Đoàn đại biểu tỉnh Cao Bằng do đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn. Cùng dự có các đồng chí: Hà Ngọc Giáp, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Bế Thanh Tịnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ban, ngành và các huyện: Hà Quảng, Trùng Khánh, Quảng Hòa, Thạch An.
Đoàn đại biểu thành phố Sùng Tả do đồng chí Trần Hồng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Thành trưởng Thường vụ làm trưởng đoàn.
Về phía đại biểu mời dự có ông Đỗ Nam Trung, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc); cán bộ Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh.
Phát biểu tại hội đàm, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh bày tỏ vui mừng và phấn khởi được làm việc với Đoàn đại biểu Chính quyền nhân dân thành phố Sùng Tả, Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc); trân trọng cảm ơn tình cảm và sự quan tâm của lãnh đạo thành phố Sùng Tả dành cho tỉnh Cao Bằng. Khẳng định thời gian qua, dưới sự dẫn dắt của những nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương Việt Nam, nhất là 4 tỉnh biên giới Việt Nam (Cao Bằng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang) đã cùng tỉnh Quảng Tây quán triệt thực hiện nhận thức chung, và tiếp tục làm sâu sắc hơn hợp tác thiết thực.
Ngày 29/2/2024, 5 tỉnh/khu đồng tổ chức thành công Chương trình Gặp gỡ đầu Xuân 2024 giữa Bí thư 5 tỉnh/khu và Hội nghị lần thứ 15, Ủy ban Công tác liên hợp giữa các tỉnh Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc); ký Kế hoạch hành động giai đoạn 2024 - 2026 giữa Tỉnh ủy Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Đảng Cộng sản Việt Nam và Khu ủy khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Đảng Cộng sản Trung Quốc về làm phong phú hơn nữa nội hàm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
Trên cơ sở đó, tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc) triển khai hiệu quả các nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, mở ra nhiều triển vọng mới trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai bên; hợp tác thực chất trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối giao thông, giao lưu văn hóa, quản lý biên giới đạt được nhiều thành quả mới. Nổi bật, hai bên tích cực thúc đẩy triển khai Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc), đưa vào vận hành thí điểm cho du khách hai bên qua lại khu cảnh quan từ ngày 15/9/2023, qua đó, xây dựng mô hình kiểu mẫu về du lịch qua biên giới, du lịch xanh; hai bên phối hợp tổ chức Lễ công bố nâng cấp cặp cửa khẩu Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc) thành cửa khẩu quốc tế, bao gồm lối thông quan Nà Đoỏng (Việt Nam) - Nà Ráy (Trung Quốc) vào ngày 28/12/2023.
Tỉnh Cao Bằng đánh giá cao những bước phát triển tích cực với nhiều kết quả thực chất của quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa tỉnh Cao Bằng và Sùng Tả trong thời gian qua, đặc biệt trên các lĩnh vực: Giao lưu hữu nghị, hợp tác kinh tế - thương mại, xây dựng cửa khẩu và kết nối giao thông, quản lý biên giới, qua đó góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của quan hệ hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Tại buổi hội đàm, tỉnh Cao Bằng đề xuất các nội dung hợp tác trọng tâm giữa tỉnh Cao Bằng và thành phố Sùng Tả, Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây trong thời gian tới. Tiếp tục tăng cường hợp tác hữu nghị, phát huy vai trò của các cơ chế hợp tác song phương đã thiết lập, duy trì trao đổi các cấp với nhiều hình thức liên lạc; chỉ đạo định hướng, khuyến khích các huyện/thành phố, xã/thị trấn, thôn/bản, đồn/trạm biên giới hai tỉnh/khu tiếp tục thiết lập quan hệ hữu nghị; thống nhất cùng nhau nghiên cứu, xây dựng cơ chế giao lưu hữu nghị nhằm duy trì các hoạt động giao lưu hữu nghị hằng năm đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả...
Tiếp tục hợp tác trên lĩnh vực du lịch, văn hóa, xã hội. Tỉnh Cao Bằng được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nhiều di tích lịch sử và nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt, năm 2018, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được Hội đồng chấp hành UNESCO công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu; là nơi có lịch sử lâu đời và nền văn hóa truyền thống với hơn 200 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh; có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, Khu du lịch sinh thái Phja Oắc, Phja Đén, hồ Thang Hen, Mắt Thần Núi, động Ngườm Ngao, động Ngườm Pục và đặc biệt là thác Bản Giốc, 1 trong 4 thác nước biên giới đẹp nhất thế giới.
Sau thời gian triển khai vận hành thí điểm cho du khách qua lại Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc), lực lượng chức năng hai bên kịp thời bố trí lực lượng làm việc tại khu cảnh quan, chuẩn bị các cơ sở hạ tầng cần thiết phục vụ việc triển khai vận hành thí điểm; công tác an ninh trật tự cơ bản được đảm bảo, an toàn cho du khách; các thủ tục thông quan được lực lượng chức năng hai bên phối hợp xử lý linh hoạt, khoa học, văn minh và đúng quy định pháp luật. Mong muốn hai bên trao đổi, thống nhất phương án tổ chức tổng kết công tác vận hành thí điểm Khu cảnh quan, trên cơ sở đó tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng quyết tâm đưa khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) vào vận hành chính thức trong năm 2024.
Cao Bằng có điều kiện thuận lợi để phát triển nông, lâm nghiệp; xác định các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, hình thành, phát triển một số vùng sản xuất trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, cây đặc hữu, cây dược liệu, trồng rừng và tập trung phát triển một số dự án chăn nuôi tập trung. Tỉnh mong muốn có cơ hội hợp tác tiếp nhận chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ thông minh, công nghệ cao trong việc trồng giống cây ăn quả. Đồng thời, thúc đẩy công tác kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào các sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng và giá trị cao của Cao Bằng như: Mác ca, bưởi, thanh long; tiếp tục hợp tác phát triển hợp tác trồng mía xuất khẩu theo các bản cam kết đã ký giữa hai bên.
Tăng cường kết nối giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu, mở, nâng cấp cửa khẩu. Với đường biên giới giáp với Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) dài trên 333 km, Cao Bằng có vị trí kinh tế - chính trị chiến lược quan trọng của tiểu vùng Đông Bắc và cả nước; có nhiều cặp cửa khẩu, lối mở và cặp chợ biên giới tiếp giáp với Quảng Tây, tạo cho Cao Bằng trở thành cầu nối, trung tâm trung chuyển và dịch vụ logistics quan trọng trên hành lang giao thương hàng hóa từ Quảng Tây và các tỉnh Tây Nam, Trung Quốc ra biển và đến các nước ASEAN.
Để phát huy tiềm năng cửa khẩu của hai bên, tỉnh Cao Bằng đề xuất lãnh đạo thành phố Sùng Tả tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu, đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục để đưa cầu đường bộ II Tà Lùng - Thủy Khẩu vào khai thác sử dụng; sớm công bố nâng cấp cửa khẩu Tà Lùng (Việt Nam) - Thuỷ Khẩu (Trung Quốc) thành cửa khẩu quốc tế; trao đổi thống nhất thời gian mở chính thức cửa khẩu song phương Lý Vạn (Việt Nam) - Thạc Long (Trung Quốc) để tiếp tục thực hiện các thủ tục nâng cấp lên cửa khẩu quốc tế theo quy định và mở Lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa Bản Khoòng (Việt Nam) - Nham Ứng (Trung Quốc) thuộc cặp cửa khẩu Lý Vạn (Việt Nam) - Thạc Long (Trung Quốc).
Tiếp tục tăng cường hợp tác quản lý biên giới, đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện hiệu quả 3 văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc và các thỏa thuận có liên quan; kịp thời phối hợp và xử lý thỏa đáng các vụ việc nảy sinh trên biên giới trên tinh thần hợp tác, hữu nghị; tăng cường hợp tác phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép và đấu tranh với các loại tội phạm qua biên giới; cùng xây dựng biên giới luôn hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.
Phát biểu tại Hội đàm, Phó Thành trưởng Thường vụ Trần Hồng cơ bản nhất trí với các ý kiến phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng và các đề xuất của tỉnh. Trong không khí thắm tình đoàn kết, cởi mở, hữu nghị, hợp tác, chân thành, các đại biểu trao đổi ý kiến, thống nhất các nội dung công việc, giải pháp cần đẩy mạnh thực hiện nhằm thúc đẩy hợp tác, cùng phát triển giữa tỉnh Cao Bằng và thành phố Sùng Tả ngày càng đi vào chiều sâu và chiều rộng, phát huy tiềm năng, thế mạnh của hai bên.
Hai bên cùng tin tưởng rằng với sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, cùng với sự nỗ lực cố gắng của Cao Bằng và Sùng Tả, quan hệ hợp tác hữu nghị sẽ ngày càng mở rộng và sâu sắc thêm, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, góp phần thúc đẩy ổn định xã hội và phát triển kinh tế hai bên. Tiếp tục kế thừa, gìn giữ và phát huy tốt tình hữu nghị truyền thống “vừa là đồng chí, vừa là anh em” do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng thế hệ lãnh đạo đi trước của Việt Nam và Trung Quốc đã gây dựng và dày công vun đắp.
Trước đó, sáng 24/4, đoàn đại biểu tỉnh Cao Bằng và đoàn đại biểu thành phố Sùng Tả tiến hành khảo sát Khu hợp tác sản xuất, chế biến công nghiệp, nông nghiệp; khảo sát cầu đường bộ II Tà Lùng - Thủy Khẩu; khảo sát mô hình du lịch Hoa Sơn Bích họa tại huyện Ninh Minh, thành phố Sùng Tả.
Nguồn tin: baocaobang.vn/:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn