Lễ cầu mưa của dân tộc Lô Lô

Thứ hai - 24/04/2023 22:00
Lễ cầu mưa là một trong những nghi lễ quan trọng của đồng bào dân tộc Lô Lô (Bảo Lâm). Đây là tín ngưỡng trong đời sống tâm linh, gắn kết cộng đồng và chia sẻ những điều tốt đẹp trong cuộc sống của người Lô Lô.
Thầy cúng làm lễ cúng con gà tại lễ cầu mưa
Thầy cúng làm lễ cúng con gà tại lễ cầu mưa
Dân tộc Lô Lô hiện nay có 233 hộ/1.330 nhân khẩu, sinh sống tại các xóm Cà Đổng, Cà Pẻn A, Cà Pẻn B, Cà Mèng, xã Đức Hạnh. Người Lô Lô canh tác nông nghiệp chủ yếu dựa vào thiên nhiên và quan niệm “vạn vật hữu linh”, họ tin rằng mọi hoạt động trong đời sống hằng ngày đều do một lực lượng siêu nhiên chi phối, đó là các vị thần linh. Một trong các vị thần đó là thần mưa, do đó, các nghi lễ đến nay vẫn được người Lô Lô lưu giữ, trong đó có lễ cầu mưa.
Lễ cầu mưa thường được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hằng năm. Trước khi tổ chức lễ, người dân họp bàn thống nhất chọn ngày tốt, tìm thầy cúng và các con vật tế lễ. Để chuẩn bị cho ngày lễ diễn ra, trưởng xóm, các vị cao niên họp bàn với người dân về công tác tổ chức. Mỗi người, mỗi nhà đóng góp mua lễ vật, phụ giúp thầy cúng các công việc trong quá trình làm lễ; người tham gia lễ mặc trang phục dân tộc Lô Lô, chỉ có đàn ông và trẻ em mới được đến khu vực diễn ra lễ cầu mưa, phụ nữ ở nhà chuẩn bị lễ vật để cúng tổ tiên tại nhà mình. 
Thầy cúng chính Cha Văn Mù, 50 tuổi, xóm Cà Đổng, xã Đức Hạnh chia sẻ: Lễ cầu mưa là nghi lễ quan trọng trong đời sống của đồng bào dân tộc Lô Lô. Lễ được tổ chức hằng năm, sau Tết Nguyên đán bà con chuẩn bị đồ lễ để làm lễ, ai cũng thành tâm cầu mong mưa thuận, gió hòa, cây cối phát triển tốt tươi, đủ lúa, đủ ngô để chăn nuôi, đẩy lùi đói nghèo, cuộc sống ấm no, gia đình hạnh phúc, bản làng đoàn kết. 
Nơi thực hiện nghi lễ thường là một khu rừng mà từ xưa dân làng đã chọn dành riêng để làm lễ cúng. Mỗi ngôi làng người Lô Lô có chung một khu rừng thiêng, cấm kỵ chặt phá cây cối. Đồng bào quan niệm rừng là nơi trú ngụ của thần linh, nơi giữ nguồn nước cho người dân, bản làng. Đồ tế lễ phải có rượu ngô - một loại đặc sản của người dân nơi đây, 1 con trâu, 1 con chó, 4 con gà... Mâm lễ chính gồm 3 chén nước, 5 ly rượu, 5 đôi đũa, 1 bát gạo để cắm hương, 1 mâm xôi ngũ sắc và giấy bản. Những con vật sống dâng cúng được dắt từ nhà thầy cúng đến nơi hành lễ, buộc xung quanh bàn lễ và người tế lễ cầu khấn xin phép dâng lễ; đồng thời chia ra để cúng riêng cho mỗi bài cúng khác nhau từ con gà, chó, trâu. Lần lượt cúng 1 lần sống và 1 lần chín, riêng trâu cúng 3 lần.
Các bài cúng thần rừng, thần đất do thầy cúng chính thực hiện. Một mâm lễ được lập cạnh đó là dàn cây, phía góc phải là một chiếc ghế được dựng dành cho các vị thần, thầy cúng thực hiện các bài tế lễ, dàn cây phía trước dân làng chuẩn bị là cây lau tượng trưng cho cây ngô, “cây mạy phẻn” tượng trưng cho bông lúa và một con chim gỗ tượng trưng cho chim chóc. Sau phần cúng lễ, có một phần thầy cúng xua đuổi chim mang ý nghĩa nhờ thần linh xua đuổi con vật gây hại cho mùa màng.
Khi thầy cúng tiến hành làm lễ là lúc dân làng tập trung đông đủ tại nơi làm lễ, lúc này thầy cúng giao các con vật cho những người giúp việc để làm thịt, bày cạnh bàn lễ. Thầy cúng tiến hành cúng lần một mời thần linh 4 phương trời chứng giám lễ cầu mưa của dân làng và xin thần linh phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Sau khi tiến hành xong thủ tục cúng sống, thầy cúng giao lại các con vật cho người giúp việc chế biến. Khi chế biến xong, đồ tế được bày ra cạnh bàn lễ để thầy cúng tiếp tục hành lễ lần thứ hai. Sau khi khấn xong, thầy cúng đốt giấy bản ở 4 góc bàn, vẩy rượu ra 4 phương tạ ơn trời đất.
Mỗi phần lễ được thầy cúng thực hiện trong khoảng hơn 1 giờ. Khi lễ cúng kết thúc sẽ chuyển sang phần hội, dân bản tập trung quây quần uống rượu, múa hát xung quanh bàn lễ. Những làn điệu dân ca độc đáo của người Lô Lô được cất lên ca ngợi tình yêu quê hương, tình yêu lứa đôi. Lớp người già nói chuyện gia đình, trồng cây, cấy lúa, trồng ngô, chọn rể, cưới dâu. Với mỗi người dân tộc Lô Lô nơi đây, dịp tổ chức lễ cầu mưa luôn là ngày được mong chờ để gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ và tăng thêm tình đoàn kết cộng đồng.
Ông Hoàng Văn Phúng, Trưởng xóm Cà Đổng cho biết: Được sự đồng tình của người dân trong xóm, tôi đại diện cho trưởng xóm vận động các hộ đóng góp tiền mua  trâu, chó, gà làm lễ cầu mưa để cầu cho dân làng một năm hạnh phúc, không bị ốm đau, bệnh tật, mùa màng tươi tốt, bội thu.
Lễ hội cầu mưa là lễ hội tín ngưỡng phồn thực, trong dịp tổ chức lễ hội, mọi sinh hoạt của người Lô Lô đều hướng vào việc cầu mưa. Họ thành tâm nguyện ước năm nay có nhiều hạt mưa rơi xuống tưới cho cây cối tốt tươi, cho dân bản được mùa, đời đời no ấm. Thông qua việc tổ chức lễ hội cầu mưa, bà con dân tộc Lô Lô truyền dạy cho con cháu niềm tự hào, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của dân tộc.

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Video hoạt động
Screenshot 2


z5938366578357 0660a04694014cba01f06354ec63e29c


z5938342173393 e3ad0887d201d3d74066f1305a005930
Bazon SACH1
duluanxahoi
tracuu 1
bhxh2 yukp

dcs





nonnuoccb
12121hq1
Liên kết Website

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập13
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm11
  • Hôm nay4,402
  • Tháng hiện tại313,438
  • Tổng lượt truy cập4,119,628
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TUYÊN GIÁO CAO BẰNG
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Tỉnh ủy,  Km5, phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3855 011  -  Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Bế Thanh Tịnh, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Ghi rõ nguồn https://tuyengiaocaobang.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.

  Chung nhan Tin Nhiem Mang
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây