BÀI BÁO ĐẦU TIÊN CỦA ĐẠI TƯỚNG THỔI BÙNG NGỌN LỬA ĐẤU TRANH

Thứ ba - 20/06/2023 04:58
Người mà chúng ta trân trọng nói tới, chính là Đại tướng Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp, nhân vật lỗi lạc được thế giới mệnh danh là một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của mọi thời đại. Chẳng những thế, Đại tướng còn là nhà chính trị-văn hóa, lịch sử uyên bác của dân tộc ta, một nhà báo xuất sắc, với bài báo đầu tay khi Người mới 16 tuổi, đang là học sinh Trường Quốc học Huế, làm bùng lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng, gây nên tiếng vang lớn trong nước.
BÀI BÁO ĐẦU TIÊN CỦA ĐẠI TƯỚNG THỔI BÙNG NGỌN LỬA ĐẤU TRANH
       Mùa hè năm 1925, Võ Nguyên Giáp được cha đưa lên ôn thi và trúng tuyển ngay vào Trường Quốc học Huế. Quốc học Huế là ngôi trường danh giá, nơi đào tạo nên nhiều nhân tài, chí sĩ, địa chỉ ngưỡng mộ của bao học sinh tài hoa trong nước. Quãng thời gian đó, phong trào đấu tranh đòi ân xá cụ Phan Bội Châu ở Huế nổi lên rầm rộ, Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa Văn (Hải Triều) cùng Võ Nguyên Giáp rất tích cực vận động lấy chữ ký đòi thả tự do cho nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu.
      Năm học thứ hai tại Quốc học Huế, Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Chí Diểu luôn bị mật thám bám sát, theo dõi ráo riết. Nhiều người bị chúng đàn áp dã man  khi ủng hộ cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Căm phẫn trước những hành động bất công của kẻ thù, thời gian đó, Võ Nguyên Giáp đã viết bài báo đầu tiên bằng tiếng Pháp với tiêu đề: “Đả đảo tên bạo chúa Trường Quốc học!”. Nội dung bài báo tố cáo nền giáo dục ngu dân và quy chế cấm đọc sách báo yêu nước. Vạch trần âm mưu thủ đoạn của nhà chức trách ru ngủ dân chúng, an phận với đời sống thực tại, quên đi cảnh nước mất, nhà tan, đời sống lầm than dưới ách đô hộ gông xiềng của thực dân Pháp. Lên tiếng bác bỏ quy chế cấm đọc sách báo yêu nước của nhà cầm quyền thực dân, phong kiến tay sai, đòi quyền tự do lựa chọn học tập, đọc các loại sách báo, tự do ngôn luận; vạch trần thủ đoạn vô liêm sỉ của việc cấm đoán nhằm làm cho người dân mê muội, cam tâm theo chúng, xa rời truyền thống yêu nước, lòng tự tôn của dân tộc, nhất là thế hệ trẻ. Nói lên khát vọng độc lập, ý chí của dân tộc Việt Nam tự do, hùng cường, kêu gọi mọi người chống lại chính sách hà khắc, nền giáo dục ngu dân và đứng lên đấu tranh chống lại quy chế đọc sách báo vô lý của chúng đề ra. Bài báo hay, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, tập trung phản ánh, đề cập thằng vấn đề, đã dược đăng tải trên tờ báo tiếng Pháp của luật sư Phan Văn Trường, báo L’Annam vào đầu năm 1927, gây nên tiếng vang lớn ở Sài Gòn và Huế và nhiều nơi trong nước, nhất là giới trí thức, học sinh, sinh viên các trường. Nhiều học sinh trường Quốc học Huế tỏ thái độ đồng tình, tích cực tuyên truyền ủng hộ bài báo của Võ Nguyên Giáp, trong đó có học sinh Nguyễn Chí Diểu cùng lớp với tác giả.
       Sự ảnh hưởng tác động của bài báo và tình hình sôi sục của học sinh, lãnh đạo trường Quốc học Huế đều để ý theo dõi và biết rất rõ, nguy cơ một cuộc đấu tranh của học sinh đang đến gần. Để đối phó tình hình đó, nhà trường giở thủ đoạn trừng phạt Nguyễn Chí Diểu, lấy đó để răn đe học sinh. Đúng dịp thi học kỳ, vào hôm thi môn Toán, Võ Nguyên Giáp ngồi bàn đầu, Nguyễn Chí Diểu ngồi bàn sau. Trong giờ thi, giám thị gây sự, một mực vu cho Diểu chép trộm bài và đuổi anh ra khỏi lớp. Điều này cả lớp đều bất bình, vì ai cũng biết Nguyễn Chí Diểu là học sinh giỏi Toán và các môn học, lại là người chính trực, tư cách, không bao giờ gian dối trong học tập, thi cử. Võ Nguyên Giáp biết chắc rằng, nguyên nhân chính là từ bài báo, Nguyễn Chí Diểu là một trong những người chủ động ra mặt ủng hộ, nói lên tiếng nói công lý hơn cả; không còn nghi ngờ gì nữa, anh nhanh chóng tập hợp và đứng đầu đoàn học sinh lớp Đệ nhị niên lên gặp Tổng giám thị Harter, đưa đơn phản đối. Một cuộc tranh luận nổ ra. Harter trả đơn, không nhận. Tin lan nhanh, học sinh trong trường thêm bất bình. Võ Nguyên Giáp bàn với Nguyễn Khoa Văn phát động bãi khóa với các khẩu hiệu: Không được đuổi học sinh Nguyễn Chí Diểu!, Tự do đọc sách báo!, Chống giáo dục ngu dân!. Học sinh các lớp đều hưởng ứng sôi nổi, hăng hái nhất là Đỗ Quý, Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam).
      Chiều ngày 26/4/1927, học sinh xếp hàng xong, giám thị tuýt còi vào lớp, nhưng lớp Đệ nhị vẫn đứng yên, Võ Nguyên Giáp bước lên dõng dạc hô lớn: Bỏ học, bỏ học!, Phản đối việc đuổi Nguyễn Chí Diểu!, Phản đối đàn áp học sinh!.
      Các lớp Đệ tam, Đệ tứ đồng tình hưởng ứng hô vang, kéo nhau ra phía cổng trường rầm rộ, cuộc bãi khóa bắt đầu như vậy và kéo dài. Từ trường Quốc học Huế, cuộc bãi khóa lan nhanh sang các trường khác thành cuộc tổng bãi khóa toàn thành Huế. Sau hơn 1 tuần kiên trì đấu tranh, nhà cầm quyền phải trả lại tự do cho số học sinh bị chúng bắt. Nhưng 1 tháng sau đó, nhà cầm quyền công bố một danh sách có tới 90 học sinh tại các trường bị đuổi học. Trong đó, trường Quốc học Huế là 37 người, đầu danh sách là Nguyễn Chí Diểu, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Khoa Văn (Hải Triều), Phan Bôi, Nguyễn Hoàng. Hà khắc hơn là, những học sinh đó không được học hành, thi cử trên toàn cõi Đông Dương. Mọi người phân tán đi các nơi. Võ Nguyên Giáp tìm đường xuất ngoại, nhưng không thành, anh đến tạm trú nhà thầy võ Liêm Sơn tại Huế, được thầy cho đọc cuốn Le Marxisne (Chủ nghĩa Mác), anh đọc một cách say sưa.
      
Con đường đến với cách mạng như một bản trường ca bất tận, đầy chông gai, nhưng rất đỗi hào hùng của nhà quân sự lỗi lạc, nhà báo nổi tiếng Võ Nguyên Giáp trên chặng đầu đời, âm vang hiển hách như thế đó./.

Tác giả: Lê Chí Thanh

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Video hoạt động



Bazon SACH1
duluanxahoi
tracuu 1
bhxh2 yukp

dcs





nonnuoccb
12121hq1
Liên kết Website

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm12
  • Hôm nay7,171
  • Tháng hiện tại40,682
  • Tổng lượt truy cập3,673,419
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TUYÊN GIÁO CAO BẰNG
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Tỉnh ủy,  Km5, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3855 011  -  Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Bế Thanh Tịnh, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Ghi rõ nguồn https://tuyengiaocaobang.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.

  Chung nhan Tin Nhiem Mang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây