Về phía tỉnh có các đồng chí: Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành, lực lượng vũ trang tỉnh.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh báo cáo khái quát với Chủ tịch nước về tình hình quốc phòng - an ninh, cải cách tư pháp đối ngoại gắn với phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH), xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh. 3 năm qua, từ sau Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, kế thừa và phát huy truyền thống của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, sự quan tâm tạo điều kiện của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, ban, bộ, ngành Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nêu cao tinh thần trách nhiệm đoàn kết, thống nhất đổi mới tư duy lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa xây dựng và ban hành 3 chương trình trọng tâm, 3 nội dung đột phá.
Đến nay, tỉnh đã hoàn thành 3 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, có 10 chỉ tiêu đạt trên 70%; tập trung thu hút các nguồn lực nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương (kinh tế cửa khẩu, du lịch, nông nghiệp...); tăng trưởng bình quân đạt 5,46%; bình quân tỷ lệ hộ nghèo hằng năm trên 4%, đạt mục tiêu đề ra; hỗ trợ xóa được gần 6.800 nhà dột nát với số tiền gần 260 tỷ đồng... Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; công tác xây dựng Đảng hệ thống chính trị được triển khai hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và dư địa phát triển của địa phương; điểm nghẽn, nút thắt lớn nhất về kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh chưa được tháo gỡ; chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; một số chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đạt thấp; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vẫn ở mức thấp so với các tỉnh, thành trong cả nước. Chất lượng khám, chữa bệnh chưa đồng đều giữa các tuyến. Phát triển giáo dục ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng phục vụ công tác quản lý biên giới tại một số khu vực chưa được đầu tư xây dựng. An ninh trật tự còn tiềm ẩn một số yếu tố phức tạp...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã giải đáp các kiến nghị, đề xuất của tỉnh liên quan đến các vấn đề: Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và phương tiện làm việc thiết yếu, hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cho các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao; cân đối, bố trí thêm vốn cho dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2023; xem xét cân đối, hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương để tỉnh triển khai thực hiện dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan Khu du lịch thác Bản Giốc, xã Đàm Thuỷ (Trùng Khánh); cho chủ trương để tỉnh xây dựng Đề án “Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng” về thương mại, xuất nhập khẩu, cơ chế tài chính, lĩnh vực du lịch; bố trí kinh phí ngân sách và hỗ trợ tỉnh xã hội hóa kinh phí để thực hiện hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh với số kinh phí còn thiếu khoảng 71 tỷ đồng, thực hiện xóa 2.000 nhà tạm, nhà dột nát và 250 tỷ đồng xây dựng phòng ở công vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên y tế công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, đặc biệt khó khăn; hỗ trợ, giới thiệu, giúp đỡ tỉnh thiết lập quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài, nhất là đối tác, nhà đầu tư trong khối các nước đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...) xúc tiến đầu tư, thương mại, thu hút FDI, ODA...
Chủ tịch nước Tô Lâm ghi nhận, đánh giá cao những thành tích, kết quả Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đạt được trong thời gian qua. Để phấn đấu thực hiện thành công kế hoạch phát triển KT - XH giai đoạn 2021 - 2025, các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Tỉnh cần tiếp tục thống nhất, đồng lòng, hành động quyết liệt; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng vươn lên, tinh thần đoàn kết, tự hào, tự tôn dân tộc; phát huy sức sáng tạo, sức mạnh nội sinh, truyền thống lịch sử, văn hóa, con người của vùng đất “cái nôi cách mạng”, tự tin, tự lực, tự cường, không trông chờ ỷ lại. Tiếp tục đề ra các giải pháp cụ thể triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về "Phương hướng phát triển KT - XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, tạo động lực mới, không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển KT - XH nhanh và bền vững. Phát huy cao độ tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương; tạo cơ hội, điều kiện, môi trường thuận lợi để “thúc đẩy nội lực, thu hút ngoại lực”, khuyến khích nhà đầu tư, các doanh nghiệp khởi nghiệp, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học - công nghệ.
Đặc biệt, quan tâm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ, lãnh đạo tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; xây dựng các tổ chức Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; quan tâm công tác phát triển đảng viên; tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phát huy cao độ vai trò của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh trong chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để tạo bước phát triển mới, có chiến lược đầu tư cho các ngành mũi nhọn, lĩnh vực trọng điểm, đột phá như: Kinh tế cửa khẩu, kinh tế du lịch sinh thái, dịch vụ chất lượng cao, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh lân cận xây dựng tuyến hành lang kinh tế biên mậu dọc tuyến biên giới. Triển khai quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phấn đấu Cao Bằng nằm trong số 30 tỉnh tốt nhất về môi trường đầu tư.
Tăng cường công tác giáo dục và đào tạo; xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Xây dựng nền văn hóa phát triển toàn diện; bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, văn hóa phong phú của các dân tộc. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.
Quán triệt thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 5/1/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới; chú trọng kết hợp giữa công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước với đối ngoại nhân dân, phát triển kinh tế biên giới, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Về công tác cải cách tư pháp, Chủ tịch nước yêu cầu triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới sát với tình hình thực tiễn của tỉnh.
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, định hướng của Chủ tịch nước, Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh khẳng định, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng, truyền thống đoàn kết, bản lĩnh, ý chí tự lực, tự cường, chung sức, đồng lòng, quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2024 và cả nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Cao Bằng mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện nhiều hơn nữa của đồng chí Chủ tịch nước, các bộ, ngành Trung ương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
* Trước đó, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương, của tỉnh đến dâng hương, dâng hoa, tưởng niệm đồng chí Hoàng Đình Giong tại Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong, phường Đề Thám (Thành phố).
Bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước những công lao, sự hy sinh, đóng góp to lớn của đồng chí Hoàng Đình Giong - một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cộng sản kiên trung của quê hương Cao Bằng, vị lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn