Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 20, sáng 14/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Quy định cụ thể cách thức xử lý yêu cầu tổ chức kỳ họp bất thường
Trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành Nội quy kỳ họp Quốc hội, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc ban hành Nghị quyết là cấp bách và cần thiết, nhằm kịp thời triển khai thi hành Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội, trong đó có giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức kỳ họp bất thường và hình thức họp trực tuyến, kết hợp giữa họp trực tiếp và trực tuyến; hướng dẫn về Hồ sơ về người được giới thiệu, tự ứng cử vào các chức danh để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; thể lệ bỏ phiếu, mẫu phiếu biểu quyết, biên bản kiểm phiếu, biên bản kết quả biểu quyết bằng bỏ phiếu kín, biên bản niêm phong phiếu biểu quyết…
Dự thảo Nghị quyết gồm 5 Chương với 19 Điều và các phụ lục, biểu mẫu ban hành kèm theo. Một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo Nghị quyết là quy định về kỳ họp bất thường.
Cụ thể, dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết khoản 3 Điều 1 của Nội quy về kỳ họp bất thường theo hướng quy định cụ thể về cách thức xử lý yêu cầu tổ chức kỳ họp bất thường của các chủ thể có thẩm quyền theo quy định của pháp luật như sau:
Trường hợp Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Quốc hội họp bất thường thì gửi văn bản nêu rõ sự cần thiết tổ chức kỳ họp bất thường, đề xuất nội dung, thời gian dự kiến tổ chức kỳ họp bất thường đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời gửi hồ sơ tài liệu về nội dung kèm văn bản yêu cầu tổ chức họp bất thường nếu nội dung đề xuất thuộc trách nhiệm chuẩn bị của mình.
Trường hợp đại biểu Quốc hội yêu cầu Quốc hội họp bất thường thì đại biểu Quốc hội gửi văn bản nêu rõ sự cần thiết tổ chức kỳ họp bất thường, đề xuất nội dung, thời gian dự kiến tổ chức kỳ họp bất thường đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong khoảng thời gian từ ngày khai mạc kỳ họp gần nhất đến trước ngày dự kiến khai mạc kỳ họp tiếp theo.
Trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình yêu cầu Quốc hội họp bất thường thì nêu rõ sự cần thiết, đề xuất nội dung, thời gian dự kiến tổ chức kỳ họp bất thường.
Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình yêu cầu hoặc khi nhận được yêu cầu của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hoặc yêu cầu của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội về việc tổ chức kỳ họp bất thường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan, tổ chức chuẩn bị nội dung được đề nghị trình Quốc hội, trong đó có yêu cầu về thời hạn gửi hồ sơ đến các cơ quan của Quốc hội để thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp.
Khi thẩm tra hồ sơ tài liệu trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường, các cơ quan của Quốc hội có trách nhiệm thể hiện rõ chính kiến về điều kiện, chất lượng hồ sơ tài liệu để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ sở xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp.
Trên cơ sở xem xét hồ sơ tài liệu do các cơ quan có thẩm quyền trình, ý kiến thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc triệu tập kỳ họp bất thường.
Bên cạnh đó, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, dự thảo Nghị quyết quy định trình tự, thủ tục tiến hành xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp bất thường (như xem xét, thông qua luật, nghị quyết, hoạt động giám sát, chất vấn, quyết định các vấn đề quan trọng…) được thực hiện theo quy định về kỳ họp tại Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Nội quy kỳ họp Quốc hội và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Cần nêu rõ tiêu chí xác định nội dung trình tại kỳ họp bất thường
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo ý kiến về dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội. |
Báo cáo về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành dự thảo Nghị quyết không quy định giới hạn các vấn đề, nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và Nội quy kỳ họp Quốc hội, theo đó “trong trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường để thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn, trừ nội dung định kỳ trình Quốc hội theo quy định của pháp luật”; đồng thời, tạo sự linh hoạt, chủ động cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cần hướng dẫn cụ thể hơn về tiêu chí xác định nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường để phù hợp với mục đích, yêu cầu tổ chức kỳ họp bất thường là chỉ xử lý những vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách và thời gian tổ chức kỳ họp bất thường thường rất ngắn.
Cụ thể, chỉ đưa vào chương trình kỳ họp bất thường những nội dung bảo đảm các tiêu chí, điều kiện sau: Là nội dung quan trọng, cấp bách thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và cơ bản đạt sự đồng thuận giữa cơ quan trình và cơ quan thẩm tra; Để kịp thời thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền; Không thuộc nội dung định kỳ trình Quốc hội theo quy định của pháp luật.
Đồng tình với ý kiến của Uỷ ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh "cần phải quy định tiêu chí về nội dung kỳ họp bất thường". Bà cho rằng, việc quy định tiêu chí để xác định nội dung cuộc họp bất thường nhằm tránh trường hợp khi kỳ họp bình thường làm không kịp thì chuyển qua kỳ họp bất thường. Do vậy, nội dung của Kỳ họp bất thường cần phải có tiêu chí, đó là những vấn đề quan trọng, cấp bách, không thể đợi đến kỳ họp bình thường mới đưa vào.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, việc tổ chức Kỳ họp bất thường do yêu cầu chung, do có chỉ đạo từ Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ động đề xuất, cần cân nhắc quy định rõ về thời hạn gửi triệu tập trước khi Kỳ họp bắt đầu sao cho hợp lý, sát với thực tiễn, đảm bảo tính chặt chẽ, khả thi của Nghị quyết.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, đến ngày 15/3/2023 là Nội quy kỳ họp Quốc hội chính thức có hiệu lực thi hành, do đó việc ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể chậm trễ hơn nữa.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và thống nhất về kỳ họp bất thường, tán thành với các quy định như trong dự thảo Nghị quyết. Trong đó có quy định cụ thể về cách thức xử lý yêu cầu của các chủ thể có thẩm quyền về việc tổ chức kỳ họp bất thường theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Theo quy định, các chủ thể thẩm quyền khi yêu cầu tổ chức họp bất thường phải nêu rõ sự cần thiết, đề xuất nội dung xây dựng tiêu chí kỳ họp bất thường, thời gian dự kiến tổ chức kỳ họp bất thường. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm yêu cầu các cơ quan chuẩn bị nội dung gửi hồ sơ tài liệu đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra để xem xét, quyết định việc triệu tập kỳ họp bất thường để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Dự thảo Nghị quyết quy định trình tự, thủ tục tiến hành xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp bất thường được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan về kỳ họp Quốc hội./.
Nguồn tin: dangcongsan.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn