Nguyễn Phong Sắc - Người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tiêu biểu

Thứ hai - 30/01/2023 23:14
Đồng chí Nguyễn Phong Sắc thuộc lớp học trò đầu tiên của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, là cán bộ tiền bối, có công lao to lớn trong buổi đầu xây dựng Đảng và phong trào cách mạng giải phóng dân tộc; là tấm gương sáng, là người lãnh đạo mẫu mực tiêu biểu, tận trung với Đảng, với nước, tận hiếu với dân, kiên cường bất khuất trước quân thù, giữ trọn khí tiết của người đảng viên, người cách mạng.
Đồng chí Nguyễn Phong Sắc   Người trực tiếp phụ trách Xứ ủy Trung Kỳ và lãnh đạo phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh
Đồng chí Nguyễn Phong Sắc Người trực tiếp phụ trách Xứ ủy Trung Kỳ và lãnh đạo phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh
Đồng chí Nguyễn Phong Sắc tên khai sinh là Nguyễn Đình Sắc, sinh ngày 1/2/1902, tại ngôi nhà nhỏ ở làng Bạch Mai (nay là số nhà 152 Bạch Mai, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Cuối năm 1926, đồng chí gia nhập chi hội đầu tiên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên gồm 11 người do đồng chí Nguyễn Công Thu làm Bí thư. Đây là bước ngoặt quan trọng đầu tiên, đánh dấu sự biến chuyển trong nhận thức tư tưởng và đồng chí đã lấy tên mới là Nguyễn Phong Sắc - mang ý nghĩa ngọn gió mới với khát vọng làm cách mạng giành độc lập, thoát khỏi đời nô lệ.

Tháng 6/1929, ngay sau khi tham gia thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, đồng chí được phân công vào Trung Kỳ để xây dựng tổ chức đảng và phong trào cách mạng. Trên cơ sở nắm vững tình hình, đồng chí liên lạc với Tỉnh bộ Thanh niên Nghệ An và lập ra Kỳ bộ Trung Kỳ Đông Dương Cộng sản Đảng; chỉ đạo ra tờ báo Bônsơvích, in truyền đơn, in Tuyên ngôn của Đông Dương Cộng sản Đảng lưu hành bí mật trong các cơ sở cách mạng. Thực hiện chủ trương của Đông Dương Cộng sản Đảng, tháng 10/1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã chỉ đạo Hội nghị thành lập Tổng Công hội đỏ Nghệ An; chỉ đạo Hội nghị thành lập Tổng Nông hội đỏ Nghệ An. Đầu tháng 11/1929, đồng chí thành lập Tổng Sinh hội đỏ Nghệ An và cho xuất bản báo Xích sinh. Trên cơ sở đó, đồng chí đã điều một số cán bộ của các tổ chức này đi tới các tỉnh khác ở Trung Kỳ để xây dựng và phát triển các tổ chức cách mạng quần chúng. Khắp nơi, các hội ái hữu, tương tế... đã ra đời. Đặc biệt là sự liên minh giữa giai cấp công nhân và nông dân “làm gốc” đã được xây dựng làm cơ sở liên minh cách mạng giữa công nông với các tầng lớp quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Cuối năm 1929, đồng chí lập Phân ban Kỳ bộ Trung Kỳ Đông Dương Cộng sản Đảng, đặt trụ sở tại Đà Nẵng. Sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (3/2/1930), đồng chí được bầu làm Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, chỉ đạo các tổ chức Đảng ở Trung Kỳ và trực tiếp lãnh đạo phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Đồng chí là linh hồn của phong trào này và luôn thể hiện bản lĩnh của người lãnh đạo kiên cường, bất khuất, hết lòng, hết sức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, tin tưởng sắt đá vào tương lai của cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, hy sinh quên mình cho lý tưởng cộng sản.

Tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam họp tại Hương Cảng (Trung Quốc) đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng. Đồng chí tiếp tục được Đảng phân công phụ trách Trung Kỳ. Theo quyết định của Hội nghị tháng 10/1930 của Đảng, có thêm cấp Xứ ủy trong hệ thống tổ chức của Đảng. Đồng chí triệu tập Hội nghị Phân cục Trung ương Trung Kỳ thành lập Xứ bộ Trung Kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương, đứng đầu Xứ bộ là Xứ ủy do đồng chí Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư. Đồng thời, chỉ đạo Xứ ủy ra báo Công - nông - binh, làm cơ quan ngôn luận, chỉ đạo và hướng dẫn hệ thống tổ chức đảng của Xứ bộ thống nhất hành động trong lãnh đạo thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng, của Xứ ủy.

Trong những ngày đấu tranh sôi động, đồng chí Nguyễn Phong Sắc không quản gian khổ, hy sinh, làm việc hết mình cho sự thắng lợi của các cuộc đấu tranh. Ban ngày đi chỉ đạo, ban đêm đồng chí thức trắng để viết bài đăng trên các báo của Đảng nhằm kịp thời động viên, khích lệ và uốn nắn những lệch lạc của từng cuộc đấu tranh; đồng thời vạch mặt kẻ thù, kêu gọi đồng bào vùng lên đấu tranh giành lấy tự do cơm áo và các lợi quyền thiết thực khác. Sự chỉ đạo sát sao, cụ thể của Bí thư Nguyễn Phong Sắc là một yếu tố làm cho phong trào phát triển rất nhanh, rất mạnh, chính quyền Xô viết được thành lập ở nhiều địa phương, chẳng những quần chúng đòi được nhiều lợi quyền mà còn làm cho kẻ thù nhận thấy, từ khi nước Pháp đặt nền đô hộ trên đất nước Việt Nam, chưa bao giờ có một nguy cơ nào đe dọa an ninh nội bộ lớn hơn, thực sự hơn lúc này. Tuy trong hoàn cảnh rất khó khăn, đồng chí vẫn mở các lớp bồi dưỡng giúp cho các chi bộ cơ sở xác định rõ vai trò của đảng viên và cốt cán các đoàn thể khi phong trào bị khủng bố, bồi dưỡng tinh thần cảnh giác cho họ trước mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù, bảo toàn tới mức cao nhất có thể các lực lượng cách mạng.

Cao trào cách mạng 1930 - 1931 nói chung và Xô viết Nghệ - Tĩnh nói riêng càng lên cao, thực dân Pháp và tay sai càng lồng lộn, khủng bố điên cuồng. Cùng với đàn áp tàn bạo, chúng còn dùng âm mưu thâm độc dụ dỗ, chia rẽ hàng ngũ cách mạng và nhân dân. Ngày 03/05/1931, sau khi phổ biến nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ hai của Đảng cho Xứ ủy Bắc Kỳ tại Hải Phòng trở về Hà Nội, đồng chí đã bị địch bắt. Bắt được Nguyễn Phong Sắc, thực dân Pháp đưa đồng chí vào Vinh, chúng dùng mọi biện pháp từ tra tấn, dụ dỗ, đánh đập dã man hòng lung lạc tinh thần và ý chí cách mạng của đồng chí nhưng không lay chuyển được ý chí sắt đá của người thanh niên trí thức cộng sản Nguyễn Phong Sắc. Bất lực trước tinh thần và ý chí kiên định của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, lo sợ tầm ảnh hưởng của đồng chí đến cao trào Xôviết Nghệ - Tĩnh, ngày 25/5/1931, thực dân Pháp bí mật xử bắn đồng chí tại đồn Song Lộc, Nghi Lộc, Nghệ An. 

Ghi nhớ công lao của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, người con ưu tú của quê hương Bạch Mai, người cán bộ xuất sắc của Đảng bộ Hà Nội, cố Tổng Bí thư Trường Chinh, tại buổi tiếp đón gia quyến liệt sĩ Nguyễn Phong Sắc ngày 6/5/1987 đã xúc động nói: “Đồng chí Nguyễn Phong Sắc, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, thủy chung, một người con yêu dấu của Đảng và của Hà Nội”...

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc là một tấm gương tiêu biểu của một chiến sĩ vô sản, một nhà lãnh đạo kiên trung của Đảng, luôn trung thành với Tổ quốc và hy sinh quên mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và vì độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam. Kỷ niệm 121 năm Ngày sinh đồng chí là dịp để chúng ta thể hiện lòng thành kính, tri ân sâu sắc đối với công lao, đóng góp to lớn của đồng chí và các lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của cách mạng Việt Nam. Học tập và noi gương đồng chí Nguyễn Phong Sắc và các lãnh đạo tiền bối của Đảng, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

 

Nguồn tin: Báo Cao Bằng

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Video hoạt động
Screenshot 2


z5938366578357 0660a04694014cba01f06354ec63e29c


z5938342173393 e3ad0887d201d3d74066f1305a005930
Bazon SACH1
duluanxahoi
tracuu 1
bhxh2 yukp

dcs





nonnuoccb
12121hq1
Liên kết Website

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập17
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm12
  • Hôm nay4,061
  • Tháng hiện tại313,040
  • Tổng lượt truy cập4,119,230
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TUYÊN GIÁO CAO BẰNG
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Tỉnh ủy,  Km5, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3855 011  -  Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Bế Thanh Tịnh, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Ghi rõ nguồn https://tuyengiaocaobang.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.

  Chung nhan Tin Nhiem Mang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây