Các cụ cao niên ở Phúc Sen cũng không biết nghề rèn được truyền lại từ bao giờ, nhưng đều tự hào với nghề rèn của người Nùng An đã tạo nên kỳ tích bằng việc rèn vũ khí và chế tác thành công súng đại bác trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của triều nhà Mạc.
Cả ngàn năm qua, điều đặc biệt nhất của nghề rèn nơi đây là những người thợ chỉ làm theo phương pháp thủ công cùng những kinh nghiệm được các thế hệ trước trao truyền, từ cách chọn nguyên liệu, cách tôi lọc thép cho đến những bí quyết để tạo ra sản phẩm rèn vô cùng đặc sắc và chất lượng phục vụ sinh hoạt, sản xuất hàng ngày.
Bà Nông Thị Nga (bản Cả Poóc, xã Mã Ba, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) vừa chọn được cặp dao ở chợ Nà Giàng, vui vẻ: "Mọi năm mua có 2 con dao, thấy mẫu mã năm nay đẹp hơn, dao sắc hơn. Dao Nùng An có thể đem theo đi núi lấy củi, con này đem đi lấy cỏ, phát rẫy. Dao chặt cây tốt hơn. Liềm thì năm nay hơi đắt, năm ngoái giá có 25.000 đồng/chiếc, năm nay lên 30.000 đồng".
Vào dịp Tết Nguyên đán, các thợ rèn cất gọn đồ nghề và quét dọn lò rèn sạch sẽ rồi cắm một cành lá bưởi lên lò rèn để tẩy uế, trừ tà. Sáng mùng 1 Tết, gia đình sẽ làm cơm cúng tổ tiên và cúng "Tổ nghề". Đồ cúng gồm 1 con gà sống, 1 kg thịt lợn, 1 cặp bánh dày, 10 phong bánh khảo, chút rượu trắng cùng vàng hương...
Người thợ rèn chính trong gia đình sẽ nhóm lửa lò rèn và rèn tượng trưng một vài dụng cụ với ý nghĩa mong cả năm lò rèn luôn đỏ lửa, làm được nhiều sản phẩm tốt và mua may, bán đắt. Vào dịp rằm tháng Bảy, lễ cúng Tổ nghề rèn cũng được tiến hành sau khi làm cơm cúng tổ tiên và cúng thổ công, thổ địa của làng...
Ông Lương Văn Trường ở xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng cho biết, tại xã Phúc Sen hiện còn khoảng 150 lò rèn đang hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong xã.
"Tôi đã theo nghề rèn được 13-14 năm, có các loại dao: Dao liềm, dao quắm, dao phay, cưa, đục, dao lắp máy băm rau lợn, dao mài, đá mài,... Khi làm rất vất vả, chọn mua từng thanh nhíp thép, cho vào lửa, nung đỏ, cắt làm đôi, rồi đập tạo hình, ai làm giỏi thì được nhiều nhất là 4 con dao/ngày. Nhiều người nhận xét là dao dùng rất bền và sắc. Trong cả nước có nhiều nơi rèn dao nhưng họ làm khác, không giống ở đây...", ông Trường nói.
Vượt con đèo Mã Phục, khách thập phương đến với làng rèn Phúc Sen được xem những chàng trai Nùng An quai búa rèn nông cụ và được nghe những câu chuyện của người thợ lâu năm...
Qua bao năm tháng với những thăng trầm của lịch sử, nghề rèn Phúc Sen vẫn giữ được phong thái truyền thống và trở thành điểm đến ấn tượng với du khách, góp phần làm phong phú thêm hành trình khám phá vùng đất, non nước Cao Bằng./.
Nguồn tin: vov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn