Suy ngẫm về đạo đức của người cách mạng
Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và trong quá trình lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, cán bộ, đảng viên của Đảng đã nằm trong vòng vây tứ bề của kẻ thù, giữa muôn trùng khó khăn, thách thức, giữa bộn bề công việc của cách mạng, đói khổ, thiếu ăn, bị quân thù truy lùng, chém giết. Thế nhưng, hàng nghìn, hàng vạn chiến sĩ của Đảng vẫn luôn giữ vững tấm lòng kiên trung. Biết bao tấm gương chiến đấu dũng cảm, hi sinh của người đảng viên, cho đến hôm nay, mỗi khi nhắc lại, chúng ta vẫn thầm cảm phục.
Đó là các đảng viên trên các con tàu không số, bị giặc bắt, moi gan, mổ bụng vẫn đinh ninh lời thề không để con đường bị lộ. Đó là các đồng chí đảng viên cao cấp của Trung ương, bị kẻ thù dùng mọi thủ đoạn, trăm phương ngàn kế mua chuộc, dụ dỗ, tra tấn, nhục hình vẫn không khai cơ sở, căn cứ cách mạng. Đó là những chiến sĩ tình báo, bị quân thù cưa chân 4 lần, chặt hết 10 đầu ngón tay, lòng vẫn vững vàng như sắt đá. Họ là những chiến sĩ kiên trung của Đảng, vì lý tưởng cách mạng, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc mà chiến đấu, hi sinh, cống hiến trọn vẹn đời mình cho Tổ quốc.
Nhắc lại tấm gương của các thế hệ tiền bối, cha anh để chúng ta thêm suy ngẫm về đạo đức của người cách mạng hiện nay. Thời bình, đất nước không còn chiến tranh, kẻ thù đâu còn hiện hữu, vậy mà trước những cơn “giông lốc”, “bão tố” của kinh tế thị trường, trước những níu kéo của danh vọng, quyền lực, hàng loạt quan chức cấp cao đã phải hầu tòa, hàng nghìn đảng viên phải đứng trước vành móng ngựa, họ không còn giữ được phẩm giá của mình, không còn giữ được lời thề thiêng liêng mà họ đã tuyên thệ trong ngày gia nhập Đảng.
Theo quan điểm của Thiếu tướng Phan Khắc Hải, nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân, nhân dân gọi Đảng với tên gọi thân thương, trìu mến là “Đảng ta”. Vì thế, việc cán bộ, đảng viên vi phạm, bị thi hành kỷ luật đó là sự thực đau xót, không chỉ đau xót cho Đảng mà đau xót cho cả quần chúng nhân dân.
“Điều quan trọng nhất, đó là Nhân dân thấy được rằng, Đảng nhận thiếu sót của mình, mà càng tin ở Đảng. Bởi vì người ta luôn luôn tin Đảng, khi thấy thiếu sót của Đảng, người ta cũng đau lòng lắm. Bởi vì họ coi Đảng như người lãnh đạo của mình. Cho nên họ mừng nhất là thấy Đảng đã nhận được thiếu sót của mình”- ông Phan Khắc Hải chia sẻ.
Nói về đạo đức của người cách mạng hay đạo đức của người đảng viên, đó là một phạm trù rộng, có nội hàm lớn. Nhưng tựu chung lại, thì đó là tinh thần suốt đời phấn đấu hi sinh, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Chỉ khi nào, người cán bộ, đảng viên biết đặt lợi ích của đất nước lên trên hết, trước hết và lấy đó làm hệ quy chiếu trong suy nghĩ, trong nhận thức và trong hành động, thì người đảng viên mới tránh được những cám dỗ, tránh được những ham muốn vật chất đời thường.
Những vụ đại án thời gian qua cho thấy, người đứng đầu tổ chức đảng bị lợi ích chi phối, bị vinh hoa quyền lực che mờ nên không thấy được ánh sáng của đạo đức. Theo Tiến sĩ Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, họ đã không còn giữ được thể diện và danh dự của người đảng viên. Nếu có đạo đức, nếu có thể diện, biết giữ gìn danh dự, biết đặt lợi ích của đất nước lên trên hết thì sẽ không ai và không bao giờ dám đặt bút ký để rồi mong nhận hoa hồng, chia phần trăm, ăn đút lót, nhận hối lộ tới hàng triệu đô la. Nếu có đạo đức, biết suy nghĩ cho hàng chục triệu sinh linh và cuộc sống của đồng bào đang nguy khốn trong đại dịch Covid, thì sẽ không thổi phồng, đưa đẩy giá kít xét nghiệm lên hàng chục lần để trục lợi, vun vén cho lợi ích bản thân. Vì lẽ đó, Tiến sĩ Nhị Lê cho rằng, chiến thắng bằng danh dự, chiến thắng bằng đạo đức mới là chiến thắng vinh quang, cao cả.
"Trong cơn lốc thị trường, mở cửa hội nhập như thế này, ai không vượt qua được sự cám dỗ của đồng tiền, người đó gục ngã. Đồng tiền rất mỏng, mỏng như một con dao lam, nhưng sức công phá cực lớn. Nó cắt bỏ nhiều số phận, từ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương tới các Thứ trưởng, từ Trung tướng, Thiếu tướng xuống Đại tá, các cán bộ cấp cao trong lực lượng vũ trang. Cho nên cuộc chiến đấu này là cuộc chiến đấu rất gay go”- TS Nhị Lê nhấn mạnh.
Sự suy thoái về đạo đức nếu rơi vào những đảng viên có chức, có quyền sẽ kéo theo nhiều số phận, nhiều cuộc đời bị ảnh hưởng, thậm chí nguy hại hơn nó còn kéo lùi sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Xin được lấy ra đây một ví dụ: Chỉ tính riêng số tiền tham ô, tham nhũng, nhận hối lộ trong 10 đại án gần đây đã lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Số tiền này nếu được giải ngân đầu tư sẽ xây dựng được hàng trăm km đường cao tốc, hàng nghìn căn nhà, hàng trăm ngôi trường cho đồng bào và các em học sinh nghèo vùng cao. Hay như số tiền hơn 800 tỷ đồng hoa hồng trong vụ “thổi giá” kít xét nghiệm của công ty Việt Á, nếu được sử dụng để chi cho các gói an sinh, hỗ trợ người nghèo trong mùa dịch Covid, chắc chắn sẽ có nhiều cuộc đời, nhiều số phận được cứu vớt.
Xây dựng Đảng về đạo đức cũng chính là để bảo vệ Đảng trước những tác động, chống phá
Đưa ra phép so sánh như vậy, để thấy, nếu những người không có đạo đức, nếu những người không còn thể diện, danh dự, chui sâu, leo cao vào trong Đảng, sẽ dẫn đến hệ quả vô cùng nguy hại, họ sẽ tìm mọi cách đào phá, đục khoét, phá tan thành trì cách mạng. Tổ chức cần người tài, đất nước cần người giỏi nhưng tài phải đi liền với đức. Trong hai yếu tố này, nhất quyết phải lấy đạo đức làm nền tảng.
Dân gian vẫn có câu “Giúp dân, dân lập đền thờ”. Trong lịch sử dân tộc, người có công giúp dân đánh giặc, khai hoang, lập ấp, mở đường, mở làng đều được nhân dân tôn thờ, dựng tượng đài, đặt tên đường, tên làng, tên xóm. Những người có công với dân, với nước, họ được nhân dân tin yêu, tưởng nhớ không chỉ bởi tài năng mà vì họ là những người đức độ, một lòng vì nước, vì dân. Ngược lại, những người phản dân, hại nước, những vua quan hống hách, cửa quyền làm tay sai cho giặc thì muôn đời sau sử sách vẫn còn khắc tội, phán xét. Điều đó nhắc nhở mỗi người đảng viên rằng, phải luôn luôn tu dưỡng, rèn luyện và giữ gìn đạo đức, danh dự, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì kiên quyết tránh. Hết lòng vì dân, sẽ được nhân dân bảo vệ.
“Quần chúng chỉ yêu mến những người có tư cách đạo đức, muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Mà việc nêu gương muốn được thực hiện hiệu quả thì cần phải được thể hiện bằng hành động. Và tôi cho rằng, nếu người cán bộ luôn biết đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, người cán bộ mà luôn hết mình vì công việc thì sẽ được nhìn nhận và tin tưởng”- Thiếu tướng Nguyễn Văn Tháp, Phó Chính ủy Học viện Chính trị nhận định.
Đảng ở trong lòng xã hội, trong lòng nhân dân. Đảng cũng như một con người, là một cơ thể sống như một lẽ tự nhiên. Vì lẽ đó, xây dựng Đảng về đạo đức cũng chính là biện pháp bảo vệ Đảng trước những tác động của kinh tế thị trường, trước sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Đảng chỉ có thể bảo vệ được Nhân dân, bảo vệ được đất nước và chế độ khi Đảng biết tự bảo vệ được mình. Suy thoái về đạo đức, lối sống sẽ làm mất đi khả năng tự đề kháng trước những “độc tố” mà kẻ thù luôn tìm cách gieo rắc, tiêm nhiễm vào cơ thể Đảng. Suy thoái về đạo đức tất yếu dẫn đến những biến dạng về thái độ chính trị.
Để tránh xa được điều đó, theo Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, mỗi đảng viên luôn luôn phải trong tâm thế tự bảo vệ mình: “Con người chứ không phải thần thánh, từ cán bộ cấp cao cũng thế thôi, đứng trước bao nhiêu cám dỗ đời thường, nếu không có ý chí vững tâm, không có ý chí bền vững mãnh liệt thì rất dễ hư hỏng. Vì vậy suốt đời phải tâm niệm, vì nước, vì dân, vì Đảng. Hai nữa là phải tự mình chú trọng bảo vệ danh dự của mình, tiền của vật chất rồi cũng sẽ qua đi, nhưng danh dự, tiếng thơm hay tiếng xấu thì để lại muôn đời.
“Danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất”. Đó cũng là thông điệp được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến nhiều lần trong các Hội nghị Trung ương. Tổng Bí thư đã lấy tấm gương đạo đức của Bác Hồ để truyền cảm hứng, lan tỏa việc học tập và rèn luyện đạo đức trong cán bộ, đảng viên hiện nay./.
Nguồn tin: vov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn