Xóm Nà Mạ hiện có 80 hộ gia đình, trong đó 22 hộ duy trì và phát triển đều đặn nghề làm hương theo phương pháp truyền thống mà tổ tiên để lại.
Đúng với cái tên hương thảo mộc, mọi nguyên liệu đều hoàn toàn từ thiên nhiên như: cây mai dùng để làm que hương; bột hương nghiền nhỏ, trộn và tán nhuyễn bởi các loại gỗ mục, mùn cưa, lá cây keo. Nguyên liệu quan trọng nhất là lá cây keo (mọc trên sườn núi cao), có tác dụng tạo sự kết dính, tạo mùi hương đặc trưng mà chỉ có hương thảo mộc Nà Kéo mới có.
Để giữ gìn và phát triển nghề, năm 2020, xóm thành lập Tổ hợp tác làng nghề với 22 hộ tham gia, được Nhà nước trang bị 4 máy làm hương, 1 máy nghiền bột, nhân dân đóng góp tiền mua thiết bị điện để lắp đặt, có quy chế quản lý…, nhờ đó số lượng làm ra nhiều và nhanh hơn. Tuy nhiên, qua quá trình thử nghiệm, phương pháp làm thủ công vẫn được bà con ưu tiên lựa chọn. Bởi phương pháp làm thủ công đã trở thành thói quen của bà con, vừa chủ động được thời gian, vừa tranh thủ mọi lúc có thể, phù hợp với tính chất công việc mỗi hộ gia đình.
Để có được những que hương đạt tiêu chuẩn phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Tăm hương được làm từ cây mai chẻ nhỏ, dài khoảng 40 - 50 cm, phơi nắng cho khô để khi thắp que hương cháy tốt và không bị tắt giữa chừng. Lá cây keo lấy từ núi cao về đem phơi khô, sau đó giã mịn bằng cối đá rồi sàng lọc kỹ lưỡng bằng sàng rây. Công đoạn nặn bột tạo thành que hương là công đoạn khó và đòi hỏi sự khéo léo, đều và nhanh tay vì nếu làm chậm bột hương sẽ bị khô, kết dính không đều. Que hương đạt “tiêu chuẩn” phải là những thẻ được nặn tròn, đều, có độ nhẵn nhất định. Hương trước khi đem phơi nắng được phơi trong bóng râm khoảng 1 ngày để lớp bột áo se lại. Khi phơi ngoài nắng, bằng cảm quan của người làm nghề sẽ biết bao lâu là đủ “tiêu chuẩn”, nếu phơi quá lâu hương sẽ bị khô, màu sắc phai nhạt, nếu phơi quá ít khiến hương cháy không đều. Thời tiết nắng đẹp chỉ cần phơi 1 - 2 ngày là hoàn thành công đoạn phơi và có thể đóng gói, bảo quản để bán ra thị trường.
Với nguyên liệu tự nhiên được núi rừng ban tặng và cách làm thủ công, cầu kỳ, hương thảo mộc Nà Kéo luôn giữ được nét đặc trưng so với hương ở những nơi khác, tỏa mùi thơm dịu nhẹ, thanh khiết, dễ chịu, đặc biệt rất an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Hiện nay, sản phẩm hương thảo mộc không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân quanh vùng mà còn được bán ra các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Gia đình anh Lý Văn Vảy là một trong những hộ có thâm niên trong nghề làm hương, anh Vảy chia sẻ: Nghề làm hương thảo mộc giúp gia đình tôi tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Sau khi chuẩn bị xong tất cả nguyên vật liệu, bột hương đã tán nhuyễn, một ngày, một người làm từ sáng sớm đến tối có thể nặn được khoảng 2.000 - 3.000 que hương, tương ứng với 50 bó hương/ngày. Mỗi bó hương bán ra thị trường với giá 10 nghìn đồng, bán tại các chợ phiên trung bình từ 400 - 500 nghìn đồng/chợ. Đặc biệt, những dịp Tết Nguyên đán, Tết Thanh Minh (3/3), rằm tháng Bảy là thời điểm bán chạy nhất trong năm.
Từ nghề làm hương đem lại thu nhập ổn định từ 30 - 40 triệu đồng, chiếm 50% tổng thu nhập trong hộ gia đình làm nghề; không chỉ giải quyết việc làm tại chỗ mà còn góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xóm. Hiện xóm Nà Mạ còn 5 hộ nghèo.
Nguồn tin: baocaobang.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn