Nghề may vá, thêu thùa truyền thống có từ lâu đời gắn liền với phong tục, tập quán và những nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Dường như bất cứ người phụ nữ Dao Đỏ nào cũng biết luồn kim, se chỉ, tự may trang phục cho cả gia đình. Cứ thế hệ trước truyền cho thế hệ sau, các em gái người Dao Đỏ khoảng 10 - 12 tuổi đã thêu thùa thành thạo và tự tay làm ra trang phục cho riêng mình.
Điểm đặc biệt của các bộ trang phục phụ nữ dân tộc Dao Đỏ là được làm thủ công thông qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ. Thông thường, một bộ trang phục của người phụ nữ Dao Đỏ cần 1 - 2 năm để may hoàn chỉnh. Một bộ trang phục gồm nhiều bộ phận khác nhau tạo thành: khăn quấn đầu, vòng bạc, áo trong, áo khoác ngoài, vòng bông cổ áo, thắt lưng, quần, họa tiết trang trí dây treo ở cổ với 5 nhóm màu cơ bản: đỏ, đen, trắng, vàng, xanh, trong đó màu đỏ và đen là hai gam màu chủ đạo. Bởi người Dao Đỏ quan niệm 2 màu đem lại sự may mắn, đủ đầy, hạnh phúc.
Chi tiết đầu tiên dễ nhận biết nhất trong bộ trang phục của người phụ nữ Dao Đỏ chính là khăn quấn đầu, hay còn được gọi “gòng phá”. Đối với người phụ nữ Dao Đỏ ở Cao Bằng, khăn quấn đầu càng to, càng thể hiện được nét đẹp của người phụ nữ, thông thường “gòng phá” có số vòng quấn là 30, khi người phụ nữ trên 15 tuổi bắt đầu đội “gòng phá”. Vòng ngoài cùng của chiếc “gòng phá” được trang trí bởi những họa tiết thêu tay thủ công hình cây cỏ, hoa lá. Các họa tiết này được trang trí trên miếng vải hình chữ nhật có kích thước 5 x 10 cm và được sắp xếp xen kẽ nhau trên nền vải đỏ. Các vòng quấn bên trong là vải chàm được nhuộm và xếp gấp chồng lên nhau. Các vòng tròn có kích thước lớn dần.
Tiếp theo là áo trong và áo khoác ngoài hay còn gọi là “lùi ton” và “miền lui”. “Lùi ton” là chiếc áo sơ mi màu trắng bên trong. Ngày nay, chiếc áo sơ mi trắng này thường được mua ở ngoài chợ, còn chiếc áo truyền thống ngày xưa được may thủ công trên nền vải dệt chưa nhuộm chàm.
“Miền lui” là áo khoác ngoài được trang trí bởi những họa tiết chạm bạc tinh xảo hình ngôi sao, bông hoa, mặt trời, dòng nước… Áo khoác ngoài thường làm bằng vải nhung đen (xưa là vải chàm). Chiếc áo khoác ngoài này có phần cổ áo riêng gọi là “lùi sin”. “Lùi sin” cũng là một bộ phận tách biệt với thân áo, được dùng để trang trí cổ và vùng nửa thân lưng phía sau áo của người phụ nữ Dao đỏ. Đây được xem là phần khó hoàn thiện nhất trong quá trình may bộ trang phục dân tộc bởi yêu cầu cao về tính thẩm mỹ, văn hóa, lịch sử và độ khéo léo của người phụ nữ khi trang trí trang phục.
Điểm đặc biệt của bộ trang phục của người phụ nữ chính là vòng bông màu đỏ quấn quanh cổ và treo trước ngực. Vòng bông này được gọi “pờ ki nhòng”, “pờ ki nhòng” có kích thước 30 cm, được treo đối xứng phía hai bên ngực, trải dài từ cổ áo tới thắt lưng. Dải bông này được làm thủ công bằng len và đặc biệt là chỉ dùng bông len màu đỏ. Đây cũng là nét riêng biệt trên trang phục của người phụ nữ Dao Đỏ để phân biệt với các dân tộc khác.
Ngoài ra, trên bộ quần áo của người phụ nữ còn có “thít” (thắt lưng) và “hấu” (quần). Quần của người phụ nữ là vải chàm được nhuộm đen, phía ống quần được trang trí các ô hoa văn đỏ, vàng, trắng xen kẽ. Họa tiết thêu tỉ mỉ, cầu kỳ tạo nên sự đối xứng, hài hòa với chiếc áo thân trên của bộ trang phục.
Cũng giống như những dân tộc khác, trang phục của người phụ nữ có điểm nhấn là các vòng, kiềng được làm thủ công bằng bạc. Đây là tín vật mẹ chồng gửi trao cho người phụ nữ khi họ đi lấy chồng. Không giống với các dân tộc khác, dân tộc Dao Đỏ quan niệm rằng người phụ nữ khi đi lấy chồng, thắp hương ở nhà chồng, chăm lo cho gia tiên nhà chồng nên được mẹ chồng gửi gắm trách nhiệm thông qua chiếc vòng bạc mà họ đeo, vừa là của hồi môn, vừa là thước đo giá trị tình cảm của mẹ chồng, nàng dâu.
Trang phục người Dao Đỏ cơ bản giống nhau, tuy nhiên cũng có những điểm khác biệt tạo nên sự phong phú, đa dạng trong sắc màu văn hóa Dao, trong đó có sự khác biệt về cách mặc, vấn khăn, xà cạp và thêm bớt các chi tiết... Dù đã có nhiều sự thay đổi, xáo trộn bởi văn hóa hiện đại, nhưng ngày nay trang phục của người phụ nữ Dao Đỏ vẫn còn giữ nguyên vẹn những giá trị, thể hiện được nét đẹp riêng có, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.