot 2


z5938366578357 0660a04694014cba01f06354ec63e29c


z5938342173393 e3ad0887d201d3d74066f1305a005930
Bazon SACH1
duluanxahoi
tracuu 1
bhxh2 yukp

dcs





nonnuoccb
12121hq1
Liên kết Website

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập28
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm24
  • Hôm nay5,603
  • Tháng hiện tại12,866
  • Tổng lượt truy cập4,170,860
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TUYÊN GIÁO CAO BẰNG
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Tỉnh ủy,  Km5, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3855 011  -  Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Bế Thanh Tịnh, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Ghi rõ nguồn https://tuyengiaocaobang.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.

  Chung nhan Tin Nhiem Mang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây