Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - bản hùng ca bất diệt

Thứ sáu - 19/08/2022 05:47
Đó là một bước ngoặt chưa từng có trên con đường phát triển của dân tộc Việt Nam, chính thức chấm dứt ách đô hộ hơn 80 năm của thực dân Pháp, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh quốc gia, dân tộc.
Mít tinh tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội.   Ảnh: T.L
Mít tinh tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội. Ảnh: T.L

Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử của dựng nước và giữ nước, của việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược hình thành nên quy luật của cách mạng Việt Nam. Trong tiến trình thực hiện nhiệm vụ lịch sử thiêng liêng và hào hùng ấy, tinh thần dân tộc Việt Nam là một trong những nhân tố quyết định cho sự tồn vong của vận mệnh dân tộc mình. Thực tế sinh động của cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945 đã minh chứng một cách khách quan điều đó.

Đầu năm 1945, chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn cuối. Hồng quân Xô Viết liên tiếp giành thắng lợi quyết định trên chiến trường châu Âu, giải phóng một loạt nước và tiến thẳng vào sào huyệt phát xít Đức tại Béclin. Ngày 9/5/1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện. Sau đó, Hồng quân Liên Xô tiến công như vũ bão vào quân đội Nhật. Trước sự chuyển biến mau lẹ của tình hình trong nước và thế giới có lợi cho cách mạng Việt Nam, tháng 3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng kịp thời ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Lúc này, Đảng ta đứng trước một cơ hội lịch sử, giờ phút có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của đất nước. Ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội họp, tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng: Nổi dậy giành chính quyền từ tay Nhật và bọn bù nhìn tay sai của Nhật trước khi quân đồng minh vào Đông Dương. Đại hội cũng quy định Quốc kỳ, Quốc ca, thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh và cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 20 triệu đồng bào ta đồng loạt đứng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Với sự chuẩn bị chu đáo về đường lối, lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang và thời cơ ngàn năm có một, chỉ trong vòng 15 ngày (từ ngày 14 - 28/8/1945), Tổng khởi nghĩa thành công trong cả nước. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước thế giới sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Hòa cùng khí thế của toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và Mặt trận Việt Minh, chấp hành lệnh Tổng khởi nghĩa toàn quốc, Tỉnh ủy Cao Bằng khẩn trương thành lập Ủy ban Khởi nghĩa của tỉnh do đồng chí Hoàng Đình Giong làm Trưởng ban, đồng thời vận động nhân dân nhất tề nổi dậy giải phóng quê hương. Ngày 15/8/1945, phát xít Nhật chính thức đầu hàng đồng minh vô điều kiện. Ở Cao Bằng, quân Nhật hoang mang, tan rã từng mảng, Ủy ban Khởi nghĩa của tỉnh ra lệnh cho giải phóng quân, lực lượng vũ trang ở các châu, các đội du kích, đội tự vệ cùng toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh nổi dậy đánh chiếm các đồn, bốt của Nhật ở các châu lỵ và Thị xã, tiêu diệt các đội bảo an do Nhật tổ chức, bọn tay sai phản động thân Nhật, chặn đánh các ngả đường rút lui của địch, cướp súng địch để trang bị cho ta.

Ở châu Hà Quảng, từ ngày 17 - 19/8/1945, quân ta bao vây chặt đồn Sóc Giang, cắm cờ đỏ sao vàng xung quanh đồn để uy hiếp địch, kêu gọi địch đầu hàng. Tối 20/8/1945, quân Nhật bí mật rút về Đôn Chương, ta truy kích, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Ở châu Hòa An, lực lượng vũ trang vây chặt đồn Nước Hai, triệt các đường liên lạc tiếp tế của địch và cắm cờ đỏ sao vàng trên đồi cao lân cận nhằm uy hiếp tinh thần địch. Ngày 19 - 20/8/1945, ta chặn đánh và tiêu hao sinh lực địch khi một toán bảo an từ Đồn nống ra và một đại đội quân Nhật định rút về Thị xã. Sáng 22/8/1945, UBND lâm thời ra mắt nhân dân, Hòa An hoàn toàn giải phóng. Ở châu Nguyên Bình, trước sức mạnh của phong trào cách mạng quần chúng, quân địch ở các đồn Nguyên Bình và Mỏ thiếc Tĩnh Túc hoang mang tháo chạy qua đèo Lê A về Bắc Kạn. Lực lượng vũ trang địa phương chặn đánh, truy kích tiêu diệt nhiều tên địch, thu một số vũ khí, buộc chúng phải đầu hàng. Chiều 21/8/1945, tại thị trấn Tĩnh Túc, ta tổ chức một cuộc mít tinh, UBND lâm thời thị trấn Tĩnh Túc ra mắt quần chúng và công khai hoạt động, tuyên bố xóa bỏ chính quyền của địch, thành lập chính quyền cách mạng. Ngày 22/8/1945, châu Nguyên Bình tổ chức mít tinh, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng, trừng trị bọn tay sai bán nước.

Ở châu Trùng Khánh, quân Nhật hoang mang, rút chạy từ đêm 18/8/1945. Ngày 19/8/1945, Ban Việt Minh châu tổ chức một cuộc mít tinh quần chúng đưa lực lượng vũ trang vào thị trấn truy quét bọn phản động, tay sai Nhật. Ngày 26/8/1945, UBND lâm thời châu được thành lập. Ở châu Quảng Uyên, quân và dân ta đã bức quân Nhật rút chạy từ ngày 19/8/1945, lực lượng vũ trang tiến vào thị trấn vây bắt tên tri châu và số lính bảo an còn lại, thu nhiều vũ khí và quân dụng. Sáng hôm sau, UBND lâm thời châu tổ chức cuộc mít tinh lớn của quần chúng, tuyên bố xóa bỏ chính quyền thân Nhật. Ở châu Thạch An, UBND lâm thời châu được thành lập từ đầu tháng 7/1945 tại Bản Lủng (thuộc xã Danh Sỹ). Ngày 26/8/1945, trong cuộc mít tinh lớn có hơn 1.000 người dự ở châu lỵ, ta tuyên bố xóa bỏ chính quyền thân Nhật, UBND lâm thời ra mắt quần chúng.

Tại thị xã Cao Bằng, tình hình phức tạp hơn, tàn quân Nhật các nơi chạy về co cụm, hàng vạn quân Trung Hoa dân quốc với danh nghĩa “Đồng minh vào tước vũ khí quân đội Nhật” đang tràn qua biên giới với âm mưu tiêu diệt cộng sản, dựng lên chính quyền tay sai thân Tưởng. Trước tình thế cấp bách, ngày 20/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh ra mệnh lệnh: “Phải chiếm được thị xã trước khi quân đồng minh kéo vào giải giáp vũ khí quân đội Nhật, chính quyền cách mạng của tỉnh phải sớm giành chủ quyền ở thị xã để giao thiệp với quân đồng minh với tư cách là chủ”. Lúc này, không khí tổng khởi nghĩa sục sôi. Rạng sáng 21/8/1945, được sự hỗ trợ của nhân dân, một bộ phận quân giải phóng của tỉnh do đồng chí Hoàng Đình Giong chỉ huy vượt sông Hiến tiến vào Thị xã. Trước sức mạnh như vũ bão của quân cách mạng, 12 giờ trưa 21/81945, quân Nhật và bọn tay sai chấp nhận đầu hàng không điều kiện, đồng ý giao nộp cho ta toàn bộ số vũ khí của Pháp mà chúng chiếm được. Ngay đêm hôm đó, quân Nhật bí mật rút lui theo Quốc lộ 3 về Bắc Kạn.

Sáng 22/8/1945, UBND lâm thời tỉnh và Thị xã tổ chức cuộc tuần hành trên đường phố để biểu dương lực lượng cách mạng, sau đó họp mít tinh tại chùa Phố Cũ tuyên bố xóa bỏ chính quyền của Nhật và bọn tay sai, thành lập UBND lâm thời Thị xã. Nhân dân thị xã Cao Bằng nhiệt liệt chào đón chính quyền cách mạng và UBND lâm thời của tỉnh, Thị xã ra mắt toàn dân. Đồng thời, ta cử một đoàn đại biểu thay mặt UBND lâm thời tỉnh giao thiệp với quân đội Tưởng theo quy chế đồng minh, nhằm bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ nền độc lập tự do mà nhân dân ta vừa giành được. Ngày 22/8/1945, một ngày lịch sử, ngày hội cách mạng đáng ghi nhớ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, lần đầu tiên kể từ tháng 10/1886, Cao Bằng sạch bóng quân xâm lược, chính quyền về tay nhân dân.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là điển hình của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Cuộc cách mạng đó đã đánh đổ chế độ thuộc địa của thực dân Pháp và phát xít Nhật áp đặt trên đất nước ta kéo dài hơn 80 năm, lật nhào chế độ phong kiến hàng ngàn năm. Nước ta từ một nước thuộc địa trở thành một nước độc lập. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Thời gian đã lùi xa nhưng tầm vóc ý nghĩa thắng lợi, bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng tỏa sáng. Đó là thắng lợi của tinh thần dân tộc, sức mạnh toàn dân tộc Việt Nam được thể hiện ở khối đại đoàn kết toàn dân tộc, một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử của dân tộc ta, một dấu mốc lớn trên con đường phát triển trong suốt chiều dài mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011).

Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Với sức sống mãnh liệt và bản chất ưu việt vốn có của nó, chủ nghĩa xã hội Việt Nam đã đang và sẽ mãi mãi là mục tiêu, khát vọng của loài người tiến bộ trên thế giới.

 

Nguồn tin: baocaobang.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Video hoạt động



Bazon SACH1
duluanxahoi
tracuu 1
bhxh2 yukp

dcs





nonnuoccb
12121hq1
Liên kết Website

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm17
  • Hôm nay3,410
  • Tháng hiện tại95,685
  • Tổng lượt truy cập2,801,057
Chung nhan Tin Nhiem Mang
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TUYÊN GIÁO CAO BẰNG
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Tỉnh ủy,  Km5, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3855 011  -  Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Bế Thanh Tịnh, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Ghi rõ nguồn https://tuyengiaocaobang.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây