Theo những ca từ của ca khúc “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” của nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ, chúng tôi trở về Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó (Cao Bằng) trong hành trình trở về Việt Bắc, tìm về những “địa chỉ đỏ” cách mạng trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Khung cảnh núi rừng Pác Bó thơ mộng, hữu tình hòa vào tiếng ve trên rừng đại ngàn, những bản làng bình yên nép mình bên ven suối gợi lên một bức tranh Việt Bắc bình yên và thắm đượm tình người.
Những địa danh ở Pác Bó vốn là tên gọi mà đồng bào các dân tộc ở Pác Bó đặt để gọi tên núi, tên suối, tên hang, tên bản làng đã trở thành những địa danh cách mạng gắn với hình ảnh Bác Hồ trong những ngày tháng Người ở lại nơi đây để hoạt động cách mạng, tìm ra con đường và chiến lược cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam. Đó là lán Khuổi Nặm, hang Ngườm Vài, hang Lũng Lạn, suối Lê Nin, núi Các Mác, hang Slí Điếng, hang Diêm Tiêu…
Theo tư liệu lịch sử và lời kể của các bậc cao niên trong bản làng Pác Bó, trong những ngày tháng ở nơi đây, Bác Hồ đã đặt tên cho con suối gần lán Khuổi Nặm, nơi ở và làm việc của Người là suối Lê Nin. Ngọn núi cao sừng sững soi bóng xuống dòng suối trong xanh là núi Các Mác. Điều đó gợi lên trong chúng tôi về vẻ đẹp, ý chí và tư tưởng lớn lao của Bác. Không chỉ sống hoà mình với thiên nhiên, luôn coi thiên nhiên, núi rừng là bầu bạn mà trong tâm hồn của Người luôn có những “dòng suối, ngọn núi tư tưởng” với kim chỉ nam là Chủ nghĩa Mác-Lê Nin, về con đường cứu nước luôn chảy mãi, cao mãi.
Bên dòng suối Lê Nin, tiếng nước chảy róc rách qua những lùm cây lá sum suê, đưa nước về hạ nguồn, tạo thành hồ nước phẳng lặng, trong xanh soi bóng ngọn núi Các Mác. Phía trên vách đá là những cụm cây rừng, lây leo xanh tốt và cả những chùm hoa rừng buông mình xuống ven suối khiến cho khung cảnh nơi đây vừa hoang sơ, thơ mộng, vừa đẹp như một bức tranh thuỷ mặc. Nơi đây, bên bờ suối, những tảng đá có tự bao giờ vốn là nơi Bác Hồ ngồi câu cá, ngắm cảnh non xanh, nước biếc sau những giờ làm việc miệt mài. Đứng bên dòng suối trong mát, mỗi người như cảm nhận được đâu đây hình bóng Bác, lắng nghe được tiếng người ấm áp vọng vang giữa núi rừng.
Bàn đá bên bờ suối, nơi Bác Hồ từng ngồi làm việc. |
Bước chân vào không gian khu Di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó thuộc địa phận xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, chúng tôi như khắc sâu hơn hình ảnh, tư tưởng và những lời dạy ấm áp của Bác Hồ. Trở về Pác Bó, bên dòng suối Lê Nin xanh trong, mỗi người dân Việt Nam như tìm về nơi suối nguồn cách mạng để được lắng sâu trong tâm hồn tiếng nói ấm áp của Bác, để khắc sâu lời dạy của Bác về ý chí, tinh thần đoàn kết và tinh thần cách mạng. Nơi đây, mãi mãi là “địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc cho các thế hệ người dân Việt Nam hôm nay và mai sau./.
Nguồn tin: dangcongsan.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn