Nhiều hoạt động lớn, ý nghĩa sẽ được tổ chức
Phát biểu định hướng Tọa đàm, đồng chí Trần Thanh Lâm - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ của con người Việt Nam. Bước vào thời kỳ hòa bình, độc lập, thống nhất, đổi mới và hội nhập quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng, văn học, nghệ thuật Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ; đổi mới căn bản, toàn diện cả về tư duy lý luận, thực tiễn sáng tạo, phương thức truyền bá và xu hướng tiếp nhận; tạo được một nền văn học, nghệ thuật thống nhất, gắn bó với vận mệnh dân tộc và sự phát triển của đất nước.
Thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại Công văn số 3775-CV/VPTW, ngày 16/5/2022 của Văn phòng Trung ương Đảng; Hướng dẫn số 69-HD/BTGTW, ngày 20/9/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong 03 năm 2023-2025, nhằm đánh giá toàn diện, sâu sắc nền văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025), Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng dự thảo Kế hoạch tổ chức các hoạt động tổng kết. Tọa đàm được tổ chức nhằm lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ… về nội dung, chương trình, công tác tổ chức các hoạt động nhân dịp kỷ niệm tròn 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
GS.TS Phùng Hữu Phú - Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương cho rằng nên tích hợp, lồng nghép các hoạt động sao cho phù hợp với nguồn lực. |
Báo cáo tóm tắt dự thảo Kế hoạch tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Sẽ có rất nhiều hoạt động được tổ chức nhân dịp này như: Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước: Thành tựu, triển vọng và định hướng phát triển”. Hội thảo nhằm tập trung làm rõ, sâu sắc các nhóm vấn đề: Bối cảnh lịch sử, văn hóa mới và quá trình phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm qua; Quá trình vận động, thành tựu, giới hạn và những vấn đề đặt ra; Thực trạng, xu hướng phát triển của đội ngũ văn nghệ sĩ và công chúng tiếp nhận văn học, nghệ thuật; Định hướng và giải pháp phát triển văn học, nghệ thuật đến năm 2045. Trên cơ sở kết quả Hội thảo và kết quả tổng kết của các địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức xuất bản cuốn sách: “50 năm văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất: thành tựu, triển vọng và định hướng phát triển”.
Tổng kết văn học, nghệ thuật địa phương 50 năm sau ngày đất nước thống nhất sẽ có các hội thảo, tọa đàm: “Đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam 50 năm sau ngày thống nhất đất nước: Thực trạng và giải pháp phát triển"; “Nhìn lại văn học, nghệ thuật Việt Nam ở nước ngoài 50 năm sau ngày đất nước thống nhất”. Ngoài ra còn có các hội thảo, tọa đàm theo các lĩnh vực văn học, nghệ thuật của 10 hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương.
Về triển khai các nhiệm vụ khoa học nghiên cứu có tổng kết về Đề tài khoa học trọng điểm cấp Ban Đảng (cấp Bộ): Tư duy lý luận văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất: Thành tựu, xu hướng, những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cũng cho rằng cần có sự chọn lọc các hoạt động sao cho “tinh” và chất lượng để thực sự tạo được dấu ấn. |
Nhiệm vụ khoa học cấp Bộ: Văn học Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất: thành tựu, xu hướng, những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển; Nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất: Thành tựu, xu hướng, những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển.
Tổ chức Đại hội Văn nghệ toàn quốc (Hội nghị gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ) nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Tổ chức sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề: “Non sông thống nhất”. Tổ chức Liên hoan hợp xướng học sinh, sinh viên toàn quốc với chủ đề: “Bài ca thống nhất”.
Về công tác thông tin, tuyên truyền: Từ nay đến năm 2025, sẽ tổ chức các hình thức tuyên truyền, cổ động trực quan, sinh động về chủ đề “50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất”, gắn với tuyên truyền kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tổ chức công bố, quảng bá các tác phẩm xuất sắc của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam nửa thế kỷ qua. Tuyên truyền đậm nét trên các phương tiện thông tin đại chúng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, văn nghệ; chủ trương, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, kết quả thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng, đặc biệt là quan điểm của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và Bài phát biểu chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/2021; thành tựu của văn học, nghệ thuật và đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà qua 50 năm sau ngày đất nước thống nhất;… Các báo, tạp chí về văn học, nghệ thuật tập trung giới thiệu, quảng bá các tác phẩm, các hoạt động kỷ niệm; xuất bản số chuyên đề tháng 4/2025 về chủ đề 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất.
Nên tích hợp, lồng ghép các sự kiện, hoạt động tổng kết sao cho phù hợp với nguồn lực
GS Đinh Xuân Dũng - nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương lưu ý tổ chức các hoạt động tổng kết cần khách quan, khoa học... |
Tại Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu đại diện cho các đơn vị có những đóng góp chi tiết vào nội dung, chương trình của từng hoạt động, từng sự kiện…. sao cho tổ chức các hoạt động tổng kết bảo đảm tính khách quan, khoa học, biện chứng, bám sát thực tiễn văn học, nghệ thuật và đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng; bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; có tính kế thừa, sáng tạo, thiết thực và hiệu quả; phát huy dân chủ, huy động đóng góp tối đa của các cơ quan, tổ chức khoa học, các chuyên gia, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ vào quá trình tổng kết.
Theo GS.TS Phùng Hữu Phú - Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương: Đây là bản kế hoạch có sự đầu tư rất công phu, nghiêm túc, nếu như làm được như bản Kế hoạch chắc chắn sẽ tạo được điểm nhấn đặc biệt trong các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Tuy nhiên theo GS.TS Phùng Hữu Phú, khi tổ chức các sự kiện cần cân nhắc, bởi vào tháng 4, tháng 5/2025 là thời điểm cả nước có rất nhiều sự kiện lớn như: 50 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội cấp cơ sở…. vì thế các Tỉnh, Thành ủy cũng sẽ phải tập trung dồn lực để tổ chức rất nhiều sự kiện. Vì thế, việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất cần cân nhắc tổ chức sao cho sự kiện thật sự là điểm nhấn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.
Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, trong bản Kế hoạch, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ chủ trì tổ chức 9 hoạt động lớn và 01 hoạt động phối hợp, cần phải cân nhắc xem có nên tích hợp, lồng ghép các sự kiện, các hoạt động sao cho phù hợp. Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, chúng ta cũng nên thành lập Ban chỉ đạo tổng thể các hoạt động kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) trong đó có sự tham gia của các bộ, ban, ngành.
Đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ báo cáo dự thảo các hoạt động tổng kết. |
Đồng quan điểm với GS.TS Phùng Hữu Phú, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng cần cân nhắc số lượng đầu việc với các đơn vị tổ chức. Không nên ôm đồm nhiều hoạt động mà cần có sự chọn lọc sao cho “tinh” và chất lượng để thực sự tạo được dấu ấn đối với cả nước. Trong các hoạt động, nên bổ sung đơn vị phối hợp là Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương.
Về tổ chức các tọa đàm, theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, cần phải cân nhắc chủ đề, tên gọi của các tọa đàm. Bên cạnh đó, nội dung của các tọa đàm cần tập trung vào các vấn đề như: Tự do sáng tạo; lý luận phê bình VHNT và trình độ thẩm mỹ năng lực cảm thụ VHNT của công chúng; vấn đề giao lưu, tiếp nhận và đưa những tác phẩm Việt Nam ra nước ngoài cũng như những tác phẩm nước ngoài vào Việt Nam…
Dưới góc nhìn biện chứng, GS Đinh Xuân Dũng - nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng, khi tổ chức các hoạt động không nên chỉ nhìn dưới góc độ thống nhất đất nước mà cần phải đặt nó và nhìn nhận nó trong suốt chiều dài 50 năm quá độ chúng ta đấu tranh quyết liệt để xây dựng và phát triển đất nước. 50 năm qua, lĩnh vực VHNT bên cạnh những thành tựu thì vẫn còn rất nhiều những hạn chế; vì vậy khi đánh giá cần phải khách quan, khoa học, đặt VHNT trong sự tìm tòi, lột xác mới...
Tọa đàm góp ý dự thảo Kế hoạch tổ chức các hoạt động Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật (VHNT) Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). |
Phát biểu kết luận Tọa đàm, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: Sau một buổi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Tọa đàm đã được lắng nghe ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học các văn nghệ sĩ… Đây sẽ là cơ sở quan trọng để Ban Tuyên giáo Trung ương tham khảo, hoàn thiện Kế hoạch tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Đồng chí Trần Thanh Lâm cũng đánh giá cao công tác chuẩn bị dự thảo Kế hoạch tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Đồng chí nhấn mạnh, mặc dù còn 2 năm nữa nhưng Ban soạn thảo đã tham mưu, đề xuất kế hoạch khá chi tiết cụ thể về những sự kiện rất ý nghĩa, thiết thực. Qua những ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng chí đề nghị Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp thu triệt để, báo cáo đồng chí Trưởng Ban để hoàn thiện Kế hoạch; sớm ban hành để các đơn vị, địa phương phối hợp tổ chức thực hiện bằng các hình thức phù hợp, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, có sức lan tỏa sâu rộng, gắn kết với các hoạt động kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; tạo không khí phấn khởi, góp phần củng cố, bồi đắp lòng tự hào, tự tôn dân tộc, niềm tin của nhân dân với Đảng, với tiền đồ và tương lai đất nước; góp phần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.
Nguồn tin: dangcongsan.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn