Động lực để cán bộ tự hoàn thiện

Thứ tư - 15/02/2023 04:52
(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Dư luận nhìn nhận, việc triển khai thực hiện các nội dung trong Quy định này sẽ là động lực lớn để đội ngũ cán bộ các cấp tiếp tục phấn đấu, rèn luyện để tự hoàn thiện bản thân.
Đại biểu bỏ phiếu đánh giá mức độ tín nhiệm các chức danh cho Quốc hội bầu và phê chuẩn
Đại biểu bỏ phiếu đánh giá mức độ tín nhiệm các chức danh cho Quốc hội bầu và phê chuẩn

Các chuyên gia cho rằng, Quy định 96 đã có sự kế thừa Quy định 262-QĐ/TW, ngày 8/10/2014 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đồng thời, cũng cập nhật tình hình, thể hiện sự đồng bộ, liên thông với Quy định 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc từ chức, miễn nhiệm cán bộ và Thông báo kết luận số 20-TB/TW, ngày 8/9/2022 của Bộ Chính trị về bố trí cán bộ sau khi bị kỷ luật mà có năng lực, uy tín giảm sút.

Điểm mới đáng chú ý của Quy định 96 là các điều khoản được cụ thể hóa, chặt chẽ và nghiêm minh hơn. Theo đó, việc lấy phiếu tín nhiệm được xác định là nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ, được thực hiện định kỳ. Đây là “bước tiến”, khẳng định vai trò của việc lấy phiếu tín nhiệm bởi trước đó, trong Quy định 262 nêu, phiếu tín nhiệm là một trong những kênh thông tin tham khảo quan trọng cho việc đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ. Như vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm không còn chỉ là kênh thông tin mang “tính chất tham khảo quan trọng” mà đã trở thành nội dung quan trọng trong đánh giá, quy hoạch, sử dụng cán bộ.

Bên cạnh đó, đối với tiêu chí lấy phiếu, Quy định 96 cũng bổ sung kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm; việc thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú; kết quả lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát... Các tiêu chí được xây dựng theo hướng cụ thể hơn, giảm thiểu các yếu tố “định tính” trong lấy phiếu tín nhiệm.

Một tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm thu hút sự quan tâm của dư luận đó là xem xét về sự gương mẫu của bản thân, vợ, chồng, con... Thực tế, đây không phải là tiêu chí mới, bởi Quy định 262 đã đề cập đến vấn đề này. Quy định về 19 điều đảng viên không được làm cũng nêu rõ việc cấm đảng viên để vợ, chồng, con, bố, mẹ, anh chị... và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình để trục lợi. Tuy nhiên, có lúc, có nơi việc thực hiện các quy định này chưa tốt; một số cán bộ lãnh đạo và người thân chưa nêu gương trong thực hiện các chính sách của Nhà nước, quy định của pháp luật. Do vậy, việc nhấn mạnh tiêu chí “sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước” trong Quy định 96 đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao.

Đặc biệt, các nội dung về việc sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm nêu trong Quy định 96 đã thể hiện rõ tính nghiêm minh, quyết liệt. Nếu như ở trước đây, kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để “tham khảo”, thì Quy định 96 đã khẳng định kết quả này để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ... Việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng cụ thể, nghiêm minh hơn trước gắn với các biện pháp xử lý đối với cán bộ có phiếu tín nhiệm thấp. Sau khi lấy phiếu nếu tín nhiệm thấp sẽ xử lý ngay và đưa ra từng khung rất cụ thể: Những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định. Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm

Việc lấy phiếu về thực chất là một khâu trong quy trình công tác cán bộ và cụ thể hóa hơn nhằm đánh giá cán bộ. Khi đánh giá đúng sẽ đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng sẽ đúng. Lấy phiếu tín nhiệm là vấn đề quan trọng đối với cả tổ chức và cá nhân; liên quan đến sinh mệnh chính trị của từng cán bộ, đảng viên, nhất là các cán bộ đang giữ chức danh lãnh đạo, quản lý. Với những nội dung cụ thể, rõ ràng, Quy định 96 vừa là tiêu chí để từng cán bộ tự nhìn nhận mình, đồng thời cũng là động lực để họ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu tự hoàn thiện bản thân. Bám sát các tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm xác định trong Quy định 96, từng cán bộ sẽ có cơ sở để tự phê bình, "tự soi, tự sửa" lại mình. Qua đó, nâng cao năng lực lãnh đạo, nâng cao uy tín của đội ngũ cán bộ các cấp.

Lấy phiếu tín nhiệm cũng có ý nghĩa như một biện pháp nhắc nhở, tạo ra yêu cầu cao đối với người được lấy phiếu để họ tự ý thức, tự đề cao trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình; cũng như phải cùng người thân, gia đình gương mẫu, nêu gương… Cán bộ có phiếu tín nhiệm không cao cần tự nhìn nhận lại mình, chủ động khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; cán bộ có phiếu tín nhiệm cao cũng là sự ghi nhận, động viên của tập thể đối với sự nỗ lực, cống hiến của họ.

Quy định số 96 được ban hành với những nội dung mới là hết sức kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn thời gian qua. Để Quy định này được thực hiện có hiệu quả, song song với công tác tuyên truyền, quán triệt, cấp ủy, cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị cần thực hiện đầy đủ các khâu, các bước trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm theo nguyên tắc đồng bộ, công minh, khách quan, trung thực. Đồng thời, việc lấy phiếu cần được tiến hành từ trung ương đến địa phương; chú trọng sự phối hợp đồng bộ trong việc lấy phiếu từ trung ương, Quốc hội, các bộ, ban, ngành, địa phương. Qua đó, tạo động lực để đội ngũ cán bộ các cấp tự hoàn thiện phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.

 

Nguồn tin: dangcongsan.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Video hoạt động
Screenshot 2


z5938366578357 0660a04694014cba01f06354ec63e29c


z5938342173393 e3ad0887d201d3d74066f1305a005930
Bazon SACH1
duluanxahoi
tracuu 1
bhxh2 yukp

dcs





nonnuoccb
12121hq1
Liên kết Website

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm11
  • Hôm nay4,402
  • Tháng hiện tại313,619
  • Tổng lượt truy cập4,119,809
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TUYÊN GIÁO CAO BẰNG
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Tỉnh ủy,  Km5, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3855 011  -  Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Bế Thanh Tịnh, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Ghi rõ nguồn https://tuyengiaocaobang.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.

  Chung nhan Tin Nhiem Mang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây