Thổ công (tiếng Tày gọi là "Thua bản"), là vị thần có nhiệm vụ và quyền năng cai quản, trông coi mảnh đất cả dân làng sinh sống. Theo quan niệm dân gian của người Tày, Nùng, khi đến một khu đất mới để lập xóm, bản, việc trước tiên của đồng bào là lập miếu thờ Thổ công của làng và việc thờ cúng mang ý nghĩa tưởng nhớ những người đầu tiên đã có công khai mở xóm, bản. Mảnh đất thiêng làm miếu thờ Thổ công được thầy địa lý xem xét, thầy cúng làm lễ và cả làng nhất trí lựa chọn, thường được đặt ở đầu hoặc cuối xóm, dưới tán cây cổ thụ. Đó là nơi vắng vẻ, yên tĩnh, miếu thờ to hay nhỏ là do ý nguyện của người dân. Kiến trúc miếu rất đơn giản, trước đây miếu chỉ khoảng 5 m2, hầu hết xây tường đất, gạch, mái lợp ngói máng hoặc tranh tre, trong miếu xây một bệ thờ đặt bát hương thờ Thổ công. Ngày nay, điều kiện kinh tế phát triển, một số làng sửa sang lại miếu to, rộng, phía trước láng nền có mái che để thuận tiện cho sinh hoạt chung của làng mỗi dịp lễ, Tết. Miếu Thổ công là nơi uy nghiêm và linh thiêng.
Thường thì chiều 30 Tết, dân làng cử vài người đến quét dọn miếu thờ sạch sẽ. Tùy từng vùng, việc cúng miếu Thổ công được tổ chức trong buổi chiều ngày cuối cùng năm cũ hoặc vào ngày mùng 1 Tết. Sau khi cúng gia tiên tại nhà, mỗi gia đình cử một người ra miếu Thổ công làm lễ, trước kia thường là người cao niên, chủ gia đình và là đàn ông, tuy nhiên ngày nay không phân biệt già, trẻ, gái, trai. Trong không gian linh thiêng, các gia đình xếp mâm cúng theo thứ tự, người đến trước được đặt mâm lễ ở không gian chính giữa miếu thờ, người đến sau để tiếp nối theo tuần tự. Tùy từng nơi mà nghi lễ cúng Thổ công tiến hành khác nhau, có làng cử đại diện là người cao tuổi, có uy tín ra cúng đại diện, có nơi cử người làm nghề thầy cúng trong xóm, bản đứng ra cúng cho cả bản nhưng có nơi thì mỗi gia đình lần lượt tự cúng.
Ông Nông Văn Mưu, 70 tuổi, xã Chí Viễn (Trùng Khánh) cho biết: Đi lễ Thổ công vào dịp Tết Nguyên đán là một nghi thức cầu mùa của người nông dân, chính vì vậy mâm lễ vật cúng Thổ công dịp Tết của mỗi gia đình gồm có gà trống thiến luộc, đôi bánh chưng, bánh khảo gói giấy xanh đỏ, khẩu sli, rượu, gạo nếp trắng và một số món ăn khác, bánh, tiền vàng, đặc biệt không thể thiếu bó dây thừng buộc trâu. Bởi quan niệm xưa "con trâu là đầu cơ nghiệp", cầu mong trâu, bò và các loài vật nuôi nhà nào cũng đầy chuồng, béo tốt, có sức cày kéo. Trong các lễ vật, gà cúng Thổ công của gia đình nào càng to, vàng thịt, đẹp mắt không chỉ chứng tỏ gia đình làm ăn phát đạt, tấn tới mà còn thể hiện tài năng nội trợ đảm đang, khéo léo của các bà, các mẹ - những người giữ lửa trong gia đình.
Quá trình làm lễ, người dân tuần tự rót ba lần rượu vào các chén rượu trên ban thờ của miếu và trên mâm của từng gia đình. Trong làn khói hương thiêng liêng, người dân gửi gắm những lời khấn cầu với Thổ công về một năm mới mưa thuận, gió hòa, nhân khang vật thịnh, thóc lúa đầy bồ, trâu, bò, gà, lợn đầy chuồng và con người luôn được bình an. Kết thúc ba tuần rượu, người dân hóa vàng mã, chén rượu cúng Thổ công được đổ lại xung quanh miếu, mọi người cùng nhau ăn uống thụ lộc, rót rượu chúc tụng nhau những điều tốt đẹp dưới sự chứng kiến của thần linh. Với những nghi lễ đó, họ gửi gắm niềm tin năm mới có nhiều điều may mắn, tốt lành cho gia đình, xóm, bản. Các ngày Tết còn lại, người dân trong làng vẫn thay nhau lên miếu Thổ công thắp hương để miếu luôn ấm cúng.
Trải qua bao đời, tục cúng Thổ công không chỉ là nghi lễ sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng mà chứa đựng trong đó là cách thức giáo dục về lòng biết ơn đối với các thế hệ đi trước, sự đoàn kết, gắn bó keo sơn trong cộng đồng nơi cư trú của người Tày, Nùng. Tình làng, nghĩa xóm càng ấm áp hơn mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn