Chiều 20/2, tại Hà Nội Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, các chuyên gia, nhà khoa học vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh; GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận vào một số nội dung như: Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai; Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Các quy định về thu hồi, trưng dụng đất để đảm bảo công khai, minh bạch, giảm khiếu nại tại Chương VI Dự thảo; Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (chương IX); Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Tài chính về đất đai, giá đất; Chế độ sử dụng các loại đất; Giám sát; Thanh tra, kiểm tra; Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật Trần Ngọc Đường cho rằng dự thảo Luật đất đai chưa hình thành được một cơ chế kiểm soát có hiệu lực và hiệu quả theo Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết 18- NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương.
Theo đó, cơ chế Nhân dân kiểm soát quyền lực bao gồm Nhân dân với tư cách là công dân có quyền giám sát, kiến nghị, đề nghị, tố cáo, tham gia quản lý nhà nước,... trong các khâu của quá trình quản lý nhà nước về đất đai. Cơ chế này còn là tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp của công dân mà trước hết là MTTQ các cấp và các thành viên của Mặt trận thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội. Mặc dù dự án luật đã chú trọng đến vai trò của Mặt trận tổ quốc các cấp, nhưng các quy định chưa đầy đủ và chưa bao quát hết tất cả các khâu của quá trình quản lý nhà nước về đất đai.
GS.TS Trần Ngọc Đường kiến nghị: Tất cả các khâu của quản lý nhà nước về đất đai từ khâu sử dụng của người sử dụng; điều tra đánh giá đất đai; quy hoạch kế hoạch sử dụng đất; đến thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi; phát triển quỹ đất: đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính về giá đất đai... đều phải có mặt của cơ chế Nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước theo Hiến pháp năm 2013. Theo đó, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận không nên quy định chỉ 1 điều (Điều 20) như dự thảo Luật đất đai mà nên quy định trong tất cả các Chương.
Cũng theo GS.TS Trần Ngọc Đường, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong mỗi quyền và kiểm soát lẫn nhau giữa các quyền quy định chưa đầy đủ và đủ mạnh để việc quản lý và sử dụng đất đai có hiệu lực và hiệu quả khắc phục được tình trạng tiêu cực tham nhũng về đất đai. Bởi vậy, Chương XV không nên quy định về giám sát, thanh tra, kiểm tra mà giám sát, thanh tra, kiểm tra đưa vào các chương trở thành một nội dung của từng chương với những quy định cụ thể quy định cơ chế kiểm soát theo nội dung của chương.
Cùng với đó cần tăng cường kiểm soát của quyền tư pháp đối với quyền hành pháp trong quản lý nhà nước về đất đai bằng việc không những xét xử hành vi hành chính và quyết định hành chính cá biệt, vi phạm pháp luật mà tiến tới có thể xét xử đối với văn bản quy phạm pháp luật dưới luật trong quản lý đất đai của Chính phủ, của bộ ngành và chính quyền địa phương mà cơ quan, tổ chức và cá nhân công dân có thể khởi kiện do trái với Luật đất đai và các luật có liên quan về đất đai.
GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật phát biểu tại Hội nghị. |
Trình bày ý kiến đối với trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thu hồi đất, ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật cho rằng, thực tiễn trong quy trình thu hồi đất có những khó khăn, tồn tại dẫn đến xảy ra khiếu kiện phức tạp, đông người, do chưa có đầy đủ quy phạm pháp luật, hoặc còn hạn chế về nhận thức pháp luật, về sự phối hợp chưa đồng bộ trong hệ thống chính trị ở mỗi cấp. Bởi vậy, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất cần có quy định bảo đảm nguyên tắc: Dân chủ, công khai, minh bạch, chính xác và trách nhiệm giải trình, bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân, để từng bước hạn chế khiếu kiện bức xúc, nhất là tránh xảy ra xung đột phức tạp.
Cùng với đó, cần bổ sung quy phạm về sự phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương ngay từ khâu đầu tiên của quy trình thu hồi đất để tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật về thu hồi đất, việc kiểm định đất đai, nhà ở, cây cối, ao hồ.... để định giá đền bù, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng.
PGS.TS Phạm Hữu Nghị, Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, quy định tại Điều 39 dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai công nhận quyền sử dụng đất đối với đất do cơ sở tôn giáo đang sử dụng sẽ góp phần tháo gỡ một số ách tắc trong việc xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức tôn giáo. Tuy nhiên còn một số vấn đề chưa có được phương án giải quyết, như đối với diện tích tổ chức tôn giáo sử dụng vào các mục đích khác thì phải trả tiền thuê đất hàng năm theo quy định của Luật này (Điều 57, Điều 181).
“Cụm từ “mục đích khác” ở đây cần được làm rõ. Bên cạnh đó trong trường hợp trên cùng một vị trí đất, tổ chức tôn giáo vừa sủ dụng để xây chùa, nhà thờ,... của tổ chức tôn giáo, vừa xây khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng để kinh doanh thì giải quyết như thế nào? Vấn đề này cần được làm rõ hơn trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).”, PGS.TS Phạm Hữu Nghị nêu rõ.
Các đại biểu cũng cho rằng, mức bồi thường bằng tiền cần căn cứ vào giá đất theo giá thị trường tại thời điểm thu hồi đất; đồng thời việc thu hồi và bồi thường, thực hiện tái định cư phải bảo đảm cho người bị thu hồi có chỗ ở, có điều kiện sống tốt bảo đảm thu nhập bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, nhất là đối với gia đình chính sách, hộ nghèo, người cô đơn.
PGS.TS Phạm Hữu Nghị, Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. |
Đối với vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, các đại biểu lưu ý, tại chương X chưa có quy định về thủ tục, trình tự chuyển nhượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do vậy cần có quy phạm quy định thủ tục, trình tự chuyển nhượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sao cho đơn giản, nhanh chóng, nhất là lược bỏ những thủ tục giấy tờ không cần thiết, gây phiền hà cho người dân.
Đề cập đến các nguyên tắc và việc lấy ý kiến Nhân dân về việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các đại biểu cho rằng, việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có các nguyên tắc thì việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng phải có nguyên tắc. Có thể áp dụng các nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như các nguyên tắc của việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là cơ chế ngăn ngừa nhóm lợi ích tác động vào việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vì lợi ích riêng, trục lợi của mình./.
Nguồn tin: dangcongsan.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn