Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tổng vốn đầu tư công năm 2020 toàn tỉnh đạt hơn 4.165,6 tỷ đồng, trong đó, vốn năm 2019 được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2020 là 947 tỷ 952,2 triệu đồng; vốn kế hoạch năm 2020 là 3.217 tỷ 703 triệu đồng. Bằng sự chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến hết ngày 7/12, toàn tỉnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 được 2.393 tỷ 766,7 triệu đồng, bằng 70,7% KH, cao hơn trên 15% so với cùng kỳ những năm gần đây và cao hơn 18,4% so với cùng kỳ năm 2019. Nguồn vốn năm 2019 được phép giải ngân kéo dài sang năm 2020 giải ngân 597 tỷ 940,7 triệu đồng, bằng 63% KH.
Các huyện, Thành phố có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70%, trong đó, 3 huyện có tỷ lệ giải ngân cao gồm: Hòa An đạt 77% KH, Hạ Lang 77% KH, Bảo Lâm 76% KH. Nhiều dự án trọng điểm của tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đạt cao từ 80 - 100% KH vốn như: Dự án giải phóng mặt bằng Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tỉnh đạt 100% KH; đường tỉnh 207 từ cầu Khuổi Mịt, xã An Lạc - thị trấn Thanh Nhật (Hạ Lang) đạt 90,95% KH. Đường phía Nam khu đô thị mới Thành phố lý trình km 0+00 - km 3+00 giải ngân đạt 89,27% KH; hệ thống giao thông chính và hạ tầng thiết yếu khác trong Khu kinh tế Cửa khẩu Trà Lĩnh giải ngân đạt 80,27% KH; Dự án kè chống sạt lở bờ, ổn định dân cư bờ trái sông Bằng (Thành phố) giải ngân đạt 90,65% KH...
Mặc dù tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh những tháng cuối năm, đạt ở mức cao nhất từ trước đến nay nhưng trên thực tế còn chậm. Nguyên nhân do quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công hằng năm, kế hoạch vốn một số dự án xây dựng chưa sát nên phải rà soát và trình HĐND tỉnh thông qua nghị quyết sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh. Một số dự án nguồn vốn ngân sách Trung ương do chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào danh mục kế hoạch đầu tư trung hạn nên đến thời điểm giữa năm 2020 mới giao chi tiết cho các chủ đầu tư thực hiện dẫn đến giải ngân chậm. Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) được phê duyệt chủ trương đầu tư muộn dẫn đến chưa giải ngân được vốn cân đối ngân sách địa phương 105,763 tỷ đồng. Đối với các dự án khởi công mới trong năm 2020, những tháng đầu năm chủ yếu lập hồ sơ các thủ tục thẩm định, phê duyệt thiết kế, lựa chọn nhà thầu, chỉ triển khai thi công vào cuối năm. Công tác phê duyệt, nghiệm thu, quyết toán các dự án hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhiều dự án chậm. Một số chủ đầu tư chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc hoàn thiện thủ tục, triển khai thi công, chưa phối hợp chặt chẽ với nhà thầu đẩy nhanh công tác quyết toán dự án. Năng lực làm chủ đầu tư của cấp xã còn hạn chế; trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện lúng túng, nhất là trong khâu khảo sát, lập hồ sơ dự toán xây dựng công trình. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nhà thầu gặp khó khăn trong việc nhập vật tư, nguyên liệu, thiết bị, huy động nhân công… dẫn đến tiến độ thực hiện và giải ngân các công trình chậm. Một số dự án vướng mắc giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Để bảo đảm giải ngân đầu tư công năm 2020 đạt 100% kế hoạch, các sở, ban, ngành, huyện, Thành phố, đơn vị chủ đầu tư triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, khơi thông điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Đối với các dự án hoàn thành hoặc hạng mục đã hoàn thành thủ tục, chủ đầu tư cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để thanh toán với Kho bạc Nhà nước, tránh tình trạng thanh toán dồn vào những ngày cuối năm.