Tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Biên giới

Thứ hai - 08/08/2022 10:16
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, ở từng thời khắc lịch sử luôn cẩn trọng đưa ra những quyết định vô cùng sáng suốt. Chiến thắng Biên giới Thu - Đông 1950 và những chiến thắng về sau đã chứng minh nhận định này.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thị sát thị xã Cao Bằng sau Chiến dịch Biên giới. Ảnh: Tư liệu.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thị sát thị xã Cao Bằng sau Chiến dịch Biên giới. Ảnh: Tư liệu.

Nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một phần vùng biên giới phía Bắc, mở rộng quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, tháng 6/1950, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950.

Ngày 25/7/1950, Ban Thường vụ Trung ương Ðảng thành lập Ðảng ủy Mặt trận và Bộ Chỉ huy Chiến dịch do Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng làm Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Chiến dịch. Khi Đại tướng lên đường đi chiến dịch, Bác Hồ căn dặn: “Chiến dịch này rất quan trọng, chỉ được thắng, không được thua!”.

Ngày 3/8/1950, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Sở chỉ huy Chiến dịch tại Tả Phầy Nưa, xã Quốc Phong, (nay thuộc huyện Quảng Hòa), nghe các đồng chí trong Đảng uỷ và Bộ Chỉ huy Chiến dịch báo cáo dự kiến phương án chiến dịch. Theo đó, sơ bộ chọn thị xã Cao Bằng làm khu vực tiến công mở màn chiến dịch, đồng thời diệt quân viện đường không, đường bộ. Sáng 5/8/1950,

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Trưởng ban Quân báo Cao Pha, Phó Tổng tham mưu trưởng Phan Phác và một số cán bộ mặt trận trực tiếp đi trinh sát khu vực thị xã Cao Bằng. Đài quan sát đặt ở ngọn núi phía Đông Thị xã, Chỉ huy trưởng dùng kính viễn vọng quan sát các vị trí của địch, “là cả một hệ thống hơn 10 đồn tiền tiêu được xây dựng trên những ngọn đồi bao quanh”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng mọi người trao đổi, dự kiến những khó khăn mà các mũi tiến công của ta sẽ gặp phải và cách khắc phục trên đường tiếp cận mục tiêu. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: Không thể chọn thị xã Cao Bằng làm điểm đột phá mở màn chiến dịch vì khó bảo đảm nguyên tắc đánh thắng trận đầu. Vấn đề đặt ra là, nếu không đánh Cao Bằng thì cần thay đổi phương án tác chiến như thế nào?

Ngày 6/8/1950, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định chủ kiến của mình với tập thể Đảng ủy: Việc chọn Cao Bằng là do Tổng quân ủy đề xuất trong dự định chiến dịch. Sau khi phân tích, đánh giá tình hình qua trực tiếp nghiên cứu thực địa, thấy dự định đó không bảo đảm chắc thắng, báo cáo và xin ý kiến Thường vụ Trung ương cho thay đổi phương án tác chiến.

Tiếp theo, tại cuộc họp Ðảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch ngày 16/8, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kết luận: Đánh Cao Bằng trước, “ta chưa có thể nói chắc chắn bảo đảm thắng lợi”. Thay vào đó, Đại tướng đã quả cảm, quyết đoán đề nghị chuyển sang đột phá Đông Khê, một cứ điểm khác trên tuyến đường số 4 “nơi yếu hơn nhưng lại hiểm yếu hơn” để thực hiện phương án tác chiến mới là “đánh điểm, diệt viện”.

Đề nghị chuyển hướng đột phá được Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Bác Hồ chuẩn y. Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc dù bận rất nhiều công việc, nhưng với tầm quan trọng của chiến dịch, vị lãnh tụ tối cao của dân tộc trực tiếp ra mặt trận để chỉ đạo, Người đã đến Sở Chỉ huy Chiến dịch làm việc với Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch, khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo phương án tác chiến, Người nhất trí và nhắc lại: “Một là đánh Đông Khê, hai là đánh quân tiếp viện…”. Cuối cùng Bác động viên toàn quân, toàn dân ra sức thi đua lập công, giành toàn thắng cho chiến dịch.

Ngày 16/9/1950, chiến dịch Biên giới chính thức diễn ra với tiếng súng tấn công Đông Khê và cứ điểm Đông Khê bị quân ta diệt gọn sau 54 giờ chiến đấu vô cùng anh dũng và quyết liệt. Mặc dù cho đến ngày nổ súng, thời gian chuẩn bị cho trận Đông Khê chỉ còn chưa đầy một tháng, song thực tế diễn biến chiến dịch đã cho thấy đây là một quyết định đúng đắn, chính xác. Việc chuyển mục tiêu tiến công từ Cao Bằng về Đông Khê là một sự quyết đoán táo bạo, có cơ sở khoa học. Chiến thắng Đông Khê tiếp nối truyền thống "đánh thắng trận đầu" của Quân đội ta, và mở ra một phương thức tác chiến mới, hiệu quả "đánh điểm, diệt viện".

Sau chiến thắng Đông Khê, chiến dịch tiếp diễn với nhiều trận chiến đấu quyết liệt của quân ta, binh đoàn Sác-tông trên đường rút khỏi thị xã Cao Bằng và binh đoàn Lơ-pa-giơ từ Lạng Sơn lên ứng cứu lần lượt bị tiêu diệt vào các ngày 7 và 8/10/1950. Những ngày sau đó, quân địch buộc phải rút chạy khỏi các vị trí Thất Khê, Na Sầm, Đồng Đăng… Hệ thống phòng thủ của địch trên đường số 4 bị phá vỡ.

Sau 29 ngày đêm chiến đấu anh dũng, Chiến dịch Biên giới toàn thắng. Nhưng quan trọng hơn cả, là tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc được khai thông, phá thế bao vây căn cứ địa Việt Bắc với các nước bè bạn trên thế giới. Chiến thắng Biên giới mà phía Pháp gọi là “thảm họa Cao Bằng”, có một ý nghĩa chiến lược quan trọng đã làm thay đổi cục diện chiến trường giữa ta và Pháp và là bước ngoặt đưa cuộc kháng chiến của ta từ chiến tranh du kích lên chiến tranh chính quy.

Đến nay đã 71 năm, nhìn lại chiến thắng Biên giới Thu - Ðông 1950, càng thấy rõ hơn chủ trương kịp thời, đúng đắn, quyết tâm giành thắng lợi của Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh và tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Biên giới.

 

  Ý kiến bạn đọc

Video hoạt động



Bazon SACH1
duluanxahoi
tracuu 1
bhxh2 yukp

dcs





nonnuoccb
12121hq1
Liên kết Website

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập25
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm24
  • Hôm nay3,295
  • Tháng hiện tại95,570
  • Tổng lượt truy cập2,800,942
Chung nhan Tin Nhiem Mang
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TUYÊN GIÁO CAO BẰNG
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Tỉnh ủy,  Km5, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3855 011  -  Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Bế Thanh Tịnh, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Ghi rõ nguồn https://tuyengiaocaobang.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây